February 15, 2022 | 19:42 GMT+7

Việt Nam dự kiến mở cửa đón khách quốc tế trong điều kiện bình thường mới từ 15/3

Tiến Dũng -

Đây là nội dung được thống nhất tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì với các bộ, ngành bàn phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, gắn với từng bước phục hồi kinh tế-xã hội sáng 15/2...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp sáng 15/2 - Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp sáng 15/2 - Ảnh: VGP

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết Bộ đã xây dựng phương án mở lại du lịch, ban đầu vào dịp 30/4-1/5. Trên tinh thần khẩn trương nhất, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức 3 cuộc hội thảo để tổng hợp ý kiến đầy đủ của các doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương về lộ trình mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.

"Mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới phải dựa trên tình hình dịch bệnh của Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm một số nước trong khu vực và trên thế giới", Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Ông cho biết, sau 4 tháng thí điểm đón khách quốc tế, 9 tỉnh, thành phố đã đón được 9.000 khách quốc tế. Đến nay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã cho phép tất cả các địa phương đủ điều kiện được thực hiện thí điểm đón khách quốc tế.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành bàn những nội dung rất chi tiết để có thể mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3, theo đúng tinh thần "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19", mau chóng phục hồi, phát triển du lịch nói riêng, kinh tế nói chung, lấy lại thời gian đã mất.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP

Cụ thể, các biện pháp để kiểm soát người đi lại được đưa ra khi dịch bùng phát từ năm 2020 đến nay sẽ được dỡ bỏ, cùng với đó là thực hiện nghiêm nhưng giải pháp phòng, chống dịch bệnh như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, đặc biệt là thực hiện 5K ở mọi nơi, mọi lúc, mọi khâu.

Về việc cấp thị thực nhập cảnh (visa), Việt Nam trước đây đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ. Song do dịch bệnh bùng phát từ năm 2020 và tuỳ theo diễn biến dịch tại các nước, Chính phủ đã có Nghị quyết ngừng thực hiện cơ chế miễn visa này. Trong điều kiện bình thường mới, các bộ, ngành thống nhất báo cáo Chính phủ cho phép khi đến thời điểm 15/3 sẽ dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về cấp visa và thực hiện như trước khi có dịch, bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương, song phương.

Ngoài ra, từ ngày 15/3, du khách quốc tế khi đến Việt Nam không phải đăng ký theo tour, tuyến du lịch như trong thời gian thí điểm, mà chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế về tiêm vaccine phòng Covid-19. DU khách cũng phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay (trong vòng 24 giờ đối với phương pháp xét nghiệm nhanh, 72 giờ đối với phương pháp RT-PCR), với các nước có quy định khắt khe hơn thì áp dụng theo quy định của các nước này. Du khách phải cài ít nhất một ứng dụng quản lý y tế theo quy định của cơ quan chuyên môn Việt Nam và bật liên tục trong thời gian ở tại Việt Nam...

"Khách quốc tế từ 12 tuổi trở lên phải được tiêm ít nhất 2 mũi vaccine, mũi thứ 2 không quá 6 tháng hoặc có chứng nhận khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng. Khách quốc tế dưới 11 tuổi không bắt buộc phải tiêm vaccine, vì Việt Nam chưa thực hiện tiêm cho đối tượng này", Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân cho biết thêm tại cuộc họp.

Đối với khách quốc tế nhập cảnh qua đường hàng không, những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ phải xét nghiệm nhanh ngay tại sân bay, những người còn lại phải về thẳng nơi lưu trú đã đăng ký trước, tự cách ly trong vòng 24 tiếng và thực hiện xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR, tiếp tục theo dõi y tế trong vòng 14 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện nghiêm 5K.

Khách quốc tế nhập cảnh qua đường bộ được xét nghiệm ngay tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh.

Các bộ, ngành cũng thống nhất với đề xuất của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch là khách quốc tế khi vào Việt Nam phải đóng phí bảo hiểm để hưởng mức bảo hiểm 10.000 USD (trung bình khoảng 30 USD/người) trong trường hợp phải điều trị Covid-19 tại Việt Nam.

Nếu du khách quốc tế dương tính với Covid-19, cơ sở lưu trú có trách nhiệm làm việc với cơ quan y tế, chính quyền địa phương để cách ly, quản lý, điều trị tương tự như người Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, để chuẩn bị mở lại du lịch trong điều kiện bình thường mới, không chỉ các cơ quan quản lý, nhất là các doanh nghiệp du lịch sẽ phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn từ mở lại tour, tuyến, sản phẩm đến tìm kiếm nhân lực vận hành cơ sở lưu trú, dịch vụ…

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, sau hơn 2 năm dịch bệnh, ngành du lịch nói riêng, nền kinh tế nói chung, gặp rất nhiều khó khăn.

Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: VGP
Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: VGP

"Từng bộ, ngành phải hết sức khẩn trương, trách nhiệm trong triển khai hiệu quả các giải pháp để mở cửa lại hoạt động du lịch trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Sau cuộc họp, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phải làm việc với Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan để có các hướng dẫn kịp thời, chi tiết, báo cáo với Chính phủ", ông yêu cầu.

Từ ngày 15/2, hàng không Việt Nam bắt đầu mở lại toàn bộ đường bay thường lệ quốc tế đến các nước sau gần 2 năm tạm đóng cửa. Trước đó, từ ngày 1/1, Việt Nam mở lại 9 đường bay quốc tế tới các thị trường như Tokyo, Seoul, Đài Bắc, Bangkok, Singapore, Vientiane, Phnom Penh, San Francisco/Los Angeles, Trung Quốc. Đây là các thị trường trọng điểm với nhiều lao động Việt Nam và cũng là đối tác kinh tế thương mại quan trọng cả Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate