Udemy - Nền tảng đào tạo và học tập trực tuyến có trụ sở tại San Francisco (Hoa Kỳ), mới đây đã chính thức công bố việc triển khai các khóa học bằng tiếng Việt vào Bộ sưu tập Khóa học Quốc tế. Nhờ đó, hơn 16.000 khách hàng doanh nghiệp của Udemy Business trên toàn cầu có thể tiếp cận hơn 200 khoá học chất lượng cao được giảng dạy bởi các chuyên gia thực chiến người Việt.
Cùng với đó, tiếng Việt sẽ là ngôn ngữ thứ 15 trong Bộ sưu tập Khóa học Quốc tế của Udemy - cung cấp nội dung đào tạo các kỹ năng thiết yếu cho nhân sự bằng ngôn ngữ bản địa.
“Việc cung cấp một giải pháp học tập linh hoạt và hiệu quả cho thị trường Việt Nam đã tạo điều kiện để chúng tôi đồng hành cùng nhiều tổ chức và người học,” ông Rich Qiu, Chủ tịch New Ventures thuộc Udemy chia sẻ. “Do đó, kế hoạch của chúng tôi là tiếp tục phát triển tại thị trường này để có thể hỗ trợ thêm nhiều tổ chức và người học hơn nữa.”
VIỆT NAM LÀ THỊ TRƯỜNG QUAN TRỌNG, MỘT MẢNH ĐẤT ĐẦY TIỀM NĂNG
Một báo cáo của Statista về sự phát triển của nền tảng học tập trực tuyến của Việt Nam cho thấy dư địa để phát triển giáo dục trực tuyến nói chung và các nền tảng học tập trực tuyến như Udemy nói riêng là rất lớn.
Ông Rich Qiu cho biết: “Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng để chúng tôi hợp tác, giúp kết nối giảng viên với học viên, giúp học viên học tập các kỹ năng mà họ cần để thăng tiến trong sự nghiệp hoặc góp phần phát triển nền kinh tế.”
Bên cạnh đó, theo ông Rich Qiu, trong nền kinh tế của Việt Nam nói chung, kinh tế số chiếm gần 15% GDP. So với các nước trong khu vực như Singapore với kinh tế số chiếm 17% GDP, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong sự phát triển kinh tế số, chuyển đổi số.
“Điều này mang lại cơ hội cho chúng tôi trong việc giúp các doanh nghiệp tăng tốc, bắt kịp với tốc độ phát triển của nền kinh tế số,” ông Rich Qiu nhấn mạnh. “Nhìn chung, các công ty ở Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ và điều này đã thúc đẩy nhu cầu đào tạo kỹ năng mới nổi liên quan đến phát triển cá nhân, công nghệ thông tin, lãnh đạo và quản lý.”
Xu hướng học tập ở Việt Nam cũng đang chứng kiến nhu cầu rất cao. Ông Alan Malcolm, Giám đốc Đối tác chiến lược New Ventures của Udemy nhấn mạnh: 97% người Việt Nam trưởng thành vẫn tiếp tục học trong thời gian rảnh rỗi của họ so với tại Nhật Bản - nơi mà ông đang sống, chỉ có 45% người trong lực lượng lao động vẫn đang tiếp tục học.
Trong khi đó, ông Rich Qiu cũng chia sẻ rằng khi mới bắt đầu mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, Udemy không có nhiều giảng viên địa phương và các khóa học bằng tiếng Việt. Do đó, phần lớn học viên phải tham gia khóa học bằng tiếng Anh. Mặc dù trình độ tiếng Anh không cao bằng một số quốc gia khác, nhưng người Việt thực sự thích học trực tuyến, tận dụng những gì mà Udemy cung cấp trên nền tảng để học tập, để nâng cao kiến thức và các kỹ năng.
“Vì vậy, đó là một dấu hiệu thực sự tích cực đối với chúng tôi,” ông tin tưởng. “Mọi người ở đây thực sự muốn học vì họ đều tin tưởng rằng học tập là chìa khóa quan trọng để cải thiện cuộc sống. Điều đó cũng rất phù hợp với sứ mệnh của chúng tôi là thay đổi cuộc sống thông qua học tập bằng cách đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận các kỹ năng mới nhất và phù hợp nhất.”
TẬN DỤNG LỢI THẾ VƯỢT QUA THÁCH THỨC
Trong nhiều năm nay, Việt Nam là một thị trường năng động và đang phát triển, nơi ông Alan Malcolm tin tưởng là thành công về mặt thương mại và tăng trưởng kinh tế đã diễn ra nhanh hơn nhiều so với khả năng cung ứng của hệ thống giáo dục.
“Ngay bây giờ chúng ta đang thấy một khoảng cách khá lớn về mặt nhân tài - về các kỹ năng cần thiết để đưa Việt Nam lên giai đoạn tiếp theo của tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ,” ông Rich Qiu nhấn mạnh. “Việt Nam có các công ty, doanh nghiệp đang phát triển, đang trở thành các công ty toàn cầu, nhưng số lượng nhân sự có kinh nghiệm ở Việt Nam thấp hơn so với các thị trường khác. Vì vậy, cạnh tranh và tuyển dụng nhân sự là vô cùng thách thức.”
Thông qua nền tảng Kỹ năng Thông minh Udemy và cộng đồng giảng viên đa dạng có trình độ cao, hàng triệu học viên có thể xây dựng nền tảng kỹ thuật và kỹ năng chuyên nghiệp từ AI tạo sinh đến khả năng lãnh đạo, góp phần giải quyết thách thức này.
“Tôi tin rằng các tổ chức đều đang đối mặt với những thách thức này vì việc tối ưu hóa quá trình học tập và phát triển bản thân vẫn còn khá mới ở Việt Nam. Các tổ chức muốn nhân viên của mình có nhiều kỹ năng, nhưng họ không có nhiều nguồn lực để xác định, đánh giá những kỹ năng đó là gì, những kỹ năng nào họ muốn có trong tương lai hay làm thế nào thu hẹp khoảng cách kỹ năng.”
Theo ông Rich Qiu, mỗi cá nhân đều sở hữu nền tảng và các bộ kỹ năng khác nhau. Điều quan trọng là làm thế nào để các tổ chức xác định được các bộ kỹ năng này và nâng cấp chúng để phát triển nhân lực đúng với yêu cầu trong tương lai của họ. Ông chia sẻ: “Chúng tôi đang phát triển bản đồ kỹ năng có ứng dụng AI tạo sinh và sẽ được ra mắt trong vài tháng tới để giúp mỗi cá nhân tạo ra lộ trình học tập phù hợp. Tôi nghĩ đây sẽ là chìa khoá để phá vỡ thách thức mà nhiều tổ chức đang phải đối mặt.”