Theo đánh giá của VinaCapital, chỉ số VN-Index đã giảm 11% vào tuần trước và đã giảm 21% so với đầu năm vào cuối tuần trước trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, điều đang thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận đầy ấn tượng, nên tác nhân chính cho việc giảm điểm của chỉ số VN-Index chính là sự sụt giảm liên tục trên thị trường chứng khoán toàn cầu.
Sự sụt giảm liên tục trên thị trường chứng khoán toàn cầu chủ yếu là do kế hoạch tăng lãi suất mạnh của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed). Trong khi VinaCapital kỳ vọng Fed sẽ từ bỏ kế hoạch tăng lãi suất nếu thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc, thì đợt giảm điểm hiện tại trên các thị trường chứng khoán toàn cầu có thể còn tiếp tục diễn ra.
KINH TẾ VIỆT NAM ĐANG TĂNG TRƯỞNG MẠNH MẼ
Số người nhiễm Covid ở Việt Nam đã giảm xuống và hầu hết các biện pháp giảm thiểu lây nhiễm trong nước đều đã được loại bỏ, cho phép người tiêu dùng tiếp tục các hoạt động kinh tế hàng ngày của họ. Do đó, tăng trưởng doanh thu bán lẻ tại Việt Nam tăng nhanh từ mức tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong 2 tháng đầu 2022, lên 10,4% trong tháng 3 và 12,1% trong tháng 4.
Hơn nữa, nhiều minh chứng đầy thuyết phục cho thấy những con số tăng trưởng nêu trên vẫn chưa phản ánh đầy đủ sự bùng nổ nhu cầu tiêu dùng ở các thành phố và vùng nông thôn Việt Nam, do nhu cầu người tiêu dùng bị dồn nén trong thời gian dài.
Tiêu dùng chiếm khoảng 2/3 GDP của Việt Nam, vì vậy sự phục hồi mạnh mẽ trong tiêu dùng hiện nay giúp củng cố dự báo về tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay. Dự báo tăng trưởng GDP của VinaCapital dựa trên hai giả định chính.
Đầu tiên là "doanh số bán lẻ thực" đã điều chỉnh theo lạm phát (inflation-adjusted “real retail sales”) sẽ tăng 5% trong năm nay (thấp hơn so với mức tăng trưởng trung bình 9% trong 5 năm trước covid).
Giả định thứ hai là Việt Nam mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch nước ngoài, và thực tế hiện tại thì khách du lịch đang quay trở lại Việt Nam (chúng tôi ước tính trước đây họ đóng góp khoảng 10% vào tổng doanh thu bán lẻ của Việt Nam và du lịch nước ngoài chiếm khoảng 10% GDP), điều này có khả năng đóng góp thêm ít nhất 2 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay.
Tiếp theo, sản xuất chiếm hơn 20% GDP của Việt Nam và tăng trưởng tốt với con số 8% so với cùng kỳ năm ngoái trong 4 tháng đầu 2022, mặc dù ngày càng nhiều công ty cho biết họ gặp khó khăn trong việc đảm bảo đầu vào sản xuất do chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc.
Các vấn đề về chuỗi cung ứng ở Việt Nam bắt nguồn từ chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc chủ yếu tác động đến các nhà sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng thấp như hàng may mặc. Nhưng chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc cũng là một lý do khác khiến các công ty chuyển dây chuyền sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam - quốc gia ghi nhận dòng vốn FDI cao kỷ lục trong 4 tháng đầu 2022.
NHIỀU THẾ MẠNH GIÚP CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TĂNG TRƯỞNG
VinaCapital cũng đánh giá, dù Vn-Index giảm song chứng khoán Việt Nam đang sở hữu nhiều thế mạnh. Những điểm mạnh đó bao gồm tỷ lệ P/E kỳ vọng đạt 11,4x so với kỳ vọng tăng trưởng thu nhập đồng thuận đạt 21% đối với các cổ phiếu VNI trong năm nay, và mức chiết khấu định giá khoảng 30% so với các quốc gia cùng khu vực.
Bên cạnh vấn đề thị trường chứng khoán toàn cầu đang sụt giảm, việc các nhà đầu tư buộc phải bán các cổ phiếu liên quan đến cho vay ký quỹ đang tạo ra áp lực nặng nề lên thị trường chứng khoán Việt Nam trong hai tuần qua.
Số lượng các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia vào thị trường chứng khoán tại Việt Nam đã tăng gần 70% trong 12 tháng qua, và hầu hết những người mới tham gia thị trường đều có xu hướng thích mở tài khoản giao dịch ký quỹ với hy vọng kiếm được lợi nhuận nhanh chóng trên thị trường chứng khoán.
Sự giảm điểm tại thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu đã kích hoạt các lệnh dừng ký quỹ (margin call), và nhiều nhà đầu tư mới này đang từ bỏ các vị thế mua của họ. Do đó, ước tính rằng số dư ký quỹ đang lưu hành tại các công ty môi giới đã giảm khoảng 25% so với mức cao nhất từ vài tuần trước.
"Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đứng vững và đã giúp thúc đẩy tăng trưởng doanh thu đạt 29% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 1, và chúng tôi tin rằng cũng chính điều này sẽ giúp thị trường Việt Nam vượt qua được cơn bão đang tác động đến các thị trường chứng khoán quốc tế hiện nay", ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital.
Tuy nhiên, bên cạnh việc buộc phải bán cổ phiếu, điều được thúc đẩy bởi các lệnh dừng ký quỹ mà các nhà đầu tư cá nhân phải đối mặt, còn có thêm một nhân tố liên quan đến việc bán tháo chứng khoán khác.
Đó chính là một số công ty đã vay tiền với mục đích dành cho việc phát triển bất động sản và/hoặc các dự án khác, nhưng báo chí đã đưa tin rằng các công ty này sau đó đã đi ngược với lời cam kết của họ và sử dụng tiền để tham gia vào thị trường chứng khoán. Chính phủ hiện đang ngăn chặn tình trạng sử dụng nguồn vốn sai cách này, và đây chính là một nguyên nhân khác dẫn đến việc các nhà đầu tư buộc phải bán cổ phiếu.
Việc giảm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam là phù hợp với những gì đã diễn ra trên thị trường toàn cầu tuy nhiên, không điều gì trong số những lý do này có khả năng ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hoặc đến tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết.
Trong quý 1, mức lợi nhuận này tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, và VinaCapital kỳ vọng lợi nhuận của tất cả các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM sẽ tăng gần 30% trong năm nay.
"Cuối cùng, lưu ý rằng giá trị của tiền đồng gần như không đổi so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù chỉ số Đô la Mỹ/DXY tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi tin rằng khả năng phục hồi của tiền đồng bất chấp sự tăng giá mạnh của đồng Đô la Mỹ là một chỉ báo chính xác về sức mạnh cơ bản của nền kinh tế Việt Nam, từ đó giúp hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận cũng như sự tăng trưởng của thị trường", ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital nhấn mạnh.