November 10, 2011 | 08:16 GMT+7

Viết tiếp chuyện ngân sách, nghị trường và bộ trưởng

Nguyên Hà

Ý kiến nhiều chiều về câu chuyện Bộ trưởng Thăng "xin" tăng vốn cho ngành giao thông

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng tại nghị trường - Ảnh: CTV.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng tại nghị trường - Ảnh: CTV.
Mục tiêu kiềm chế lạm phát là số 1 nhưng phải tính làm sao để có sự hài hòa, vì nhu cầu vốn cho giao thông là rất lớn…

Sau chuyến công cán nước ngoài cùng Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng lại đều đặn xuất hiện cả trong hội trường và ngoài hành lang Quốc hội.

Theo nghị trình, sau các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội được thông qua trong hai ngày vừa qua, các nghị quyết về dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách trung ương năm 2012 cũng chuẩn bị để Quốc hội thông qua.

Đó cũng là lý do để câu chuyện Bộ trưởng đề nghị Quốc hội dành 40.000 tỷ đồng có thể vượt thu từ dầu khí (theo tính toán của ông) trong hai năm 2011 và 2012 để đầu tư cho giao thông tại phiên thảo luận về ngân sách trong đầu tuần đầu tiên của kỳ họp lại được hâm nóng.

Tại buổi thảo luận đó, sau khi nghe Bộ trưởng Thăng đưa ra 4 dự định khá cụ thể nếu được thêm vốn cho ngành giao thông, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Trần Du Lịch cũng đưa ngay 3 điều kiện đi kèm sau khi thể hiện sự ủng hộ.

Trong đó, điều kiện thứ nhất là ngành giao thông phải chống cho được tiêu cực trong xây dựng, đừng để xảy ra vụ việc như PMU, PCI…đang gây bức xúc xã hội.

Ít nhiều đều am tường các bước trình và quyết định ngân sách nên chẳng có mấy đại biểu không hiểu rằng, không vì đề nghị đột xuất đó  mà ngành giao thông có ngay thêm 40.000 tỷ đồng,  mặc dù ai cũng thấy  sự cấp bách phải  đầu tư cho hạ tầng giao thông.

Đứng đầu cơ quan thẩm tra dự toán ngân sách của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng rất chia sẻ cùng Bộ trưởng Thăng về tính cấp thiết của việc đầu tư cho hạ tầng giao thông. Song, ông nói rõ là ông không thể ủng hộ, vì số vượt thu được sử dụng như thế nào đều phải theo quy trình và được dành vào 4 việc: giảm bội chi, tăng chi trả nợ, chi cho dự trữ và chi cho đầu tư phát triển.

Ngân sách do Quốc hội quyết định nhưng phải được điều hòa, không thể có chuyện tăng thu ở khoản này thì dành riêng cho ngành này, khi mà các ngành đã được cân đối trong dự toán khi trình Quốc hội. Nếu ngành giao thông cần vốn thì phải cơ cấu lại đầu tư chứ không nên đặt vấn đề là tôi có nguồn thu này thì chi cho cái này, Chủ nhiệm Hiển nhấn mạnh.

Nhìn toàn bộ diễn biến câu chuyện, một số vị đại biểu khác cũng phần nào trùng quan điểm về việc rất khó có thể quyết định tức thì với đề nghị của Bộ trưởng Thăng, song lại cho rằng rất cần có tiếng nói ủng hộ như đại biểu Lịch.

Tuy nhiên, Bộ trưởng có dám “chấp nhận cam kết” cả ba điều hay không lại là chuyện khác, và chấp nhận rồi nhưng có thực hiện được hay không lại là chuyện khác nữa.

Là một người mến mộ Bộ trưởng Thăng, song doanh nhân Phan Văn Quý, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương cho rằng,  với điều kiện thứ nhất đó nếu đưa cho riêng Bộ trưởng Thăng thì rất khó, “vì chống tiêu cực là vấn đề của cả hệ thống, mình anh Thăng khó có thể làm được”.

Chút băn khoăn của đại biểu Quý cũng khá dễ hiểu, bởi ngay từ đầu kỳ họp, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội là tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp; xảy ra ở nhiều lĩnh vực, địa phương; công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thực hiện được mục tiêu là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng.

Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tp.HCM đặt vấn đề: “Nếu chỉ chấp nhận hai điều kiện sau thì chấp nhận tham nhũng à, tham nhũng vẫn chống, nhưng phát hiện là câu chuyện khác, tôi hứa là tôi sẽ trừng trị tham nhũng nhưng tôi không thể hứa là ngành tôi không có tham nhũng”.

Hơn nữa, việc chính của Bộ trưởng là làm quản lý chứ không phải chỉ có đi phát hiện tham nhũng, ông Ánh nói thêm.

Trong câu chuyện bên hành lang Quốc hội ngày 9/11, trở lại vấn đề vốn cho ngành giao thông, Bộ trưởng Thăng tâm tư “anh Lịch nói quá đúng, đầu tư phải nhanh, phải hiệu quả, rõ ràng một dự án làm hai năm và làm 4 năm là khác hẳn nhau”.

Nhưng ngành giao thông có sẽ được tăng vốn như đề nghị của mình không là điều ông Thăng chưa dám chắc. Vì như chính ông tâm sự thì ông cũng đã đặt vấn đề trong chính phủ rồi, nhưng mục tiêu kiềm chế lạm phát ổn định vĩ mô vẫn phải là số 1.

Việc đề xuất trước Quốc hội, theo ông Thăng là bởi phải tính làm sao để có sự hài hòa. Ưu tiên kiềm chế lạm phát nhưng nếu chỉ đạt một mục tiêu này mà các doanh nghiệp không có tiền thì họ cũng chết. Thế nên phải tính mức độ lạm phát nào thì mình chấp nhận, mức độ nào thì để doanh nghiệp sống, doanh nghiệp đi lên thì lạm phát sẽ giảm.

“Mình đặt vấn đề để Quốc hội thấy rằng nhu cầu vốn giao thông là rất lớn, mình phải tính toán giữa việc giảm bội chi ngân sách với việc đầu tư hạ tầng. Mình cứ nói làm hạ tầng con cháu sau này phải trả, nhưng con cháu sau này vẫn phải làm hạ tầng, đường cao tốc Bắc - Nam thì con cháu sau này vẫn phải làm, nhưng mình làm bây giờ thì rẻ hơn và đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, ông Thăng tiếp mạch tâm tư.

Nhấn lại là “chỉ đặt vấn đề chứ không quyết được”, Bộ trưởng Thăng trăn trở: “trước đây khó khăn thế mình vẫn phát hành công trái xây dựng tổ quốc nhưng bây giờ mình có làm được không?”.

Tâm tư như vậy, mong muốn là vậy, song là thành viên Chính phủ hẳn là Bộ trưởng Thăng cũng hiểu quy trình của phân bổ ngân sách.

Và, theo nguồn tin riêng của VnEconomy thì “bóng dáng” lời đề nghị với con số 40.000 tỷ đồng của ông Thăng sẽ không xuất hiện trong các quyết định về ngân sách tại kỳ họp Quốc hội này.

Không mấy chắc chắn về câu chuyện vốn, song khi được hỏi về “điều kiện thứ nhất” liên quan đến quyết tâm chống tham nhũng mà đại biểu Lịch đã đưa ra, vị Bộ trưởng đang nổi như cồn này vẫn mạnh mẽ khẳng định “việc chống tham nhũng là đương nhiên”.

Mục tiêu của mình là phải không còn tham nhũng, nhưng trong điều kiện bất khả kháng nếu vẫn xảy ra thì mình phải xử lý ngay, chứ chả nhẽ mình lại bảo là chúng tôi phấn đấu chỉ còn vài vụ thì báo chí “đập chết” ngay à, Bộ trưởng Thăng hài hước.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate