October 23, 2024 | 16:37 GMT+7

Việt Nam trở thành điểm đến quan trọng trong lĩnh vực “Bảo hiểm Bảo lãnh và Tín dụng”

Khánh Huyền -

Trong hai ngày 23-24/10/2024, Đại hội đồng thường niên lần thứ 5 của Hiệp hội Bảo hiểm tín dụng và bảo lãnh châu Á (AGCIA) được diễn ra lần đầu tiên tại Việt Nam, đánh dấu một sự kiện quan trọng khi Việt Nam trở thành nước chủ nhà cho hội nghị này...

Đại hội thường niên AGCIA lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Đại hội thường niên AGCIA lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Bảo hiểm Bảo Việt - thành viên đồng sáng lập AGCIA và là đại diện duy nhất từ Việt Nam, sẽ đồng tổ chức sự kiện quan trọng này cùng Công ty Bảo hiểm bảo lãnh Seoul (Seoul Guarantee Insurance - SGI), khẳng định vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế và phát triển ngành bảo hiểm, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm bảo lãnh và bảo hiểm tín dụng thương mại.

Đại hội đồng thường niên AGCIA lần thứ 5 được tổ chức bởi Hiệp hội Bảo hiểm tín dụng và bảo lãnh châu Á (AGCIA) là một sự kiện quốc tế quan trọng trong lĩnh vực bảo hiểm tín dụng và bảo lãnh. Năm nay, Việt Nam vinh dự được chọn làm điểm tổ chức, khẳng định vai trò của quốc gia trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế và phát triển ngành bảo hiểm khu vực.

Đại hội diễn ra vào hai ngày 23-24/10/2024 tại Hà Nội, quy tụ đại biểu đến từ 9 quốc gia Việt Nam, Hàn Quốc, Hà Lan, Đức, Philippines, Lào, Mông Cổ, Campuchia, Indonesia, gồm các tổ chức đánh giá tín dụng tín dụng, quỹ tín dụng các công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm và bảo lãnh hàng đầu khu vực.

Các đại biểu sẽ tham gia vào các phiên thảo luận chuyên sâu, chia sẻ các xu hướng mới và tìm hiểu những cơ hội hợp tác trong ngành bảo hiểm tín dụng và bảo lãnh, đồng thời thảo luận về vai trò của bảo hiểm tín dụng trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế toàn cầu.

Tại Việt Nam, Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, đã thiết lập hành lang pháp lý quan trọng cho việc áp dụng bảo hiểm bảo lãnh như một hình thức bảo đảm hợp lệ trong hoạt động đấu thầu và triển khai dự án. Với nền kinh tế đang trên đà phát triển mạnh mẽ cùng môi trường chính trị ổn định, Việt Nam chính là điểm đến lý tưởng để thúc đẩy các cơ hội hợp tác và đầu tư trong ngành bảo hiểm.

Ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt phát biểu trong Đại hội.
Ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt phát biểu trong Đại hội.

Phiên thảo luận đầu tiên sẽ được dẫn dắt bởi đại biểu nước chủ nhà Việt Nam - Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, với chủ đề “Bảo hiểm bảo lãnh và Bảo lãnh ngân hàng tại Việt Nam”. Phiên thảo luận mang đến cái nhìn sâu sắc về cơ hội và thách thức mà hai loại hình bảo lãnh này đang đối mặt trong bối cảnh thị trường hiện nay, khám phá những tiềm năng nổi bật có thể được khai thác trong việc vận dụng bảo hiểm bảo lãnh song song với bảo lãnh ngân hàng truyền thống, từ đó đề xuất các chiến lược hợp tác khả thi giữa các bên liên quan.

Hiểu rõ nhu cầu thị trường và tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn trong kinh doanh, Bảo hiểm Bảo Việt luôn tích cực phát triển các chương trình bảo hiểm đa dạng, giúp doanh nghiệp an tâm đầu tư, quản lý rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Trong đó, bảo hiểm bảo lãnh là một trong những sản phẩm nổi bật đã được triển khai từ năm 2020, mang đến sự bảo đảm tài chính vững chắc, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các doanh nghiệp trong các dự án đầu tư lớn, xây dựng, và cung ứng dịch vụ.

Cũng trong khuôn khổ Đại hội, Tổng Giám đốc Công ty tái bảo hiểm Hannover Re, ông Castillo Roberto sẽ trình bày về “Các xu hướng thị trường bảo lãnh toàn cầu”, phân tích các yếu tố tác động đến sự biến động của thị trường bảo lãnh quốc tế, từ những thay đổi trong quy định đến ảnh hưởng của các xu hướng kinh tế vĩ mô.

Ông Richard Wulff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Bảo hiểm và Bảo hiểm Tín dụng Quốc tế (ICISA), chia sẻ về “Vai trò của bảo lãnh và bảo hiểm tín dụng trong sự phát triển kinh tế toàn cầu”, làm nổi bật tầm quan trọng của các công cụ bảo hiểm này trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.

Ở phiên cuối cùng, đại diện đến từ Công ty bảo hiểm Bảo lãnh Seoul (SGI) sẽ trình bày về “Hành trình và chiến lược phát triển của SGI tại thị trường bảo hiểm bảo lãnh Việt Nam” và “Tiến trình IPO của SGI trong năm 2024”, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập các giải pháp linh hoạt và bền vững, nhằm đảm bảo an toàn tài chính và duy trì quyền lợi cho doanh nghiệp cũng như khách hàng tại thị trường Việt Nam.

Đại hội năm nay có sự tham gia của đại biểu 9 quốc gia trong khu vực và quốc tế.
Đại hội năm nay có sự tham gia của đại biểu 9 quốc gia trong khu vực và quốc tế.

Với vị thế là thương hiệu bảo hiểm phi nhân thọ đầu tiên và lâu đời nhất tại Việt Nam, Bảo hiểm Bảo Việt tự hào với 60 năm tiên phong phát triển trong ngành bảo hiểm. Hoạt động với vai trò là thành viên đồng sáng lập Hiệp hội Bảo hiểm tín dụng & bảo lãnh châu Á (AGCIA), Bảo hiểm Bảo Việt luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và nguồn lực với các đối tác quốc tế, qua đó góp phần xây dựng một hệ sinh thái bảo hiểm bền vững.

Bảo hiểm Bảo Việt tự hào khi đáp ứng các tiêu chí khắt khe về chất lượng và dịch vụ, được Chính phủ vinh danh “Thương hiệu Quốc gia” trong lĩnh vực bảo hiểm. Đồng thời, thương hiệu cũng vinh dự đón nhận giải thưởng quốc tế “60 năm Thành tựu Xuất sắc – Ngành Bảo hiểm Việt Nam” từ Global Banking & Finance Review vào tháng 8 vừa qua.

Với những ưu điểm vượt trội được cả thị trường trong nước và quốc tế công nhận, Bảo hiểm Bảo Việt đã khẳng định cam kết “đặt khách hàng làm trọng tâm” bằng việc tiên phong giới thiệu các chương trình bảo hiểm mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Đặc biệt, Bảo hiểm Bảo Việt đã chủ động đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, trong đó có dự án chuyển đổi số với giải pháp trí tuệ doanh nghiệp trong quản lý tài chính, đầu tư và rủi ro. Những nỗ lực này không chỉ mang đến quyền lợi tối ưu mà còn đồng hành cùng khách hàng hướng tới một cuộc sống “An cư lạc nghiệp, An yên sống khỏe”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate