Từ ngày 18-20/9/2023, Đoàn Công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu đã thăm và làm việc với các cơ quan của Ủy ban châu Âu (EC) tại Brussels, Bỉ. Mục tiêu của chuyến công tác này nhằm tăng cường hợp tác Việt Nam – EU cho phát triển bền vững.
BIẾN THÁCH THỨC THÀNH CƠ HỘI
Trong các phiên làm việc với Tổng vụ Môi trường và Cao ủy Môi trường, đại dương và nghề cá của EC, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ chủ trương của Chính phủ Việt Nam trong chuyển đổi nông nghiệp sang hướng sinh thái, xanh và bền vững.
“Việt Nam coi đây không chỉ là việc thực hiện các cam kết quốc tế mà là để tạo ra những giá trị mới cho phát triển nông nghiệp đi kèm với bảo vệ và phát triển môi trường bền vững, gìn giữ tài nguyên cho thế hệ tương lai, đóng góp cho phát triển bền vững toàn cầu”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đồng thời cũng nêu rõ cam kết của Chính phủ Việt Nam trong phát triển ngành nông nghiệp minh bạch – trách nhiệm - bền vững khi Việt Nam đã trở thành nhà cung ứng lương thực thực phẩm lớn trên thế giới.
Ngày 16/5/2023, EC đã thông qua Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR), trong đó cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020. Ngay khi EC thông qua EUDR, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã đã có nhiều cuộc trao đổi chuyên sâu ở cả cấp kỹ thuật và cấp lãnh đạo EC và nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuẩn bị Khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ thông điệp của Việt Nam về việc tuân thủ Quy định EUDR, không chỉ là để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các mặt hàng cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm gỗ vào thị trường EU, mà đây là cơ hội phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo định hướng chiến lược của ngành là minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh.
Để thích ứng với EUDR, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các cơ quan EC tăng cường hợp tác với Việt Nam ở một số nội dung.
Thứ nhất: Đề nghị EC có quy trình, lộ trình cụ thể đối với việc thực thi EUDR, nhanh chóng ban hành tài liệu kỹ thuật hướng dẫn cho các ngành hàng để chuẩn bị đáp ứng Quy định EUDR có hiệu lực vào tháng 1/2025.
Thứ hai: Đề nghị EC có giải pháp giảm thiểu chi phí cho các tác nhân trong chuỗi giá trị trong việc thích ứng với EUDR, đặc biệt là về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc.
Thứ ba: Đề nghị EC quan tâm hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin, bản đồ hiện trạng rừng, truy xuất nguồn gốc…Đồng thời, hỗ trợ xây dựng và triển khai các mô hình sinh kế bền vững cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi EUDR.
Thứ tư: Thiết lập đường dây nóng xử lý vấn đề trong thực thi Quy định chống phá rừng EU.
"Ngay ở bước đầu tiên này, EC sẽ triển khai dự án “Nông nghiệp bền vững vì các hệ sinh thái rừng” (Dự án SAFE) hỗ trợ chuyển đổi bao trùm các chuỗi cung ứng bền vững, không gây phá rừng theo Quy định EUDR tại Việt Nam. Trong đó, tập trung vào ngành hàng cà phê là ngành hàng chủ lực bị ảnh hưởng bởi Quy định EUDR".
Bà Florika Fink-Hooijer - Tổng vụ trưởng Tổng vụ Môi trường của EC.
Bà Florika Fink-Hooijer - Tổng vụ trưởng Tổng vụ Môi trường của EC cho hay thông điệp của Việt Nam về việc biến thách thức thành cơ hội đã tạo cảm hứng cho EC trong làm việc với các đối tác và là hình mẫu toàn cầu về thích ứng với EUDR và phát triển bền vững. EC cam kết sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam theo định hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.
EC khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia lớn và các tổ chức phát triển như Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam theo hình thức đối tác công – tư để triển khai việc xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu vùng trồng, truy xuất nguồn gốc một cách hiệu quả, phù hợp, chi phí thấp, tăng cường hệ thống giám sát và chuyển đổi sinh kế cho nông dân ở những vùng rủi ro. Đây là nền tảng để đảm bảo đưa Việt Nam vào nhóm rủi ro thấp khi áp dụng Quy định EUDR, xây dựng uy tín và thương hiệu cho nông sản Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
HỢP TÁC PHÁT TRIỂN NGHỀ CÁ BỀN VỮNG
Trong phiên làm việc cùng Cao ủy Môi trường, đại dương và nghề cá của EU và Tổng vụ trưởng Tổng vụ Các vấn đề về biển và thủy sản của EU, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định quyết tâm chính trị của Việt Nam với nỗ lực cao nhất để giải quyết tốt nhất các nội dung kiến nghị của EU đối với việc đẩy lùi và chấm dứt khai thác IUU.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Việt Nam đã xây dựng được khung pháp lý toàn diện đầy đủ về quản lý nghề cá và chống khai thác IUU. Công tác quản lý tàu cá đã chuyển biến một cách rõ rệt: đã xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản) kết nối từ Trung ương đến địa phương, liên thông với các lực lượng thực thi pháp luật (Kiểm ngư, Biên phòng, Cảnh sát biển), và các cơ quan quản lý cảng để kiểm soát hoạt động của tàu cá.
Đến nay, trên 98% tàu cá hoạt động vùng khơi (có chiều dài từ 15m trở lên) đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản tại Việt Nam đã được thực hiện và kiểm soát theo chuỗi từ khâu kiểm soát sản lượng qua cảng đến cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến.
Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Đến nay, tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý đã giảm 84,35% so với năm 2016; trong đó đã ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm các nước, quốc đảo Thái Bình Dương từ năm 2018 đến nay.
Ngài Virginijus Sinkevičius - Cao ủy Môi trường, đại dương và nghề cá của EC cho rằng hiện tại khung pháp lý về quản lý nghề cá và chống khai thác IUU mà Việt Nam đã xây dựng hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, việc thực thi còn một số tồn tại như vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU tại các vùng biển nước ngoài mặc dù đã giảm so với trước đây; việc thực thi pháp luật chưa đồng bộ giữa các địa phương. Tất cả các trường hợp vi phạm cần được xử lý mà không có ngoại lệ.
"EC sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong phát triển thủy sản bền vững. EC mong muốn hỗ trợ Việt Nam trở thành một hình mẫu của thế giới trong việc phát triển bền vững ngành thủy sản và chống khai thác IUU", Ngài Virginijus Sinkevičius khẳng định.
Cao ủy Môi trường, đại dương và nghề cá của EU sẽ có chuyến thăm Việt Nam vào đầu năm 2024, báo hiệu một “mùa xuân mới” trong hợp tác Việt Nam - EU cho phát triển bền vững.