November 06, 2021 | 06:00 GMT+7

Việt Nam thuộc top các nước châu Á về đảm bảo quyền trẻ em gái tham gia chính sách

Nhật Dương -

Việt Nam nằm trong số các nước dẫn đầu khu vực châu Á về đảm bảo sự tham gia của trẻ em gái vào đời sống chính trị và chính sách, theo báo cáo của Plan International…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin này được nêu tại Báo cáo Trẻ em gái khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2021 công bố ngày 5/11. Báo cáo nghiên cứu các cơ hội của trẻ em gái và phụ nữ tại 19 nước châu Á và 14 nước Thái Bình Dương.

Chỉ số trẻ em gái lãnh đạo khu vực châu Á được đo lường trên 6 lĩnh vực gồm: giáo dục, sức khỏe, cơ hội kinh tế, bảo vệ, khả năng đại diện và tiếng nói chính trị, luật pháp và chính sách. 

Trong số 19 nước khu vực châu Á, Việt Nam đứng thứ 4 về tổng chỉ số với 0,712 điểm, giảm so với mức điểm 0,721 công bố năm 2020. Tuy nhiên, Việt Nam dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực luật pháp và chính sách và đứng thứ 2 trong lĩnh vực khả năng đại diện và tiếng nói chính trị. 

Lĩnh vực luật pháp và chính sách được tính toán dựa trên các chỉ số về thừa kế, trả lương bình đẳng, quấy rối tình dục, kết hôn trẻ em, và bạo lực gia đình. Ở lĩnh vực này, Việt Nam đạt 1,000 điểm, đứng đầu khu vực châu Á cùng với Philippines và Thái Lan.

Lĩnh vực khả năng đại diện và tiếng nói chính trị được tính toán dựa trên các chỉ số về tỷ lệ đại diện trong Quốc hội, sự bình đẳng khi làm chứng trước tòa, và tỷ lệ đăng ký khai sinh cho trẻ em gái. Ở lĩnh vực này, Việt Nam đạt 0,773 điểm, xếp thứ 2 khu vực châu Á, sau Singapore. 

Các chỉ số sức khỏe và giáo dục của Việt Nam cũng tăng so với chỉ số công bố năm 2020. Trong khi chỉ số về bảo vệ không thay đổi, chỉ số cơ hội kinh tế của trẻ em gái Việt Nam giảm nhẹ, đứng thứ 10 trong khu vực. 

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, hoạt động xã hội của giới trẻ ở châu Á - Thái Bình Dương có vai trò thiết yếu trong đảm bảo bình đẳng giới và quyền lãnh đạo của trẻ em gái. Qua đó, khuyến khích các Chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự hỗ trợ trẻ em gái và phụ nữ trẻ phát triển và nêu lên tiếng nói của mình. 

Bà Bhagyashri Dengle, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tổ chức Plan International cho biết: “Chúng ta phải tạo ra một không gian an toàn, toàn diện và cởi mở để các em gái có thể nêu lên tiếng nói của mình, lan tỏa thông điệp về đảm bảo các quyền bình đẳng cho tất cả mọi người và phát triển sức mạnh tập thể cũng như cá nhân”.

Để đảm bảo quyền tham gia của trẻ em và thanh thiếu niên, một trong những hoạt động tiêu biểu mà Plan International đã thực hiện là mô hình Hội đồng trẻ em. 

Đây là mô hình mà Plan International Việt Nam phối hợp với Hội đồng đội Trung ương thực hiện thí điểm từ năm 2017. Từ 5 mô hình thí điểm cấp tỉnh của Trung ương Đoàn, đến nay đã có 14 mô hình hội đồng trẻ em cấp tỉnh và 21 mô hình hội đồng trẻ em cấp huyện trên cả nước. 

Mô hình này cũng được Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá là phát huy sự tham gia của trẻ vào các vấn đề liên quan đến các em tại địa phương, từ trong gia đình, nhà trường và tại cộng đồng nơi trẻ sinh sống.

Mô hình giúp các em phát triển toàn diện; đồng thời là cầu nối giúp lãnh đạo các địa phương và các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực trẻ em nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các em, tạo sự chuyển biến nhận thức của toàn xã hội về trách nhiệm thực hiện các mục tiêu vì trẻ em.

“Cần nỗ lực hơn nữa để trẻ em gái và phụ nữ không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới có thể tự tin tham gia thế giới 4.0 và nắm giữ các vị trí lãnh đạo”, bà Sharon Kane, Giám đốc quốc gia Tổ chức Plan International Việt Nam chia sẻ. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate