Sáng 10/1, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương (Vietcombank - mã chứng khoán: VCB) tổ chức hội nghị triển khai Hội nghị triển khai công tác Đảng và hoạt động kinh doanh 2022.
Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Vietcombank cho biết, tổng tài sản của ngân hàng đến cuối năm 2021 ở mức 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,6% so với cuối năm 2020. Huy động vốn thị trường 1 đạt xấp xỉ 1,154 triệu đồng, tăng 9,5% so với năm 2020, tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn (CASA) bình quân đạt 32,2%, tăng 3,3 điểm phần trăm so với năm 2020. Dư nợ tín dụng đạt hơn 963.000 tỷ đồng, tăng gần 15%.
Tổng dư nợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ khoảng 10.540 tỷ đồng (dư nợ gốc 9.410 tỷ đồng và dư nợ lãi 1.130 tỷ đồng).
Ngoài ra, Vietcombank cũng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng. Trong đó, tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,34%; tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,63%. Ngân hàng trích lập đủ 100% dự phòng cụ thể của dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03 (sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước). Tỷ lệ quỹ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng (424%).
Lãnh đạo Vietcombank cho biết thêm, doanh số thanh toán và sử dụng thẻ tăng 19,2% so với năm 2020; doanh số mua bán ngoại tệ tăng 13,2% so với năm 2020.
Đáng chú ý, sau khi đã trừ đi khoảng 7.100 tỷ đồng do giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng, lợi nhuận trước thuế đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao trong năm 2021.
Với mức lợi nhuận đạt được, các chỉ số ROAA và ROAE của Vietcombank tăng cao so với 2020, đạt lần lượt mức 1,6% và 21%. Đồng thời, năm 2021, ngân hàng nộp ngân sách Nhà nước bao gồm thuế phí, cổ tức gần 11.000 tỷ đồng.
Về kế hoạch cho năm 2022, ban lãnh đạo Vietcombank dự kiến: Tổng tài sản tăng 8% so với 2021; Huy động vốn thị trường 1 tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng; Tín dụng tăng 12% so với 2021; Tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn 1,5%; Lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với 2021.