Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chiều 1/8, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết từ nay đến tháng 10/2023, chúng ta sẽ bán cho Philipine và Indoensia 2 triệu liều vaccine dịch tả lợn châu Phi.
VACCINE DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI ĐÃ PHÁT HUY HIỆU QUẢ
Về tình hình dịch tả lợn châu Phi trong nước, ông Minh cho biết tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2023, cả nước xảy ra 208 ổ dịch dịch tả lợn châu Phi, tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy gần 8.500 con. So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 78% và số lợn bị chết, tiêu hủy giảm 82%. Kết quả này một phần có được là nhờ Việt Nam đã chủ động nghiên cứu và sản xuất thành công vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi.
"Trong một năm qua, đã có hơn 650.000 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi được tiêm phòng cho lợn trong điều kiện kiểm soát tỷ lệ lợn được tiêm có đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể đạt trung bình trên 95%".
Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y.
Ông Minh thông tin thêm, đoàn chuyên gia của Hoa Kỳ đã sang đánh giá và khẳng định chất lượng và hiệu lực của vaccine dịch tả lợn châu Phi rất tốt. Philippine cũng đã mua 300 nghìn liều vaccine dịch tả lợn châu Phi từ Việt Nam, họ đánh giá hiệu quả đạt gần 100%, và Chính phủ nước này đã cho phép nhập thêm hàng triệu liều để phục vụ phòng bệnh cho đàn lợn.
Tháng 7/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước về việc sử dụng đại trà vaccine dịch tả lợn châu Phi.
“Dự kiến từ nay đến tháng 10/2023, chúng ta sẽ bán cho Philipine và Indoensia 2 triệu liều vaccine dịch tả lợn châu Phi”, ông Minh thông tin, đồng thời cho biết ở trong nước, các doanh nghiệp đang phối hợp cùng các địa phương triển khai tiêm phòng cho đàn lợn trên cả nước. Sau khi có kết quả ở nhiều quốc gia khác, cơ hội thương mại hóa vaccine dịch tả lợn châu Phi sẽ ngày càng được mở rộng.
Về tình hình buôn bán vận chuyển lợn trái phép qua biên giới, ông Minh cho hay giai đoạn trước, chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn do giá lợn thấp. Đến nay, giá lợn tăng lên, lại xảy ra việc buôn bán, nhập lậu lợn qua biên giới, tập trung qua biên giới Tây Nam.
Ngay khi nắm bắt được thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo và Cục Thú y đã cử đoàn công tác xuống kiểm tra thực tế tại tỉnh Long An.
"Thời gian qua việc kiểm soát nhập khẩu động vật qua biên giới bị lơ là, do lực lượng chuyên môn không thường xuyên túc trực ở đó. Mặt khác, theo quy định của Luật Thú y, không bố trí kiểm dịch vật nuôi vận chuyển trong địa bàn một tỉnh, dẫn đến nhiều gian thương lợi dụng để nhập lậu, sau đó trà trộn với đàn lợn chăn nuôi nội tỉnh, hợp thức hóa rồi vận chuyển sang các địa bàn khác', ông Minh thông tin thêm.
Nhằm ngăn chặn tình trạng này, Cục Thú y đã đề nghị các cơ quan biên phòng, công an ở các tỉnh biên giới Tây Nam lập kế hoạch phối hợp điều tra vận chyển lợn, đồng thời đã trình Chính phủ ra công điện ngăn chặn nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển lợn qua biên giới.
TRÌNH CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHỈ THỊ TĂNG CƯỜNG XUẤT KHẨU GẠO
Liên quan đến ngành hàng lúa gạo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, cho biết thời gian gần đây, tình hình xuất khẩu gạo trên thế giới biến đổi liên tục. Việc Nga chính thức rút khỏi Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen; Ấn Độ (quốc gia chiếm thị phần khoảng 40% thị trường xuất khẩu trên thế giới) cấm xuất gạo; các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng tạm dừng xuất khẩu gạo...đã khiến giá gạo trên thị trường thế giới tăng mạnh. Thêm vào đó, hiện tượng El Nino, tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán đang cũng có những diễn biến ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lúa gạo.
Nhằm tận dụng thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu gạo để hướng tới mục tiêu xuất khẩu 7,8 triệu tấn, đem về 4,1 tỷ USD, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Theo dự thảo của chị thị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Bộ Công Thương tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu gạo trên cơ sở theo dõi chặt chẽ và dự báo sát tình hình xuất, nhập khẩu; nhu cầu tiêu thụ; giá cả lương thực trong khu vực và trên thị trường thế giới để có các biện pháp chủ động, linh hoạt điều tiết việc kinh doanh, xuất nhập khẩu gạo để đảm bảo nâng cao hiệu quả xuất khẩu.
"Đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan củng cố các thị trường truyền thống, chủ lực, tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để gia tăng giá trị xuất khẩu".
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu gạo, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng để tăng cường tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.
Mặt khác, kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào phục sản xuất nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật … để đảm bảo các điều kiện sẵn sàng cho sản xuất lúa.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, bám sát đồng ruộng; chủ động và linh hoạt trong điều hành sản xuất lúa gạo đảm bảo đạt và vượt các mục tiêu năng suất, sản lượng theo kế hoạch trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định kỹ thuật và an toàn thực phẩm của Việt Nam cũng như nước nhập khẩu.
Các địa phương phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo việc sản xuất, lưu thông, xuất khẩu gạo được thông suốt;
LÂM NGHIỆP, THỦY SẢN SẼ QUYẾT ĐỊNH MỤC TIÊU XUẤT KHẨU CỦA TOÀN NGÀNH NÔNG NGHIỆP
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 7/2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản sản ước đạt 4,62 tỷ USD, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1% so với ùng kỳ năm ngoái.
Trong khi xuất khẩu nhóm nông sản tăng trưởng cao thì hai ngành chủ lực là lâm nghiệp và thủy sản giảm mạnh. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4%; gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 7,79 tỷ USD, giảm 25,5%. Những điều này đặt ra thách thức cho ngành nông nghiệp trong việc hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao.
Về mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 54-55 tỉ USD của toàn ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng vẫn có thể hoàn thành nếu hai ngành chủ lực là lâm nghiệp và thủy sản lấy lại được đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023.
Một số tín hiệu lạc quan đã xuất hiện, như số đơn hàng tăng trở lại, nhiều thị trường lớn, tiềm năng với hai ngành kể trên như Hoa Kỳ, EU… tăng dần sức mua.
Đặc biệt, lâm nghiệp và thủy sản nhận sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 15.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản tại Văn bản 5631/NHNN-TD.
Bằng sự giải quyết kịp thời, chính xác của Chính phủ, cùng báo cáo của Cục Lâm nghiệp, Cục Thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, hai ngành sẽ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 17 và 9-10 tỉ USD vào cuối năm.
“Lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu. Trong điều kiện hiện nay, hai ngành cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu, ký kết đơn hàng, nhằm tận dụng triệt để thời cơ khi thị trường các nước khởi sắc để làm sao đạt mục tiêu 17 tỷ USD cho lâm sản, và 9-10 tỷ USD cho thủy sản vào cuối năm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.