Thời gian qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Google để ra mắt dự án “Google Arts & Culture: Kỳ quan Việt Nam” - bảo tàng số lưu giữ và quảng bá các giá trị tinh hoa văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, du lịch trên toàn cầu. Cùng với đó là chương trình truyền thông bằng video clip trên nền tảng số YouTube có chủ đề “Việt Nam: Đi để yêu!” và nhiều hoạt động truyền thông, quảng bá trên các website, mạng xã hội phổ biến như Facebook, YouTube, Instagram, Zalo, Viber...
Tại Hà Nội, trong vài năm gần đây, nhiều đơn vị đã có sự nhập cuộc tích cực trong chuyển đổi số để thu hút du khách. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Di tích Nhà tù Hỏa Lò… đều có các triển lãm trực tuyến. Đặc biệt, công nghệ tham quan trực tuyến 3D tour của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không chỉ hấp dẫn khách tham quan mà còn được giới chuyên môn đánh giá cao.
Gần đây nhất, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) triển khai hệ thống vé điện tử, khách tham quan không bắt buộc phải đến tận quầy để mua vé, có thể chủ động mua vé trực tuyến từ bất kỳ nơi đâu, tự soát vé bằng nhiều phương thức nhanh gọn, dễ dàng. Trước đó, hệ thống này đã được triển khai áp dụng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Đền Quán Thánh.
Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch Hoàng Quốc Hòa chia sẻ, hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - Liên thông - Đa phương thức” nhằm hỗ trợ các điểm du lịch đổi mới phương thức quản trị hệ thống vé tham quan, từ khâu bán vé, kiểm soát, báo cáo thống kê theo hướng khoa học, thuận tiện. Sự khác biệt này thể hiện thông qua ba từ khóa quan trọng “Trực tuyến”, “Liên thông” và "Đa phương thức”.
Thông tin từ Sở Du lịch TP.HCM cũng cho biết, sau khi Đề án Du lịch thông minh giai đoạn 2020-2030 đã được UBND TP.HCM phê duyệt, Sở đã xây dựng và triển khai nhiều dự án, kế hoạch, trong đó có chuyển đổi số trong công tác điều hành, quản lý nhà nước về du lịch. Một trong những thành công nổi bật của thành phố là thực hiện ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch, trong đó có ứng dụng công nghệ cao quét 3D từ trên cao và Bản đồ Du lịch tương tác thông minh 3D/360 TP.HCM với tính năng có hướng dẫn viên ảo tại các điểm đến đã quét hình ảnh 3D, dữ liệu video, hình ảnh 2D, audio ngôn ngữ Việt Anh về các điểm đến đã quét, hệ thống tour tự động theo các chương trình tour của các doanh nghiệp lữ hành đã thiết kế...
Tại Quảng Ninh, làn sóng du lịch số không chỉ tràn qua các danh lam thắng cảnh, các điểm tham quan di tích lịch sử cũng đã bắt đầu bắt nhịp. Sau Móng Cái và Cô Tô, hàng loạt các địa phương trong tỉnh triển khai cách làm này như: Hạ Long, Đông Triều, Uông Bí, Bình Liêu... Mới đây nhất là mã QR được tạo lập bởi AI cung cấp toàn bộ thông tin về du lịch của huyện miền núi Bình Liêu, từ các điểm đến tham quan, địa điểm cung cấp dịch vụ ăn uống, các lễ hội văn hóa... Nay, các hình thức này còn được phổ biến trên các xe điện, các phương tiện vận chuyển khách tham quan trong các tuyến city tour, tham quan đảo..
Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh đã có gần 200 điểm trong tổng số 370 điểm đến tham quan, danh thắng, di tích tại 13 địa phương được số hóa thông tin và gắn mã QR. Công nghệ số còn lan rộng sang thanh toán số trong du lịch. Đơn cử như việc du khách có thể dùng vé điện tử tham quan vịnh Hạ Long rất tiện lợi, chỉ cần quét mã QR để tra cứu hóa đơn điện tử, xem thông tin về lịch trình. Tại hầu hết các điểm đến có bán vé tham quan, việc ứng dụng mã QR và Internet banking cũng giúp cho việc thanh toán dễ dàng đồng thời tạo thuận lợi về kiểm soát vé, bảo quản vé...
Ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch cũng được nhiều địa phương khác đẩy mạnh với nhiều thành công nổi bật như TP Đà Nẵng với hệ thống trang web, cổng thông tin du lịch đa ngôn ngữ, ứng dụng Danang FantasticCity, Chatbot - trợ lý ảo tương tác với du khách, ứng dụng VR360 “Một chạm đến Đà Nẵng”… Quảng Bình rất thành công với dự án đưa hình ảnh ra thế giới thông qua ảnh 360 độ của National Geographic. Sa Pa cũng có ứng dụng công nghệ 3D cung cấp thông tin, dịch vụ du lịch ảo đối với những điểm du lịch do thị xã Sa Pa trực tiếp quản lý, triển khai phần mềm phản ánh hiện trường cung cấp các kênh tương tác của chính quyền với người dân...
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khẳng định, nhờ áp dụng công nghệ, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, thử sức với các dịch vụ mới liên quan và giải đáp bài toán về nhân lực, chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp du lịch đã đạt được thành công số hóa 100% quy trình hoạt động doanh nghiệp, tất cả cán bộ, nhân viên làm việc trên hệ thống các phần mềm; hoàn thiện các ứng dụng AI nâng cao trải nghiệm người dùng, cải tiến nâng cấp hệ thống chatbot, vận hành hệ thống bigdata trong phân tích và xử lý dữ liệu lớn; nâng cấp các công nghệ trong thanh toán, nhận diện khách hàng, quản lý tài sản.
Tuy nhiên, theo ông Caesar Indra, Chủ tịch Traveloka, để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực du lịch thông minh, lộ trình của Việt Nam đòi hỏi một chiến lược minh bạch, phối hợp và bền vững. Thách thức nằm ở việc sắp xếp các bên liên quan với các chương trình đa dạng, bất kể với mục đích tạo ra lợi nhuận hay thúc đẩy sự bền vững, cùng phải hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy ngành du lịch của đất nước. Các cơ quan chính phủ có thể đi tiên phong bằng cách thực hiện các chính sách khuyến khích áp dụng kỹ thuật số và tạo ra khung pháp lý hỗ trợ đổi mới. Sự tham gia tích cực của các nền tảng du lịch đóng vai trò quan trọng trong hành trình này.
“Những mối quan hệ đối tác này chỉ có thể tỏa sáng nếu tất cả các bên trong ngành – từ Chính phủ đến các doanh nghiệp nhỏ tại địa phương – ở Việt Nam nắm bắt được nền tảng kỹ thuật số. Chúng là mấu chốt của hệ sinh thái du lịch và nói rộng ra là nền kinh tế,” ông Indra nói. “Thông qua sự hợp tác cùng có lợi với các nền tảng du lịch, Việt Nam có thể trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực du lịch thông minh, đảm bảo luôn dẫn đầu trong bối cảnh ngành du lịch đang phát triển”.