October 31, 2024 | 16:17 GMT+7

Việt Nam vẫn nằm trong nhóm nước bị thiếu i ốt

Nhật Dương -

Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước còn lại trên thế giới bị thiếu i ốt. Chỉ số hộ gia đình sử dụng muối i ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đều đạt ở mức nguy cơ cận dưới, và không đạt so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý tại cuộc họp của Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của các tổ chức, doanh nghiệp đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/1/2016 của Chính phủ quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

MỨC SỬ DỤNG MUỐI I ỐT ĐỦ TIÊU CHUẨN PHÒNG BỆNH THẤP SO VỚI KHUYẾN CÁO

Tại cuộc họp, đại diện của các hiệp hội doanh nghiệp đã đưa ra những kiến nghị khác nhau về việc phân loại các sản phẩm cần khuyến khích, và nhóm sản phẩm cần hạn chế sử dụng i ốt; việc gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp trong việc đưa i ốt vào các sản phẩm chế biến; việc ảnh hưởng đến giá trị cảm quan của các sản phẩm truyền thống gây khó cho doanh nghiệp.

Thông tin tại cuộc họp, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết theo báo cáo 2021 của Mạng lưới toàn cầu về phòng chống các rối loạn do thiếu i ốt, Việt Nam đang nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu i ốt.

Theo Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020 tại Việt Nam, trung vị i ốt niệu của đối tượng trẻ em toàn quốc (trên 6 tuổi) là 113,3 mcg/l, trẻ em miền núi là 90,0 mcg/l, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ là 98,9 mcg/l, phụ nữ có thai là 85,3 mcg/l.

Trong khi đó, mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho trẻ em và phụ nữ tuổi sinh đẻ là 100-199 mgc/l, cho phụ nữ có thai là 150-249 mcg/l. Hộ gia đình sử dụng muối i ốt đủ tiêu chuẩn chỉ chiếm 27%; trong khi khuyến cáo của WHO là phải trên 90%.

Như vậy, chỉ số trung vị i ốt niệu và chỉ số hộ gia đình sử dụng muối i ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đều đạt ở mức nguy cơ cận dưới, và không đạt so với khuyến cáo của WHO.

Với kết quả này, Vụ Pháp chế khẳng định quần thể người dân Việt Nam chưa đạt đủ lượng i ốt tiêu thụ hằng ngày so với khuyến nghị. Đây là căn cứ để dự thảo sửa đổi Nghị định 09 đưa ra quy định cần tiếp tục thực hiện muối dùng để ăn trực tiếp, và dùng trong chế biến thực phẩm cần phải được tăng cường i ốt.

Toàn cảnh cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp.

Liên quan đến nội dung này, theo báo cáo của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, và Viện Dinh dưỡng, hiện nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân thừa i ốt.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng chưa nhận được bất kỳ bằng chứng khoa học nào của doanh nghiệp liên quan đến việc sử dụng muối tăng cường i ốt bị biến đổi về màu sắc, mùi vị, hoặc ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Như vậy, Bộ Y tế cho rằng các kiến nghị chưa chính xác, chưa có cơ sở khoa học của doanh nghiệp trước đó, đã dẫn đến chậm thực thi Nghị định số 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ trong 8 năm. Trong 8 năm đó, Việt Nam hầu như không có cải thiện về sức khoẻ của người dân liên quan đến các vi chất dinh dưỡng i ốt, sắt, kẽm.

ĐẶT SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI DÂN LÊN TRÊN HẾT

Với nội dung đã nêu, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đang xây dựng dự thảo theo nhóm ý kiến của WHO, UNICEF, Viện Dinh dưỡng, Viện Chiến lược và Chính sách y tế, và các tổ chức bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Theo đó, đề xuất giữ nguyên quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 09/2016/NĐ-CP, và chỉ sửa một số nội dung cho phù hợp với Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Đồng thời, khẳng định các doanh nghiệp phải tuân thủ Nghị định 09/2016/NĐ-CP vì hiện tại Nghị định này vẫn đang có hiệu lực thi hành.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cho biết sau khi nghe Vụ Pháp chế báo cáo và ý kiến tham luận của các đại biểu dự họp; thống nhất nguyên tắc đã là văn bản quy phạm pháp luật là chúng ta phải thực hiện.

Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc thì trên ý kiến của các tổ chức cá nhân sẽ xem xét, điều chỉnh theo đúng quy trình, quy định xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với thực tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh mục tiêu cần đặt sức khỏe người dân lên trên hết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh mục tiêu cần đặt sức khỏe người dân lên trên hết.

Theo Thứ trưởng, Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ vẫn còn hiệu lực thi hành nên các doanh nghiệp cần thực hiện. Với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, và phải đặt mục tiêu sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh Ban soạn thảo, tổ biên tập cần lưu ý về câu từ sao phải dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm và khả thi. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải hài hòa với các khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước và thực tiễn Việt Nam dựa trên các số liệu khoa học.

Thứ trưởng đề nghị Vụ Pháp chế - đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định khẩn trương hoàn thiện Dự thảo nghị định trình Chính phủ trong tháng 11, hoàn thiện biên bản cuộc họp tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu.

Các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế tiếp tục rà soát lại các số liệu đã nghiên cứu và có văn bản báo cáo chính thức với Bộ Y tế.

Từ các ý kiến của các hiệp hội và tổ chức doanh nghiệp, Bộ Y tế sẽ có văn bản trả lời từng nội dung, trong đó nội dung nào tiếp thu và nội dung nào giải trình. Trên cơ sở đó, Vụ Pháp chế dự thảo báo cáo của Bộ Y tế để báo cáo Thủ tướng và đề xuất phương án trước ngày 10/11/2024.

Bộ Y tế cũng giao Viện nghiên cứu Chiến lược và chính sách y tế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, làm việc cụ thể với các doanh nghiệp đã thực hiện các dịch vụ kĩ thuật để chứng minh, giải quyết các thắc mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

 

Đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho biết đến ngày 17/10/2024, Bộ Y tế nhận được 7 nhóm ý kiến từ các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp; trong đó 7/7 tổ chức nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09.

4/7 tổ chức bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), UNICEF, IGN, HealthBridge Canada ủng hộ hoàn toàn sự cần thiết và cung cấp thêm bằng chứng để giữ nguyên quy định bắt buộc tăng cường i ốt vào muối; sắt, kẽm vào bột mì.

3/7 tổ chức hiệp hội ngành hàng thực phẩm, Amcham, VASEP có ý kiến đối với Hồ sơ dự thảo Nghị định. Với các nhóm ý kiến khác nhau, Bộ Y tế đã có tiếp thu và giải trình theo từng nhóm vấn đề dựa trên khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, cơ sở thực tiễn và các nghiên cứu, điều tra dịch tễ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate