Phát biểu tại hội thảo “Kinh nghiệm và giải pháp của Đan Mạch trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm bền vững” diễn ra chiều ngày 17/8, Ngài Carsten Baltzer Rode, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Đan Mạch cho biết chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của đoàn doanh nghiệp Đan Mạch trong lĩnh vực Nông nghiệp - Thực phẩm là một phần trong nỗ lực của Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội, nhằm khôi phục mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm sau gần hai năm bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19.
HƯỚNG TỚI NỀN NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH
Đoàn doanh nghiệp lần này gồm 13 công ty đi đầu trong các lĩnh vực: Giải pháp Chăn nuôi, Công nghệ chế biến thực phẩm, Nguyên liệu, Giải pháp điều tiết nhiệt độ. Đây là những lĩnh vực quan trọng giúp phát triển sản xuất nông nghiệp, thực phẩm theo hướng hiệu quả cao, xanh và bền vững.
"Mục đích chính của đoàn là chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu các giải pháp hàng đầu thế giới đã được kiểm chứng của Đan Mạch trong sản xuất nông nghiệp, thực phẩm và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty Việt Nam trong lĩnh vực này", Ngài Carsten Baltzer Rode nói.
Theo Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, chương trình hợp tác Việt Nam Đàn Mạch trong lĩnh vực sản xuất và thực phẩm có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam.
“Các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác Đan Mạch để áp dụng trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đang nỗ lực phát triển theo chuỗi giá trị và sản xuất bền vững, hướng tới mục tiêu một nền nông nghiệp thông minh và công nghệ cao”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
"Qua Chương trình PSAV, Bộ tài liệu sản xuất bền vững quốc gia được xây dựng tại Việt Nam đã được nhân rộng cho một số ngành hàng ở một số quốc gia như Indonesia, Philippines và Myanmar. Đại học Havard đã xây dựng mô hình của PSAV là “câu chuyện điển hình trong hợp tác PPP trong nông nghiệp” ở khu vực Đông Nam Á".
Ông Đinh Phạm Hiền, Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Hội thảo lần này sẽ tạo ra một diễn đàn kết nối và tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và công nghệ giữa các nhà hoạch định chính sách và quản lý ngành cũng như các doanh nhân Đan Mạch và Việt Nam. Sau hội thảo sẽ là các chương trình gặp gỡ và làm việc chuyên sâu giữa các doanh nghiệp hai nước, hứa hẹn nhiều sự hợp tác lâu dài, bền vững, thiết thực và hiệu quả, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới công nghệ trong chế biến thực phẩm tại Việt Nam.
Chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam, ông Đinh Phạm Hiền, Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết Việt Nam đã và đang thực thi “Sáng kiến tầm nhìn mới cho nông nghiệp” hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững. Năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập các Nhóm công tác Đối tác công tư (PPP) ngành hàng, sau đó Thể chế hóa thành Đối tác phát triển Nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) vào năm 2015.
“PSAV đã tập trung vào kết nối các tác nhân trong ngành nông nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau hợp tác phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng chủ lực của Việt Nam theo hình thức PPP nhằm mục đích tăng năng suất lao động, hỗ trợ thu nhập cho người nông dân, cải thiện tính bền vững về môi trường trong sản xuất nông nghiệp”, ông Hiển bày tỏ.
Kết quả của Chương trình PSAV đến nay, đã xây dựng nhiều mô hình trình diễn điểm canh tác bền vững, thân thiện mới môi trường và tăng thu nhập cho nông dân trong 8 ngành hàng: cà phê, chè, lúa gạo, rau quả, hồ tiêu – gia vị, thủy sản, chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật.
Một số mô hình hợp tác PPP đã giúp tăng 17% sản lượng, tăng 17% thu nhập và giảm đến 43% CO2 so với một số mô hình truyền thống. Đồng thời, đã tạo dựng được một số chuỗi giá trị liên kết bền vững đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế như Rainforest Alliance, 4C, UTZ (như chuỗi sản xuất khoai tây của PepsiCo; chuỗi gạo của Bayer và Vinafood 2; chuỗi chè của Unilever, chuỗi Hồ tiêu)…
HỢP TÁC CÙNG XÂY DỰNG CHUỖI GIÁ TRỊ THỊT LỢN
Ông Troels Vensild, Trưởng Bộ phận hợp tác quốc tế, Cục Thú y và Thực phẩm Đan Mạch, thông tin thêm về các công ty Đan Mạch là một trong những nhà sản xuất thực phẩm bền vững nhất thế giới. Hợp tác đối tác công tư là truyền thống hợp tác chặt chẽ lâu đời giữa các doanh nghiệp, học viện, viện nghiên cứu và các cơ quan chuyên môn tại Đan Mạch.
"Hợp tác đối tác quan trọng với khu vực tư nhân trong các vai trò khác nhau, các công ty tư nhân Đan Mạch là chuyên gia trong việc tối ưu hóa các nguồn lực trong chuỗi sản xuất. Về phía các cơ quan nhà nước có trách nhiệm xây dựng hệ thống tổ chức nhà nước gắn kết, luật pháp đầy đủ, hệ thống giám sát và thanh kiểm tra hiệu quả", ông Troels Vensild chia sẻ.
Theo bà Sanne Høj Andrén, Tham tán về Nông nghiệp – Thực phẩm, Đại sứ quán Đan Mạch, năm 2015, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tham gia Chương trình “Hợp tác chiến lược ngành về an toàn thực phẩm trong chuỗi giá trị thịt lợn” (SSC) do Đan Mạch khởi xướng. Đến nay, SSC đã thu hút sự tham gia của 18 quốc gia, 21 cơ quan nhà nước Đan Mạch, hiện đang thực hiện 40 dự án.
Chương trình SSC tại Việt Nam giai đoạn 1 từ tháng 2/2017 đến tháng 12/2019, kết quả đã hỗ trợ Cục Chăn nuôi đã xây dựng được dự thảo chương mới về quản lý thức ăn chăn nuôi cấp trang trại trong Luật Chăn Nuôi; Cục Thú y đã xây dựng dự thảo Thông tư mới về việc kê đơn thuốc thú y.
Giai đoạn 2 triển khai từ tháng 4/2020 đến tháng 12/2023, với các kết quả chính: Thông tư về việc kê đơn Thuốc Thú y được ban hành ngày 9/11/2020; Dự thảo Hướng dẫn thanh tra nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi; Thông tư về truy xuất và thu hồi được ban hành ngày 20/12/2021.
Dự kiến giai đoạn 3 sẽ triển khai trong các năm 2024 – 2026, đề ra các nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng nghị định và thông tư luật và thi hành trong lĩnh vực thuốc thú y; Thực hiện Kế hoạch Hành động Quốc gia mới về Chống Kháng thuốc; Truy xuất trong chuỗi giá trị thịt lợn…
Chia sẻ tại hội thảo, ông Troels Jakobsen, Tham tán Thương mại tại Đại sứ quán Đan Mạch, cho biết trong nhiều năm, các công ty nông nghiệp, thực phẩm Đan Mạch đã không ngừng đầu tư vào các thiết bị và giải pháp sản xuất mới nhằm thúc đẩy sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm trong khi tiêu tốn ít nước và năng lượng hơn.
“Ngày nay, chúng tôi sản xuất lượng lương thực nhiều hơn gấp ba lần lượng mà dân số Đan Mạch có thể tiêu thụ, với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thấp nhất châu Âu. Các công ty và chuyên gia Đan Mạch rất sẵn sàng chia sẻ những ý tưởng và công nghệ đổi mới với đối tác Việt Nam cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác và cùng kinh doanh hiệu quả, bền vững”, ông Troels Jakobsen tin tưởng.