Consulus Việt Nam vừa công bố hoàn thành dự án nghiên cứu toàn quốc về mức độ sẵn sàng của Việt Nam cho Công nghiệp 4.0. Kết quả nghiên cứu được trình bày trong Sách trắng có tiêu đề “Việt Nam thông minh 4.0, Lộ trình hướng tới nền kinh tế công nghệ cao”.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 (hay Công nghiệp 4.0) là thuật ngữ dùng để chỉ thời kỳ đổi mới kỹ thuật số mà chúng ta hiện đang trải qua. Ngày nay, các doanh nghiệp đang sử dụng những công nghệ mới và tiên tiến, triển khai các quy trình và thực hành ứng dụng kỹ thuật số, và thiết kế ra những sản phẩm và dịch vụ thông minh có kết nối với nhau.
Những đổi mới kỹ thuật số này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh, nâng cao năng suất, tạo thị phần lớn hơn cho doanh nghiệp, làm tăng mức độ hài lòng của nhân viên và làm cho xã hội trở nên tốt hơn. Tác động thay đổi của những điều này dấy lên câu hỏi rằng liệu các doanh nghiệp có khả năng thích nghi và đương đầu với những thay đổi do các tiến bộ nhanh chóng về công nghệ mang lại hay không.
Sách trắng được Consulus Việt Nam, Đại học RMIT Việt Nam và Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội ra mắt bằng tiếng Anh và tiếng Việt trước sự chứng kiến của các cơ quan chính phủ, hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức phát triển quốc tế có mặt tại Trung tâm Hợp tác Việt Nam-Singapore mới đây.
Bản báo cáo đưa ra cái nhìn tổng thể về nền kinh tế Việt Nam thông qua tám nhóm ngành, bao gồm giáo dục, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, sản xuất, y tế/chăm sóc sức khỏe, bất động sản, khách sạn/du lịch và kinh doanh quốc tế, sau đó đi sâu vào từng nhóm ngành cụ thể.
“Sách trắng nêu bật rằng các công ty Việt Nam sở hữu những thế mạnh đổi mới vốn có để có thể chuyển đổi mô hình kinh doanh và đạt được lợi thế cạnh tranh trong Công nghiệp 4.0. Consulus Việt Nam luôn tận tâm hỗ trợ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam phát triển các tài sản trí tuệ và công nghệ độc quyền 'made in Vietnam'”, Bà Helena Phạm, Giám đốc điều hành của Consulus Việt Nam, đồng tác giả của Sách trắng, nhấn mạnh.
Nghiên cứu kết luận với những khuyến nghị và đề xuất thực tiễn để Việt Nam sẵn sàng hơn cho Công nghiệp 4.0, hướng tới trở thành nền kinh tế công nghệ cao, đồng thời chủ động tạo cơ sở hệ thống để giải quyết những thách thức của Công nghiệp 5.0.
Giáo sư Robert McClelland, Trưởng Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam cho biết: “Giảng viên của chúng tôi tại RMIT và các thành viên Ban cố vấn doanh nghiệp đã hợp tác chặt chẽ và sâu rộng. Đặc biệt, các thành viên của Ban cố vấn doanh nghiệp đã nhiệt tình làm việc và đóng góp cho việc ra mắt Sách trắng Việt Nam thông minh 4.0, chỉ ra làm thế nào để Việt Nam có thể nắm bắt những cơ hội to lớn do Công nghiệp 4.0 mang lại như một cách đi tắt, đón đầu nhằm phát triển nền kinh tế số.”
Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore. Đại sứ Singapore tại Việt Nam ông Jaya Ratnam, khách mời danh dự của sự kiện, lưu ý rằng mối quan hệ đối tác giữa Singapore và Việt Nam luôn hướng tới tương lai và gần đây đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm năng lượng, tín chỉ carbon và đổi mới sáng tạo.
“Về vấn đề này, Singapore và Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ về Quan hệ đối tác kinh tế số và xanh vào tháng trước, giới thiệu một khuôn khổ chung để đưa sự hợp tác của hai bên lên một tầm cao mới về năng lượng, tính bền vững, cơ sở hạ tầng, nền kinh tế số và đổi mới, cũng như tính kết nối. Do đó, tôi rất vui mừng được có mặt tại đây để chứng kiến việc ra mắt Sách trắng Việt Nam thông minh 4.0. Đối với chúng tôi, đó sẽ là một công cụ có giá trị để định hướng sự tham gia của chúng tôi trở nên hiệu quả và có tác động hơn; đặc biệt là khi chúng ta đẩy mạnh hợp tác trong nền kinh tế số, bao gồm các lĩnh vực như an ninh mạng, luồng dữ liệu xuyên biên giới, thành phố thông minh, đổi mới, trí tuệ nhân tạo và thanh toán số”, ông nói thêm.
Sau buổi ra mắt chính thức này, một loạt các hội thảo chuyên ngành sẽ được tổ chức để chuyển giao bí quyết, năng lực và công cụ cho các công ty trong từng nhóm ngành nhằm giải quyết những thách thức hiện tại, đồng thời khai thác các thế mạnh và cơ hội vốn có để thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng cho chính các công ty, ngành công nghiệp và Việt Nam nói chung.