March 09, 2021 | 08:35 GMT+7

Việt Nam được viện trợ hơn 86 triệu USD để đầu tư vào tiết kiệm năng lượng

Quang Thanh

Trong số này có 11,3 triệu USD là viện trợ không hoàn lại từ Ngân hàng Thế giới và Quỹ Khí hậu Xanh (GCF)

Tổng nhu cầu đầu tư cho tiết kiệm và hiệu quả năng lượng của một số ngành ngành công nghiệp trọng điểm của Việt Nam ước tính vào khoảng 3,6 tỷ USD - Ảnh: AP
Tổng nhu cầu đầu tư cho tiết kiệm và hiệu quả năng lượng của một số ngành ngành công nghiệp trọng điểm của Việt Nam ước tính vào khoảng 3,6 tỷ USD - Ảnh: AP

Thay mặt cho Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), Ngân hàng Thế giới (WB) vừa ký hiệp định viện trợ không hoàn lại 11,3 triệu USD với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để hỗ trợ phát triển thị trường tài chính thương mại cho đầu tư vào tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp. Hỗ trợ tài chính từ GCF cũng bao gồm một khoản bảo lãnh trị giá 75 triệu USD.

Khoản viện trợ không hoàn lại nói trên sẽ dành 8,3 triệu USD để xây dựng năng lực cho khu vực tư nhân trong nhận diện, thẩm định và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng. Hợp phần này cũng sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan để cải tiến chính sách, quy định và tạo lập một môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển thị trường tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.

Phần viện trợ còn lại và khoản bảo lãnh sẽ được dùng để thiết lập quỹ chia sẻ rủi ro để cung cấp bảo lãnh tín dụng một phần, hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại trong nước quản lý rủi ro khi cho vay các dự án tiết kiệm năng lượng. Thông qua hỗ trợ giảm rủi ro cho vay, quỹ này dự kiến sẽ huy động được khoảng 250 triệu USD từ nguồn tài chính thương mại cho phép các doanh nghiệp công nghiệp và các công ty dịch vụ năng lượng được vay theo điều khoản cạnh tranh hơn và yêu cầu tài sản đảm bảo thấp.

"Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng là giải pháp tốt có chi phí thấp nhất để đạt được nhiều mục tiêu cùng một lúc: đáp ứng nhu cầu năng lượng, chống ô nhiễm và giảm phát thải khí nhà kính đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp," bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam nói. 

Theo bà Carolyn Turk, trong bối cảnh nguồn tài chính công cho năng lượng còn hạn chế, quỹ chia sẻ rủi ro là một công cụ tài chính sáng tạo để huy động tài tài chính từ khu vực tư nhân cho đầu tư nhằm tăng cường áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp.

Khoản viện trợ không hoàn lại và khoản bảo lãnh nói trên được sử dụng để hỗ trợ thực hiện Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp ở Việt Nam nhằm mục đích hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu tiết kiệm năng lượng đề ra trong Chiến lược tăng trưởng xanh cũng như các mục tiêu giảm phát thải đã cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). 

Là một quốc gia có cường độ năng lượng và cường độ phát thải thuộc nhóm cao nhất trong khu vực, Việt Nam đang tích cực chuyển đổi sang năng lượng xanh và phát triển phát thải các bon thấp.

Nghiên cứu về phát thải các bon thấp của WB ước tính Việt Nam có thể tránh được đầu tư mới tới 11 GW công suất nguồn phát điện vào năm 2030 nếu thực hiện được toàn diện các giải pháp tiết kiệm năng lượng từ phía cầu sử dụng năng lượng. Tổng nhu cầu đầu tư cho tiết kiệm và hiệu quả năng lượng của một số ngành ngành công nghiệp trọng điểm của Việt Nam ước tính vào khoảng 3,6 tỷ USD.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate