Trong phiên chất vấn sáng 6/11 kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá 14, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã trả lời nhiều vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp, trong đó nguồn lợi khai thác thuỷ hải sản Việt Nam.
Trước câu hỏi của đại biểu quốc hội về tình hình nguồn lợi thủy sản Việt Nam cạn kiệt, trách nhiệm và hành động sắp tới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến đâu? Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phải thừa nhận rằng có rất nhiều nguyên nhân, trong đó, sản lượng khai thác của Việt Nam hiện nay vượt với tiềm năng, dẫn đến mất cân đối.
Trữ lượng trung bình ước tính vào khoảng 4,7 triệu tấn nhưng hàng năm Việt Nam đang khai thác khoảng 3,1 - 3,2 triệu tấn. "Điều này là quá mức", Bộ trưởng Cường nói.
Cũng theo vị tư lệnh ngành nông nghiệp, hiện tại, số lượng phương tiện khai thác cá của Việt Nam quá nhiều tàu, tổng số 96.609 chiếc tàu cá với tổng công suất trên 10 triệu CV.
Trong báo cáo gửi đến các đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh nhận thức của người dân về bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa cao. Tình trạng sử dụng các nghề, ngư cụ có tính tận diệt nguồn lợi, như chất nổ, xung điện, lưới kéo, lưới kéo đôi (giã cào bay), đánh bắt cá con, đánh bắt ở vùng biển ven bờ, thủy vực nội đồng, trong các khu bảo tồn biển vẫn tiếp diễn.
Nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ và nội địa đã bị khai thác quá giới hạn cho phép. Nguồn lợi thủy sản suy giảm về trữ lượng, sản lượng và kích thước, thành phần loài.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trước mắt, tăng cường cơ cấu lại không tăng sản lượng khai thác mà tập trung đi vào chuỗi giá trị, chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đưa ra hướng triển khai thực hiện Đề án cấm, hạn chế hoạt động khai thác thủy sản ở vùng biển Việt Nam nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản. Xây dựng chính sách: Chuyển đổi nghề cho cộng đồng ngư dân sử dụng nghề tận diệt (te, xiệp, lưới kéo...) sang các nghề khác; Hỗ trợ ngư dân trong thời gian tạm ngừng khai thác thuỷ sản; Phát triển đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Phân bổ, quản lý hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi.
Đồng thời, phục hồi, tái tạo nguồn lợi cần tập trung các loài nguy cấp, quý, hiếm, các loài bản địa, đặc hữu; xây dựng các dự án phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, rạn nhân tạo.
Thả bổ sung loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; loài thủy sản bản địa; vào vùng nước tự nhiên; khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động tái tạo nguồn lợi thuỷ sản.
"Kiên Giang đã có bài học rất tốt cả xã nông thôn mới trước đây 100% đi đánh bắt giờ đã ở nhà nuôi cá. Phải nhân rộng những mô hình này lên, không chỉ nuôi cá mà cả rong tảo… nếu chiến lược này làm tốt thì khai thác biển sẽ phát triển bền vững", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lấy ví dụ.
Bên cạnh đó, kiểm tra, kiểm soát thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 30/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Kiện toàn lực lượng kiểm ngư, thống nhất hoạt động của lực lượng kiểm ngư/thanh tra thủy sản từ trung ương đến địa phương; đầu tư xây dựng lực lượng hiện đại, tinh nhuệ, sẵn sàng làm nhiệm vụ trên các vùng biển Việt Nam.