Theo thông tin từ Văn phòng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ngày 24/3, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN lần thứ 31 được tổ chức tại Lào.
Đây là kỳ họp đầu tiên trong năm 2024 với sự tham dự của các Bộ trưởng, Trưởng đoàn phụ trách Cộng đồng Văn hoá - Xã hội 10 nước thành viên ASEAN, và Tổng Thư ký ASEAN. Đoàn đại biểu đến từ Đông Timo tham gia Hội nghị với tư cách quan sát viên.
Đoàn Việt Nam do ông Lưu Quang Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung ủy quyền làm Trưởng đoàn tham dự hội nghị.
Năm 2024 được đánh giá là thời điểm quan trọng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng, với việc ASEAN cơ bản hoàn tất Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 để chuyển tiếp sang Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.
Hội nghị hoan nghênh và mong đợi việc hiện thực hóa các ưu tiên của Trụ cột Văn hóa - Xã hội trong năm 2024 gồm có: Văn hóa và Nghệ thuật: Thúc đẩy vai trò của Văn hóa và Nghệ thuật ASEAN vì sự hòa nhập và bền vững; Thúc đẩy hợp tác môi trường: Thích ứng với biến đổi khí hậu; Phụ nữ và Trẻ em: Thúc đẩy vai trò của phụ nữ và trẻ em nhằm chuyển đổi hành động trong khu vực ASEAN, và Y tế: Khả năng phục hồi phát triển y tế ASEAN trong bối cảnh mới.
Hội nghị ghi nhận tầm quan trọng của việc tăng cường hơn nữa bản sắc ASEAN, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường đối thoại về các giá trị văn minh chung, cũng như giữa các nền văn hóa và tôn giáo đa dạng trong khu vực.
Tại hội nghị, Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nước thành viên ASEAN, trong bài phát biểu của mình, đã chia sẻ quan điểm, một số sáng kiến và hoạt động cấp quốc gia hưởng ứng chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và Tự cường”, cũng như các ưu tiên của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội trong năm nay.
Trong bối cảnh có nhiều xu hướng và cơ hội văn hóa - xã hội mới nổi, bên cạnh các mục tiêu phát triển kinh tế, các nước đều coi các mục tiêu về văn hóa - xã hội, an sinh xã hội là nhân tố quan trọng cho việc đảm bảo an ninh quốc gia.
Malaysia với vai trò Phó Chủ tịch Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, đã khởi động xây dựng các hoạt động hướng tới cộng động bền vững toàn diện trong 20 năm tới, nhấn mạnh sự cần thiết của việc tái cấu trúc Tham vấn chung ASEAN (JCM), đề cao văn hóa nghệ thuật và thúc đẩy giao lưu với các quốc gia khác.
Campuchia ưu tiên thúc đẩy và hiện thực hóa chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh ở cấp quốc gia; chú trọng công tác bảo tồn các di sản văn hóa, khuyến khích chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước.
Philippines ưu tiên bảo đảm môi trường bền vững, phòng chống và ứng phó với thiên tai và an ninh lương thực. Singapore quan tâm thúc đẩy vai trò của văn hóa, các vấn đề liên quan đến gia đình, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, trong đó chia sẻ về việc đang đồng chủ trì với Việt Nam xây dựng Lộ trình ASEAN về Xóa bỏ bắt nạt trẻ em.
Chính phủ Indonesia quan tâm tới việc giải quyết vấn đề ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, biến đổi khí hậu và các vấn đề liên quan đến người lao động di cư.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam đánh giá cao các ưu tiên của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN do Lào đưa ra trong năm 2024. Đồng thời tin tưởng rằng, các kết quả trong năm 2024, dưới sự dẫn dắt của nước Chủ tịch Lào, sẽ đóng góp quan trọng cho hợp tác khu vực, khẳng định uy tín, vị thế và vai trò của ASEAN trong khu vực, và trên trường quốc tế.
Nhất trí với các định hướng tập trung cho phát triển bền vững, tăng cường hợp tác văn hóa - nghệ thuật và thúc đẩy vai trò của phụ nữ và trẻ em, Việt Nam khẳng định, bên cạnh việc ủng hộ vai trò Chủ tịch Cộng đồng Văn hóa - Xã hội trong năm 2024, Việt Nam sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ trong việc triển khai các sáng kiến, ưu tiên thuộc lĩnh vực chuyên ngành.
Đơn cử như quá trình hoàn thiện các Tuyên bố ASEAN về phòng chống và xóa bỏ lao động trẻ em, Tuyên bố về khả năng dịch chuyển, công nhận lẫn nhau và phát triển kỹ năng nghề cho lao động di cư, để trình lên các nhà Lãnh đạo Cấp cao ASEAN.
Hỗ trợ triển khai các hướng dẫn, báo cáo đánh giá khu vực, cũng như việc tổ chức một số hoạt động và sự kiện quan trọng, trong đó có Diễn đàn Trẻ em ASEAN lần thứ 8, Đối thoại liên ngành cấp cao ASEAN về An sinh xã hội, và Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ về Kinh tế chăm sóc.
Kết thúc hội nghị, các Bộ trưởng,Trưởng đoàn ra Tuyên bố chung, và đồng ý thông qua về nguyên tắc đối với danh mục các văn kiện, tuyên bố của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, dự kiến sẽ trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45 vào cuối năm nay.
Các Bộ trưởng, Trưởng đoàn cũng thống nhất về nội dung của Báo cáo Hội nghị lần thứ 31, để trình lên các nhà Lãnh đạo Cấp cao ASEAN.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị Cộng đồng Văn hóa - Xã hội lần thứ 31, đã diễn ra phiên họp với các Bộ trưởng phụ trách các Bộ chuyên ngành thuộc Cộng đồng Văn hóa - Xã hội của Lào.
Tại Phiên họp, các vị Bộ trưởng của Lào đã chia sẻ về tình hình triển khai các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội trong các lĩnh vực chuyên ngành, những xu thế, vấn đề có thể phải đối mặt trong tương lai.
Các Bộ trưởng cũng đưa ra một số đề xuất hướng đến việc tăng cường tính bao trùm, khả năng phục hồi, năng động và bền vững của tương lai Cộng đồng Văn hóa - Xã hội sau 2025.
Trong bối cảnh có nhiều xu hướng và cơ hội văn hóa xã hội mới nổi, các Bộ trưởng bày tỏ mong muốn được Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội hỗ trợ hơn nữa, để các Bộ phụ trách các lĩnh vực chuyên ngành thuộc Cộng đồng Văn hóa - Xã hội của Lào nói riêng, và các nước ASEAN nói chung có thể kết nối với các cơ chế, đối tác đối thoại của ASEAN.
Từ đó, cùng đóng góp cho quá trình nâng cao phúc lợi, và chất lượng cuộc sống của người dân ASEAN trong tương lai sau năm 2025.
Hội nghị cấp Bộ trưởng phụ trách 15 lĩnh vực hợp tác chuyên ngành của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, được tổ chức 2 lần/năm trước hoặc liền kề với Hội nghị Cấp cao ASEAN. Hội nghị nhằm rà soát việc thực hiện các hoạt động và chuẩn bị các văn kiện thuộc lĩnh vực phụ trách của Cộng đồng Văn hoa - Xã hội trong các hoạt động hợp tác ASEAN để trình Cấp cao ASEAN thông qua.