November 21, 2023 | 15:24 GMT+7

Việt Nam có tỷ lệ hưởng lương hưu cao nhất khu vực

Thu Hằng -

Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam tương đương một số nước như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, song tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa ở nước ta cao nhất trong khu vực, thậm chí cao nhất trên thế giới, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nội dung được Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết khi phản hồi kiến nghị của 13 Hiệp hội doanh nghiệp về giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội khi hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

THẬN TRỌNG KHI SO SÁNH MỨC ĐÓNG BẢO HIỂM CỦA VIỆT NAM VỚI CÁC NƯỚC

Trước đó, 13 hiệp hội doanh nghiệp đề nghị đưa tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động và người sử dụng lao động về mức đóng của năm 2009. Tức là người lao động đóng 5%, người sử dụng lao động đóng 15%, tổng là 20%.

Về kiến nghị này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, mức đóng bảo hiểm xã hội (tỷ lệ đóng và mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội) được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện trong các mối quan hệ như: Tương quan, phù hợp với mức hưởng; giá trị thực tế của mức đóng, mức hưởng; giữa thời gian đóng - hưởng, mức độ bao phủ của các chế độ; nguyên tắc chia sẻ chủ yếu đối với các chế độ ngắn hạn.

Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội chỉ được cân nhắc điều chỉnh tăng có lộ trình trong Luật bảo hiểm xã hội 2007. Từ Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đến dự thảo Luật (sửa đổi) hiện nay đều không xem xét đến vấn đề này, để đảm bảo tính ổn định, bền vững.

Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam tương đương một số nước như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia…, nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, thậm chí cao nhất trên thế giới.

Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam.

Như vậy, hiện nay tỷ lệ tích lũy, tức tỷ lệ hưởng lương hưu tương ứng với một năm đóng bảo hiểm xã hội của Việt Nam bình quân là 2,14% đối với nam và 2,5% đối với nữ, trong khi các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc tỷ lệ này chỉ là 1%; bình quân của thế giới cũng chỉ khoảng 1,7%.

Liên quan đến vấn đề này, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho biết, không tính bảo hiểm y tế thì tổng mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội của Việt Nam là 27,5% tiền lương tháng.

Theo bà, đây là mức tương đồng các quốc gia thiết kế hệ thống bảo hiểm xã hội cung cấp các chế độ an sinh tương tự như Việt Nam. Một số nước có mức đóng thấp hơn nhưng đồng thời các chế độ hệ thống cung cấp ít hơn rất nhiều. Nếu không đóng góp vào quỹ, chủ sử dụng lao động phải chi trả một số chế độ cho người lao động khi gặp rủi ro.

Ví dụ, Malaysia với mức đóng 26,7%, chỉ thấp hơn Việt Nam 0,8% nhưng chế độ ốm đau, thai sản do người sử dụng lao động trực tiếp chi trả. Hoặc ở một số nước khi xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động phải chi trả. Tuy nhiên, việc để người sử dụng lao động chi trả sẽ khó giám sát, đánh giá, thậm chí xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.

Giám đốc ILO Việt Nam cho rằng, theo một số tiêu chuẩn lao động quốc tế, các chế độ này tốt nhất nên được chi trả qua hệ thống đảm bảo sự chia sẻ và minh bạch.

Tại Việt Nam, tất cả chế độ an sinh đều được chi trả qua hệ thống Bảo hiểm xã hội và được Chính phủ, Quốc hội, xã hội giám sát. Do đó ILO lưu ý cần hết sức cẩn trọng khi so sánh mức đóng.

CÓ DOANH NGHIỆP TÁCH THÀNH 100 KHOẢN PHỤ CẤP, PHÚC LỢI ĐỂ "NÉ" ĐÓNG BẢO HIỂM

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện Việt Nam theo mô hình tính mức hưởng trước nên mức đóng luôn phải đuổi theo, nhằm cân đối độ bền của Quỹ hưu trí tử tuất, các hiệp hội đang so sánh với nhiều nước có mô hình đóng - hưởng bảo hiểm xã hội không tương đồng với nước ta.

Giải quyết thủ tục liên quan đến bảo hiểm xã hội. Ảnh - BHXH Việt Nam.
Giải quyết thủ tục liên quan đến bảo hiểm xã hội. Ảnh - BHXH Việt Nam.

Tỷ lệ đóng cao và tỷ lệ hưởng cao, nhưng lương hưu thực tế của người lao động lại thấp. Năm 2022, mức lương hưu bình quân hằng tháng chỉ đạt 5,4 triệu đồng do nguyên nhân là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội rất thấp. Thống kê năm 2022, tiền lương làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội của người lao động chỉ đạt 5,7 triệu đồng/tháng.

Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định từ năm 2018 trở đi, tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội gồm tổng mức lương, phụ cấp lương và khoản bổ sung khác ổn định, thường xuyên được ghi trong hợp đồng lao động, nhằm từng bước tiệm cận tiền lương, thu nhập thực tế của lao động.

Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, thực tế nhiều doanh nghiệp thực thi không đầy đủ, tách thu nhập của người lao động thành nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp để không phải tính đóng bảo hiểm xã hội.

Nhiều doanh nghiệp tồn tại ba loại thu nhập: Loại làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, loại để quyết toán và thu nhập thực tế.

“Có doanh nghiệp chia ra hơn 100 loại phụ cấp lẫn phúc lợi và cơ quan Bảo hiểm xã hội không đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu doanh nghiệp tính đóng bảo hiểm xã hội”, Bảo hiểm xã hội Việt Nam lý giải.

Về nguyên tắc mức hưởng chế độ hưu trí được xác định trên hai yếu tố là thời gian đóng (để tính ra tỷ lệ hưởng), và mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Vì vậy, hiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất điều chỉnh giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, để nhiều người lao động được hưởng lương hưu hơn.

Tuy nhiên, dự thảo Luật không đề xuất việc tăng mức đóng, cũng như không đề xuất giảm tỷ lệ hưởng lương hưu để bù đắp việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội đối với các trường hợp này.

Do đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, việc các doanh nghiệp đặt vấn đề giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, đồng nghĩa với việc phải xem xét giảm tỷ lệ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (tỷ lệ hưởng lương hưu).

Từ đó, dẫn đến giá trị thực mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ thấp hơn so với thời gian đóng tối thiểu 20 năm. Vì thế không phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của Việt Nam.

Từ những so sánh nêu trên cho thấy rất khó để đánh giá mức đóng bảo hiểm xã hội của Việt Nam là cao hay thấp so với các quốc gia khác.

“Việc đánh giá tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cần được xem xét gắn với mô hình bảo hiểm xã hội tại mỗi nước, mối quan hệ giữa mức đóng với quyền lợi hưởng các chế độ, các yếu tố kinh tế vĩ mô, như sự phát triển kinh tế, GDP bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế, sự phát triển của thị trường lao động, chi phí lao động”, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate