Ngày 1/7, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo quốc tế những kinh nghiệm của Pháp về xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào cho biết, mục tiêu cụ thể của Chiến lược về điện hạt nhân của Việt Nam là tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết và đồng bộ để đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vận hành vào năm 2020, sau đó tăng nhanh tỷ trọng điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Đến năm 2050, năng lượng điện hạt nhân chiếm khoảng 15 – 20% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc.
Hiện nay, Việt Nam đang nhập khẩu điện từ Trung Quốc và đang tiến hành nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư xây dựng một số công trình thủy điện tại Lào để tăng khả năng cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Việc nghiên cứu, chuẩn bị để phát triển điện hạt nhân sẽ đóng vai trò quan trọng cho việc đảm bảo an ninh cung cấp điện của hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của các ngành kinh tế quốc dân.
Theo ông Didier Kechemain, Phó giám đốc điều hành Phòng Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Năng lượng Hạt nhân (Pháp), phát triển kinh tế của Việt Nam tất yếu dẫn tới tăng tiêu thụ điện. Yếu tố thứ 2 là Chính phủ Việt Nam đã quyết định về lâu dài sẽ đảm bảo tính độc lập và tự chủ trong sản xuất và cung cấp điện năng. Đó là một chiến lược rất tốt và đúng đắn.
Chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi dự án điện hạt nhân, ông Othman Salhi, Phó Giám đốc phát triển kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Areva cho biết cần phải chú trọng đến 3 vấn đề chính, bao gồm địa điểm dự án, tính tương thích tổng thể (bởi không đơn thuần chỉ xây dựng công trình điện hạt nhân mà không tính đến sự tương thích với hệ thống điện lưới) và các mặt công nghiệp.
Tại Việt Nam, hai địa điểm thích hợp nhất đã được lựa chọn là Phước Dinh và Vĩnh Hải (Ninh Thuận). Trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, các công việc như khảo sát địa chất, khảo sát địa chấn và kiến tạo, điều tra điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và môi trường cần phải được tiến hành kỹ lưỡng. Hai địa điểm nêu trên đều đã qua giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi với kết quả điều kiện địa chất, địa chấn và kiến tạo tốt, mật độ dân cư thấp, khu đất rộng. Hiện đã bước sang giai đoạn chuẩn bị nghiên cứu khả thi, khảo sát kỹ địa điểm.
Ông Othman Salhi khuyến cáo, đối với các nghiên cứu về địa điểm và bố trí các hạng mục, cần xem xét các loại lò phản ứng khác nhau để đáp ứng các yêu cầu địa điểm tiêu chuẩn của lò phản ứng và mặt bằng bố trí của lò phản ứng. Những nguy cơ từ bên ngoài mà lò phản ứng (EPR) tiêu chuẩn cần được bảo vệ để chống lại động đất, lũ lụt, các điều kiện gió cực đoan, các tai nạn bên ngoài khác... EPR cần được đáp ứng các điều kiện địa điểm tiêu chuẩn để có thể thiết kế các hệ thống làm mát, bể tiêu nhiệt, lưu lượng nước yêu cầu, nhiệt độ không khí và độ ẩm... Lò EPR tiêu chuẩn có thể được đặt trên bờ biển, trên bờ sông hoặc ở cửa sông, kèm theo đó là các trạm bơm, bể nhiên liệu, tòa nhà xử lý chất thải phóng xạ và phòng cháy. Ngoài ra, cần phải quan tâm tới hệ thống điện ngoài địa điểm và nước cho vận hành.
Theo ông Bernard Sentex, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF), tiến độ từ nghiên cứu khả thi địa điểm đến quyết định khởi động dự án phải mất 2 năm, và để có thể trộn mẻ bê tông đầu tiên phải mất 5 năm nữa sau khi đã hoàn thành các khâu quy hoạch, chọn các nhà thầu, thiết kế và phân tích an toàn, chế tạo các cụm thiết bị chính và hoàn thiện các công việc sơ bộ. Tiếp đó, phải mất 5 năm nữa để thiết kế chi tiết, xây dựng và thử nghiệm trước khi vận hành thương mại mới có thể đấu nối vào lưới điện.
Pháp là 1 trong 4 nước phát triển công nghiệp điện hạt nhân mạnh nhất thế giới. 80% điện năng tiêu thụ ở Pháp được phát từ 58 nhà máy điện hạt nhân. Vì vậy, Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào khẳng định, những kinh nghiệm của Pháp sẽ rất hữu ích đối với việc chuẩn bị phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam trong thời gian tới.
Một vấn đề được các chuyên gia nhấn mạnh chính là Việt Nam cần nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân. Ông Bernard Sentex cho rằng, Việt Nam cần đào tạo thế hệ mới để vận hành nhà máy điện hạt nhân, cách đào tạo tốt nhất và hiệu quả nhất là ở hiện trường do các nhà quản lý thực hiện và quan sát bằng các công cụ có hiệu quả. Bởi đào tạo nguồn nhân lực là điểm chính để đảm bảo chương trình hạt nhân thành công.
Ông Philippe Pallier, Giám đốc Cục Xúc tiến quốc tế về hạt nhân của Pháp (Afni) khuyến nghị, chúng ta cần thực hiện nghiên cứu để đánh giá thực tế đào tạo của Việt Nam, xác định Kế hoạch tổng thể về giáo dục và đào tạo với quy hoạch cho 10 – 15 năm tới. Đồng thời xác định triển vọng về sự nội địa hóa công tác đào tạo, xác định điều có thể làm ở trong nước và ngoài nước.
Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Herve Bolot khẳng định, Pháp sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu trong lĩnh vực điện hạt nhân.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate