March 19, 2024 | 09:20 GMT+7

Việt Nam có thể mất 14,5% GDP vì biến đổi khí hậu vào năm 2050

Anh Nhi -

Ông Thomas Jacobs, Giám đốc quốc gia của IFC tại Việt Nam cho rằng sự sẵn sàng của Việt Nam trong việc thu hút FDI như một phần của chiến lược tăng trưởng xanh là vấn đề cực kỳ quan trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một tương lai xanh hơn và bền vững hơn…

Ông Thomas Jacobs, Giám đốc quốc gia IFC tại Việt Nam cho rằng cần hành động khẩn trưởng để áp dụng ý tưởng mới vào tăng trưởng xanh.
Ông Thomas Jacobs, Giám đốc quốc gia IFC tại Việt Nam cho rằng cần hành động khẩn trưởng để áp dụng ý tưởng mới vào tăng trưởng xanh.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) sáng ngày 19/3, ông Thomas đánh giá biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức thời đại mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Báo cáo phân tích môi trường gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy Việt Nam đã mất 3,2% GDP vào năm 2020 do tác động của biến đổi khí hậu.

Xa hơn nữa, theo tính toán của WB, tác động của biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam thiệt hại 12–14,5% GDP vào năm 2050.

“Những báo cáo nào gợi lên nhiều suy nghĩ cho tương lai sắp tới của Việt Nam”, ông Thomas nhận định.

Để đạt được mục tiêu kép là trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được mục tiêu net zero vào năm 2050, Việt Nam cần đẩy nhanh các nỗ lực nhằm tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và giảm phát thải carbon cho nền kinh tế.

Và nguồn tài chính cần thiết để tài trợ cho những nỗ lực này có thể vào khoảng 6,8% GDP mỗi năm, hoặc tổng cộng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, một nửa trong số đó sẽ đến từ khu vực tư nhân.

Theo đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng một vai trò quan trọng, bằng cách đưa các công nghệ mới, ý tưởng và thực tiễn mới cũng như vốn nước ngoài vào để hỗ trợ các chiến lược mới hướng tới xu hướng xanh.

Mặc dù FDI rất quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam nhưng nó không được gây tổn hại đến môi trường.

“Mọi công ty đầu tư vào Việt Nam đều có trách nhiệm thực hiện cam kết mạnh mẽ về tăng trưởng xanh và xây dựng văn hóa bền vững trong toàn bộ tổ chức của mình”, đại diện IFC nhấn mạnh.

Chiến lược tăng trưởng xanh của các nhà đầu tư nước ngoài (cũng như các nhà đầu tư trong nước) phải gắn liền với các chính sách quản lý, xã hội và môi trường hiệu quả nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh bền vững, từ đó góp phần tạo việc làm và tăng trưởng toàn diện.

Thực tế cho thấy, tăng trưởng xanh đã trở thành vấn đề “bình thường mới” trong kinh doanh, là cách tăng cường hiệu quả tài chính và hoàn thiện hiệu quả cả trong và ngoài nước.

Không hành động không phải là một lựa chọn. Điều này có nghĩa là các công ty phải phát triển chiến lược, thực hiện chính sách, xây dựng văn hóa và đầu tư tiền để xanh hóa hoạt động kinh doanh của mình và khai thác tiềm năng để phát triển bền vững hơn.

Theo ông Thomas, cũng có nghĩa là các doanh nghiệp cần thiết lập quan điểm phù hợp từ Hội đồng quản trị để đảm bảo cam kết của doanh nghiệp thành hành động mang lại hiệu quả cho chính doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

Không chỉ các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước, ngân hàng, cơ quan quản lý, chính phủ đều có vai trò quan trọng ở Việt Nam. Các tổ chức như IFC cũng như vậy.

“Ý tưởng xanh tạo ra cơ hội xanh. Nhưng liệu tất cả chúng ta có hành động khẩn trương để áp dụng những ý tưởng mới này và phát triển các chiến lược xanh cần thiết phù hợp với tầm nhìn của Việt Nam về một nền kinh tế xanh hơn hay không”, ông Thomas nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate