October 05, 2019 | 14:38 GMT+7

Việt Nam và Campuchia ký hai văn kiện quan trọng về cắm mốc biên giới

Quang Thanh

Hội nghị tổng kết này là sự kiện có ý nghĩa trọng đại trong quan hệ Việt Nam - Campuchia, cũng là một dấu mốc lịch sử

Thủ tướng hai nước ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia - Ảnh: QP.
Thủ tướng hai nước ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia - Ảnh: QP.

Ngày 05/10/2019, tại Hà Nội, Hội nghị tổng kết công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2006-2019 và Lễ ký hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc đã được long trọng tổ chức với sự đồng chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen. 

Tại hội nghị, đại diện hai nước đã ký hai văn kiện pháp lý quan trọng cấp Nhà nước để ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc đạt được. Cụ thể, hai Thủ tướng ký "Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia". 

Ngoài ra, hai Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia cũng ký "Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia".

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đánh giá cao ý nghĩa của thành quả đạt được kể trên, khẳng định đây là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực và thiện chí của hai bên trong việc hợp tác giải quyết hòa bình vấn đề biên giới lãnh thổ trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là những điều ước quốc tế song phương mà hai bên đã ký kết, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng cùng có lợi. 

"Hội nghị tổng kết này là sự kiện có ý nghĩa trọng đại trong quan hệ Việt Nam - Campuchia, cũng là một dấu mốc lịch sử khi ký 2 văn kiện pháp lý quan trọng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. "Cùng với các văn kiện pháp lý về biên giới đã ký kết trước đây, hai văn kiện Hiệp ước và Nghị định thư ký hôm nay tạo thành khung pháp lý cho việc quản lý và phát triển đường biên giới Việt Nam - Campuchia, bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, đồng thời thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu hữu nghị, nâng cao đời sống cư dân biên giới, xây dựng đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững".

Tại hội nghị, hai Thủ tướng cũng nhấn mạnh các công việc cần phối hợp thực hiện trong giai đoạn tiếp theo để tiến tới hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến cũng như nâng cao hiệu quả hợp tác quản lý biên giới trong tình hình mới.

Từ năm 2006, Việt Nam - Campuchia đã tái khởi động công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền giữa hai nước căn cứ theo Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 2005. Đến nay, hai bên đã hoàn thành phân giới cắm mốc đối với khoảng 1.045 km đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, xây dựng được 315 cột mốc chính, 1.511 cột mốc phụ và 221 cọc dấu. Như vậy, hai nước đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến.

Tính đến nay, trung bình trên toàn tuyến biên giới đã phân giới cắm mốc cứ 670m có một cột mốc hoặc cọc dấu. Thời gian tới, hai bên sẽ tiến hành triển khai công tác quản lý biên giới theo kết quả phân giới cắm mốc tại những khu vực đã hoàn thành, đồng thời tiếp tục nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hơn nữa để hoàn thành 16% khối lượng công tác phân giới cắm mốc còn lại.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate