Nhân chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự Hội nghị thượng đỉnh Thương mại Đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 20 tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), ngày 16/9/2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến và ông Hứa Hiển Huy - đại diện Chính quyền khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây ký kết bản ghi nhớ hợp tác về nông nghiệp…
ĐẨY NHANH THÔNG QUAN VÀ GIAO THƯƠNG HÀNG NÔNG SẢN
Có 4 nội dung chính hai bên ghi nhớ hợp tác gồm:Tăng cường hợp tác trong nông nghiệp và phát triển nông thôn; Hợp tác đẩy nhanh thông quan hàng hóa nông thủy sản; Đẩy mạnh phát triển thương mại và đầu tư về nông thủy sản; Hình thành một cơ chế nhằm phục vụ doanh nghiệp và thị trường.
Bản ghi nhớ nêu rõ, cố gắng hướng tới mục tiêu 3 năm tới, tăng trưởng bền vững lượng thương mại nông thủy sản và đầu tư trong nông nghiệp giữa hai nước; hình thành và phát triển sáng tạo chuỗi cung ứng nông sản xuyên biên giới vói sự tham gia của các doanh nghiệp hai nước và đạt được những kết quả vững chắc về hợp tác trong nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Cả hai bên đều có chung nhận định, việc thông quan tại các cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) hiện chưa đáp ứng được nhu cầu giao thương hàng hóa, tình trạng ách tắc nông sản, đặc biệt là trái cây tươi thường xuyên diễn ra tại cửa khẩu. Vì vậy, hai bên sẽ cùng hợp tác nâng cấp và cải tiến hạ tầng cửa khẩu để phục vụ có hiệu quả thương mại nông lâm thủy sản xuyên biên giới Trung Quốc - Việt Nam.
Trên cơ sở điều kiện và nhu cầu tại cửa khẩu ở hai phía, nghiên cứu việc thành lập bộ phận giám sát chuyên ngành đối với động thực vật và sản phẩm động thực vật xuất nhập khẩu, đẩy mạnh thương mại nông thủy sản tương ứng.
Hai bên thúc đẩy sự công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn nông thủy sản và phát triển thương mại song phương về nông thủy sản chất lượng cao: phối hợp xây dựng các chuỗi cung ứng và chuỗi ngành hàng xuyên biên giới.
Hai bên cung cấp thông tin kịp thời về khối lượng thông quan nông lâm thủy sản và những thông tin khác trong trường hợp ùn tắc hoặc nguy cơ ùn tắc tại cửa khẩu. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm đẩy mạnh việc xây dựng cửa khẩu thông minh và áp dụng công nghệ phù hợp để cải tiến khả năng thông quan.
Ở cấp địa phương và cấp ngành (Cục/Vụ), từng bước chủ động thúc đẩy một cơ chế xác minh việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho xuất khẩu hải sản, thực phẩm sang Trung Quốc, ký kết bổ sung các hiệp định về quy trình kiểm tra và kiểm dịch xuất nhập khẩu trái cây giữa Trung Quốc và Việt Nam. Triển khai việc chứng nhận AEO (cơ sở kinh doanh được cấp chứng nhận – Accredited Economic Operator) cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trái cây và các loại nông sản khác.
Đối với việc đẩy mạnh phát triển thương mại và đầu tư về nông thủy sản, hai bên chủ động thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản, tổ chức các sự kiện thương mại nông sản, cam kết trao đổi về nguyên tắc, quy định, quản lý, các tiêu chuẩn và các khía cạnh pháp lý khác về hợp tác thương mại nông thủy sản.
Về việc hình thành một cơ chế nhằm phục vụ doanh nghiệp và thị trường, hai bên khai thác và sáng tạo một mô thức mới để các doanh nghiệp nông nghiệp trao đổi, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Cung cấp thông tin chính sách liên quan, bao gồm cập nhật chính sách mới, đặc biệt các biện pháp để quản lý thương mại nông sản song phương, tiêu chuẩn, quy cách hàng hóa…
TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC TRONG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Đối với trọng tâm hợp tác hợp tác trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, hai bên đề ra 9 nhiệm vụ.
Thứ nhất: Tăng cường trao đổi và hợp tác kỹ thuật canh tác nông nghiệp hiện đại về cây trồng, vật nuôi, làm sâu sắc hơn hợp tác trong sản xuất và chế biến nông sản xuyên biên giới như ngành mía đường, xây dựng “khu liên hợp chăn nuôi - giết mổ - chế biến gia súc gia cầm xuyên biên giới” tại khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Căn cứ nhu cầu thực tế, hai bên sẽ tổ chức họp mỗi năm một lần, luân phiên theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến, để đánh giá việc thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác này và trao đổi thông tin và những góp ý về các nội dung hợp tác cùng quan tâm cũng như phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh trong hợp tác giữa hai bên.
Thứ hai: Tăng cường trình diễn và khuyến khích các giống cây trồng và vật nuôi tốt, và cùng thúc đẩy xây dựng và nâng cấp chất lượng, nâng cấp Trạm thử nghiệm các giống cây nông nghiệp tốt Trung Quốc (Quảng Tây) - Việt Nam.
Thứ ba: Tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, triển khai và khuyến khích sử dụng máy và thiết bị sản xuất nông nghiệp, khuyến khích trao đổi và áp dụng công nghệ máy nông nghiệp tại những khu vực đồi núi, tăng cường thương mại và trao đổi máy móc thiết bị nông nghiệp giữa hai Bên.
Thứ tư: Phối hợp nâng cấp mức độ giám sát chất lượng và độ an toàn của nông thủy sản, tăng cường quy định các yếu tố đầu vào của nông nghiệp và kiểm soát chất lượng nông thủy sản tại nguồn.
Thứ năm: Hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh động vật, dự báo, kiểm soát và phòng ngừa dịch hại mùa màng, nghiên cứu cơ chế trao đổi kỹ thuật và phối hợp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh cây trồng và vật nuôi. Cung cấp hỗ trợ về vật tư trang thiết bị để nâng cao năng lực phòng và kiểm soát dịch bệnh động thực vật tại khu vực biên giới.
Thứ sáu: Tăng cường trao đổi khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu và các doanh nghiệp, khuyến khích chuyển giao công nghệ và những thành tựu nghiên cứu khoa học công nghệ.
Thứ bảy: Đẩy mạnh đào tạo tài năng, hợp tác sâu về đào tạo nghề nông, khuyến khích trao đổi và hợp tác giữa các trường nông nghiệp của hai bên, như Đại học Kỹ thuật nghề nông nghiệp Quảng Tây, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Thủy lợi, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Nông Lâm Bắc Giang và các trường cao đẳng dạy nghề nông nghiệp có liên quan.
Tổ chức các khóa tập huấn trao đổi các loại hình khác nhau về công nghệ và kinh nghiệm canh tác nông nghiệp, như công nghệ trang trại tôm mùa đông và nuôi cá nước lạnh, kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất hạt dẻ Australia, chè, rau gia vị (quế, hồi), chuối, nho, táo và rau vùng ôn đới, cũng như kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc của Trung Quốc; trao đổi kinh nghiệm về phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm, quản lý sức khỏe động thực vật, giám sát sinh vật gây hại và phát triển thị trường.
Thứ tám: Hai bên nhất trí duy trì hợp tác nghề cá vịnh Bắc Bộ thông qua phối hợp kỹ thuật thả giống cá và thủy sản; phối hợp thúc đẩy phát triển bền vững nghề cá trên vịnh Bắc Bộ.
Thứ chín: Tìm hiểu các cơ chế hợp tác trong xử lý khẩn cấp cháy rừng và chống buôn lậu động thực vật hoang dã.