Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia có mối quan hệ hữu nghị truyền thống trong nhiều thập kỷ qua. Năm 2024 đánh dấu 52 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ (1972 - 2022) và 8 năm nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược toàn diện.
Mặc dù trải qua nhiều biến động phức tạp của tình hình khu vực và quốc tế, song hai nước vẫn luôn duy trì quan hệ hợp tác bền vững và ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.
Thương mại được đánh giá là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ, liên tục đạt tăng trưởng đều đặn trong 26 năm qua.
Ấn Độ trở thành một trong 8 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á, chiếm tỷ trọng gần 80% xuất khẩu của Việt Nam đến khu vực này; trong khi đó Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 17 trên thế giới và lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN của Ấn Độ.
Với vị trí địa lý thuận lợi, Ấn Độ đang là cửa ngõ để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập và tiếp cận vào thị trường các nước Nam Á. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng được coi là cửa ngõ để hàng hóa Ấn Độ thâm nhập vào thị trường các nước ASEAN và các đối tác khác của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 14,36 tỷ USD, giảm 4,68% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,50 tỷ USD, tăng 6,74% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 5,86 tỷ USD, giảm 17,47%.
Tốc độ tăng trưởng trung bình kim ngạch xuất nhập khẩu trong giai đoạn 2013 – 2023 đạt 17,62%. Cả Việt Nam và Ấn Độ đều là những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và đã có nhiều nỗ lực lớn để vượt qua và phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.
Bộ Công Thương cho biết cơ cấu ngành hàng của hai nước có sự bổ sung lẫn nhau cũng là một lợi thế giúp quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Ấn Độ phát triển nhanh chóng và tích cực trong thời gian qua.
Trong thời gian tới, hai nước đang nỗ lực sớm đưa kim ngạch thương mại song phương đạt mục tiêu 20 tỷ USD..
Về đầu tư, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 8/2024, Ấn Độ có 419 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 1,03 tỷ USD. Nhiều tập đoàn và công ty lớn của Ấn Độ đã có mặt tại Việt Nam, tham gia đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó tập trung nhiều nhất trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Cũng nhờ sự trao đổi và tham gia thường xuyên của các đoàn doanh nghiệp, tổ chức tại các hội chợ, triển lãm thương mại lớn mà hoạt động hợp tác kinh doanh giữa hai nước đã được hỗ trợ rất nhiều.
Trước đó, vào tháng 8/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, sự kiện mang tên "Kết nối doanh nghiệp và đầu tư Việt Nam - Ấn Độ" đã diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội Xin chào Việt Nam 2024 (Namaste Vietnam Festival 2024) dưới sự tổ chức của Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ. Sự kiện này không chỉ đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ, mà còn tạo ra những cơ hội hợp tác chiến lược cho cộng đồng doanh nghiệp của cả hai quốc gia. Đây là minh chứng cho tầm quan trọng và tiềm năng của mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Tháng 9/2024, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ tiếp tục tổ chức buổi Webinar trực tuyến với chủ đề "Tìm hiểu về Triển lãm Thương mại Quốc tế UP (UPITS) 2024" nhằm giới thiệu về triển lãm diễn ra từ ngày 25-29/9/2024 tại Bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Sự kiện thu hút sự tham gia của gần 40 đại biểu từ các Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại, các hiệp hội và nhiều doanh nghiệp quan tâm đến thị trường Ấn Độ.
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tham gia triển lãm trong chiến lược dài hạn của Việt Nam nhằm tăng cường sự hiện diện tại thị trường Ấn Độ, nơi có dân số 1,4 tỷ người và nhu cầu tiêu dùng đa dạng, phong phú. Ấn Độ đã và đang trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á, với kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 15 tỷ USD.
Trong khuôn khổ triển lãm, Thương vụ phối hợp với các cơ quan trong nước và tại Ấn Độ tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Ấn Độ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hai nước gặp gỡ trực tiếp và thảo luận các cơ hội hợp tác.
Các doanh nghiệp tham gia sự kiện cũng có cơ hội tham dự các buổi giao thương, kết nối, gặp gỡ doanh nghiệp toàn cầu do Ban tổ chức UPITS sắp xếp, giúp tiếp cận thị trường Ấn Độ một cách sâu rộng hơn.