Hội nghị Nhà đầu tư 2023 do VinaCapital tổ chức vào ngày 3/10 tại TP.HCM đã thu hút hơn 150 nhà đầu tư quốc tế đến từ các tập đoàn công nghiệp, định chế tài chính lớn, các công ty công nghệ khởi nghiệp... tham dự. Đây là số lượng nhà đầu tư đông nhất từ khi VinaCapital tổ chức hội nghị này lần đầu tiên vào năm 2005. Sự hiện diện đông đảo của các nhà đầu tư quốc tế cho thấy Việt Nam đang là địa chỉ đầu tư hấp dẫn.
Ông Don Lam, CEO và cổ đông sáng lập VinaCapital, cho biết số nhà đầu tư này là đại diện cho các tập đoàn, quỹ đầu tư đang quản lý nguồn vốn khoảng 1.000 tỉ USD. Qua khảo sát sơ bộ, nhà đầu tư này đặc biệt quan tâm những ngành đang có tiềm năng phát triển tại Việt Nam như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất xanh và đặc biệt là ngành bán dẫn, chip, nhất là sau khi quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ được nâng lên tầm cao mới. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam hút thêm dòng vốn trung dài hạn, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Cách đây 1 tuần, VinaCapital cũng tổ chức hội nghị với khoảng 30 tập đoàn từ Đài Loan đến Việt Nam để nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đài Loan hiện được xem là hàng đầu trong ngành sản xuất chip, bán dẫn trên thế giới. chỉ có khoảng 1,2% dân số lãnh thổ này tham gia trong ngành bán dẫn nhưng giá trị của ngành này đóng góp đến 20% GDP của Đài Loan. Tại hội nghị này, các nhà đầu tư đã bày tỏ sự quan tâm nhiều hơn, tự tin hơn và muốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhiều hơn.
NHIỀU ĐIỂM SÁNG VỚI KINH TẾ VIỆT NAM
Cách đây 1 năm, năm 2022, Hội nghị nhà đầu tư của VinaCapital chỉ thu hút khoảng 100 nhà đầu tư quốc tế tham dự. Hội nghị năm nay, số lượng nhà đầu tư tăng lên hơn 150 người. "Không những đông hơn về số lượng, mà tâm lý của họ hiện nay tốt hơn nhiều nhờ những diễn biến trên thị trường và kinh tế Việt Nam", ông Andy Ho - Tổng Giám đốc Hội đồng đầu tư VinaCapital cho biết.
Điểm sáng của kinh tế Việt Nam được ông Andy Ho dẫn chứng dựa trên tăng trưởng GDP. Cụ thể, trong năm 2022 mức tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt hơn 8%, năm 2023 dự báo đạt 4,7%; bình quân 2 năm thì tốc độ tăng trưởng là 6,5%. Đây là tốc độ cao trên thế giới, và là tốc độ trung bình của Việt Nam trong khá nhiều năm. Trong 2 năm dịch Covid-19 là 2020 và 2021, nhiều nước và khu vực trên thế giới bị tăng trưởng âm, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng dương.
Nguyên nhân tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 chỉ đạt khoảng 4,7% so với mức 8% của năm 2022 do xuất khẩu bị sụt giảm khoảng 10%; nhu cầu tiêu dùng nội địa còn yếu khi ước tính cả năm chỉ tăng 2 - 3% so với mức trung bình 8 - 9%/năm trước đây; thị trường bất động sản còn đối diện nhiều thách thức; du lịch quốc tế mới phục hồi khoảng 70% so với trước dịch Covid-19.... Tuy nhiên, Andy Ho cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tốt trong năm 2024 với mức tăng trưởng GDP quay trở lại khoảng 6,5%/năm.
“Sự sụt giảm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ đã chấm dứt và kỳ vọng lượng đặt hàng bắt đầu gia tăng trở lại. Cùng với đó, tỷ giá USD/VND vẫn được duy trì ở mức ổn định; tầng lớp trung lưu tăng trưởng 10%/năm sẽ khiến tiêu dùng kéo dài tăng trưởng trong hơn 10 năm tới... Tất cả những điều đó sẽ giúp dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục gia tăng vào Việt Nam, nhất là vốn FDI từ Mỹ”, Andy Ho nhận định.
Một điểm sáng khác là lãi suất đang được điều hành tốt và đã hạ nhiệt. Nếu cách đây vài tháng lãi suất tiền gửi bình quân lên đến 10% -12%/năm, thì nay đã giảm còn 5,5% - 6,5%. Điều này giúp dòng tiền chuyển sang kênh chứng khoán và bất động sản thay vì chỉ nằm ở ngân hàng như khi thời điểm lãi suất tiền gửi cao.
“Nhà đầu tư nước ngoài thường đặt câu hỏi với VinaCapital là bất động sản Việt Nam liệu có giống Trung Quốc hay không? Chúng tôi khẳng định không thể giống. Bởi thị trường bất động sản Việt Nam trong cơ cấu GDP chỉ chiếm 8%, còn Trung Quốc là 20%. Số lượng nhà trống ở Việt Nam không có, thậm chí thiếu nhà trung cấp và bình dân. Ngược lại, Trung Quốc dư thừa vô kể, thành phố "ma" rất nhiều", ông Andy chia sẻ thêm.
CHỨNG KHOÁN VẪN NHIỀU TIỀM NĂNG TRONG DÀI HẠN
Nêu bật lý do Việt Nam là địa chỉ hấp dẫn của giới đầu tư nước ngoài, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng giám đốc Điều hành quỹ đầu tư chứng khoán VinaCapital, cho biết: “Định giá thị trường Việt Nam cho thấy đang ở mức hấp dẫn. Thống kê trong giai đoạn 10 năm qua, cho thấy VN-Index chỉ có 3 lần trải qua mức P/E và P/B thấp như thời điểm hiện tại. Mức định giá VN-Index của Việt Nam cũng rất thấp so với các thị trường trong khu vực ASEAN, nhưng mức chiết khấu định giá đang đứng ở ngưỡng cao nhất 10 năm".
“Với nhà đầu tư với tầm nhìn dài hạn thì không nên quá lo lắng. Tất nhiên, nhà đầu tư cá nhân có thể có những dao động về mặt tâm lý, làm cho sự biến thiên của thị trường diễn ra mạnh hơn. Tuy nhiên, sự biến động của thị trường sẽ không quá đáng ngại".
Bà Hoài Thu, Tổng giám đốc Điều hành quỹ đầu tư chứng khoán VinaCapital.
Dự báo, thị trường chứng khoán trong ngắn hạn sẽ còn tiếp tục điều chỉnh giảm nhưng đại diện quỹ đầu tư chứng khoán của VinaCapital cho rằng đây là điều bình thường, bởi thời gian qua thị trường đã tăng tốt. “Tính đến cuối tháng 8, VN-Index đã tăng khoảng 20% so với đầu năm. Tháng 9, thị trường có các phiên điều chỉnh nhưng vẫn còn giữ được đà tăng khoảng 15%. Vì thị trường đã rất hưng phấn trong thời gian qua nên cần điều chỉnh trong ngắn hạn để đi tiếp”.
Cũng theo bà Thu, chứng khoán Việt Nam có nhiều tiềm năng trong dài hạn. Kênh đầu tư chứng khoán sẽ tiếp tục hưởng lợi, vì lãi suất ngân hàng đã đồng loạt giảm. Chứng khoán cũng sẽ tăng theo chu kỳ tăng của kinh tế (dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tốt trong năm 2024 với mức tăng trưởng GDP quay trở lại khoảng 6,5%/năm).
Các lĩnh vực đáng để đầu tư năm 2023-2024 gồm chuyển đổi số, với sự tích hợp hệ thống, trí tuệ nhân tạo, dịch vụ Internet và dữ liệu số. VinaCapital sẽ tập trung vào lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, các khu công nghiệp, bán lẻ, lĩnh vực cảng/vận chuyển/logistics, các công ty xuất khẩu và nhóm dầu khí.