August 27, 2021 | 18:19 GMT+7

Việt Nam là 1 trong 10 nước có lượng dữ liệu luân chuyển xuyên biên giới lớn nhất

Đỗ Phong -

Thách thức lớn làm sao bảo vệ được an toàn dữ liệu cho người dùng, bảo vệ quyền riêng tư của mỗi người mà không ảnh hưởng đến dòng chảy dữ liệu- vốn là huyết mạch của nền kinh tế số…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vấn đề này được các chuyên gia đặt ra tại tọa đàm trực tuyến “Dòng dữ liệu xuyên biên giới và vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân” diễn ra ngày 27/8 do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông tổ chức dưới sự chủ trì của Hội Truyền thông số Việt Nam.

TỐC ĐỘ TĂNG LUÂN CHUYỂN DỮ LIỆU CAO

Châu Á là khu vực năng động bậc nhất trên thế giới và Việt Nam trở thành quốc gia nổi bật về hoạt động trao đổi dữ liệu xuyên quốc gia. Dẫn số liệu từ nghiên cứu của Nikkei Asia, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho biết, hơn 10 năm qua, Việt Nam luôn nằm trong top 10 các nước có lượng dữ liệu chuyển qua biên giới lớn nhất. Nếu như năm 2001, Việt Nam ở vị trí 11 trong bảng xếp hạng thì đến năm 2019 đã ở vị trí top 7 thế giới.

Việt Nam là 1 trong 10 nước có lượng dữ liệu luân chuyển xuyên biên giới lớn nhất - Ảnh 1
Việt Nam là 1 trong 10 nước có lượng dữ liệu luân chuyển xuyên biên giới lớn nhất - Ảnh 2
 

Bảng xếp hạng lưu lượng và xu hướng chuyển dữ liệu xuyên biên giới của các quốc gia trong giai đoạn 2001-2019

Theo nghiên cứu này, trong danh sách 11 quốc gia có dòng dữ liệu xuyên biên giới lớn nhất thế giới có đến 5 quốc gia thuộc châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Việt Nam và Nhật Bản). Đáng chú ý, Trung Quốc xếp vị trí thứ nhất với lưu lượng 111 triệu Mbps, bỏ xa Hoa Kỳ xếp ở vị trí thứ hai với 60 triệu Mbps và Vương quốc Anh ở vị trí 4 thứ ba với 51,22 triệu Mbps. Trong danh sách này, Việt Nam nằm ở vị trí thứ bảy với lưu lượng 7,99 triệu Mbps.

 
Hơn 10 năm qua, Việt Nam luôn nằm trong top 10 các nước có lượng dữ liệu chuyển qua biên giới lớn nhất.

Đặc biệt, về mức độ tăng trưởng của dòng chảy dữ liệu qua biên giới giai đoạn 2001- 2019 của 11 quốc gia này thì Việt Nam có mức độ tăng trưởng cao nhất với 230.000 lần, gấp khoảng 30 lần so với quốc gia đứng đầu về lưu lượng luân chuyển dữ liệu là Trung Quốc với 7.500 lần.

Các quốc gia châu Á khác cũng có mức độ tăng trưởng ấn tượng, Ấn Độ với 22.000 lần và Singapore với 3.000 lần.

Ông Đồng cho rằng, đây là số liệu của năm 2019. Còn đến năm 2021, số liệu chắc chắn có thể sẽ lớn hơn nữa bởi trong bối cảnh dịch bệnh Covid, thời lượng người dùng hàng ngày trên internet, môi trường số cao hơn giai đoạn trước đại dịch Covid.

Theo thống kê của Google, năm 2020, trung bình mỗi ngày người dùng Việt Nam dành khoảng 4,5 giờ để làm việc, giải trí, hoạt động kinh doanh buôn bán… trên môi trường số.

Ông Jeff Paine, Giám đốc điều hành Liên minh Internet Châu Á nhấn mạnh các lợi ích mà dòng dữ liệu xuyên biên giới mang lại cho phát triển thương mại quốc tế trong thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu; cho phép các doanh nghiệp và người tiêu dùng tiếp cận với công nghệ và dịch vụ tốt nhất hiện có. Điều này cũng mang lại lợi ích cho tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất đến dịch vụ tài chính, giáo dục và chăm sóc sức khỏe…

BẢO VỆ DỮ LIỆU, TÌM ĐIỂM CÂN BẰNG BẢO ĐẢM MỤC TIÊU KÉP

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, dữ liệu xuyên biên giới cũng đặt ra cho Việt Nam những thách thức về chính sách như bảo vệ quyền riêng tư của mỗi cá nhân, khả năng thực thi quyền tài phán của quốc gia, an ninh mạng. Do đó, tìm ra một hướng đi thích hợp là điểm then chốt trong tiến trình phát triển kinh tế số của Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, của internet đã xâm nhập sâu rộng và thay đổi cơ bản cách chúng ta sống, làm việc; cách kinh tế vận hành và cả cách thức quản trị quốc gia. Trong 5 năm vừa qua, ở Việt Nam, kinh tế số là lĩnh vực kinh tế tăng trưởng nhanh nhất. Từ quy mô 3 tỉ USD vào năm 2015, đến năm 2020, kinh tế số đạt khoảng 14 tỉ USD và dự báo sẽ tăng lên đạt 52 tỉ USD vào năm 2025.

 
Tìm một điểm cân bằng giữa trao đổi dữ liệu, gồm dữ liệu cá nhân và dữ liệu xuyên biên giới, bảo vệ được an toàn để tạo lập niềm tin số của người dùng là chủ đề xây dựng chính sách lớn cho Việt Nam.

Bên cạnh xu hướng đó, chuyển đổi số, kinh tế số đặt ra những vấn đề lớn về an toàn, an ninh mạng; trong đó có vấn đề dữ liệu cá nhân. Các vấn đề về “đánh cắp danh tính”, mạo danh, lừa đảo,… đang ngày càng trở nên phổ biến gây phiền phức đến cuộc sống từng cá nhân. Dữ liệu cá nhân, từ những thông tin cơ bản xác định danh tính đến những dữ liệu nhạy cảm (người dùng nghĩ gì, thích gì, quan tâm cái gì ); lẫn những thông tin đặc biệt nhạy cảm (dữ liệu sinh trắc học, hồ sơ sức khoẻ, tình trạng bệnh tật), đều được số hoá.

Ông Hồng cho rằng, nếu thiếu đi những cơ chế bảo vệ thoả đáng, nguy cơ bị lạm dụng dữ liệu và mức độ nguy hiểm của nó tạo ra với mỗi cá nhân, với mỗi cộng đồng, quốc gia rất lớn.

Vấn đề càng phức tạp hơn, dữ liệu cá nhân ở một quốc gia này, bằng công nghệ có thể chuyển đến, được xử lý, lưu trữ ở các trung tâm dữ liệu tại quốc gia khác. Hệ quả là, nếu dữ liệu cá nhân bị xâm hại, làm thế nào để một cơ quan thực thi pháp luật ở quốc gia của tôi bảo vệ được quyền lợi hợp pháp khi vi phạm đó về mặt kỹ thuật xảy ra ở một nước khác?

Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước có lượng dữ liệu luân chuyển xuyên biên giới lớn nhất thế giới. Với một nền kinh tế có độ mở thương mại cao và tỷ lệ lớn người dùng tham gia trên môi trường số phản ánh tiềm năng và cơ hội của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn làm sao bảo vệ được an toàn dữ liệu cho người dùng, bảo vệ quyền riêng tư của mỗi người mà không làm tổn hại đến dòng chảy dữ liệu- vốn là huyết mạch của nền kinh tế số.

Do đó, ông Hồng cho rằng, tìm một điểm cân bằng giữa trao đổi dữ liệu, gồm dữ liệu cá nhân và dữ liệu xuyên biên giới, bảo vệ được an toàn để tạo lập niềm tin số của người dùng là chủ đề xây dựng chính sách lớn cho Việt Nam.

Theo các chuyên gia, mặc dù công nghệ số đã bùng nổ mạnh mẽ nhưng các quy định pháp luật về chuyển dữ liệu qua biên giới ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn bước đầu. Hiện nay, Dự thảo Nghị định về Bảo vệ dữ liệu cá nhân do Bộ Công an làm đầu mối xây dựng soạn thảo đã được công bố lấy ý kiến rộng rãi.

Đưa ra những khuyến nghị về tiếp cận chính sách, ông Đồng góp ý, Việt Nam nên đặt mục tiêu kép: thúc đẩy được dòng chảy dữ liệu tự do để phục vụ phát triển kinh tế số đồng thời đảm bảo được an toàn và quyền riêng tư dữ liệu cho người dùng. Ông Đồng nhấn mạnh, dữ liệu là “mạch máu” của nền kinh tế số. Trong bối cảnh Việt Nam là nước có trao đổi dữ liệu toàn cầu lớn như hiện nay, nếu “mạch máu” càng thông suốt sẽ càng có lợi.

Đại diện IPS cho rằng, một hệ thống chính sách đa công cụ có thể sẽ phục vụ tốt cho Việt Nam. Bên cạnh biện pháp “cứng”, các biện pháp bổ trợ gồm tiêu chuẩn “mềm” trong nội bộ ngành (vừa có tính khuyến khích vừa ràng buộc doanh nghiệp thực thi) như tiêu chuẩn an toàn dữ liệu, các giải pháp công nghệ giúp bảo vệ dữ liệu… cần được cân nhắc áp dụng.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, bà Tsunoda Rika, Phó Giám đốc Văn phòng Chiến lược công nghệ thông tin, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết, trong quản trị dữ liệu, Nhật Bản hướng đến mục tiêu “dòng chảy dữ liệu tư do gắn liền với tin cậy”. Còn ông Fan Tuk Chee, Phó Giám đốc điều tra, Ủy ban bảo vệ dữ liệu cá nhân Singapore thông tin, bản kiến trúc về tương lai nền kinh tế số của Singapore được thiết kế trên một hệ sinh thái dữ liệu đáng tin cậy, dựa trên khung khổ pháp lý thúc đẩy trách nhiệm giải trình của chủ thể thực thi nghĩa vụ pháp luật đặt ra.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate