December 02, 2022 | 12:51 GMT+7

Vinh danh 5 doanh nghiệp nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc

Châu Anh -

Ngoài việc xét và công bố Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững thì ban tổ chức còn xét và công bố Top 5 doanh nghiệp đã có những cam kết và nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc...

Tối 1/12, Lễ công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức đã chính thức diễn ra tại Hà Nội.

Thông qua Chương trình CSI, VBCSD-VCCI tìm kiếm và biểu dương những doanh nghiệp tiên phong thực hiện tốt kinh doanh trách nhiệm, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) trong quản trị, từ đó giúp xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững.

Từ năm 2021, ngoài việc xét và công bố Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững thì Ban tổ chức còn xét và công bố Top 5 doanh nghiệp đã có những cam kết và nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc. Qua 2 năm, Ban tổ chức đã lựa chọn được 9 doanh nghiệp được nhận giải chuyên đề này (có 1 doanh nghiệp đã hai năm liền đều lọt vào Top 5).

 Năm nay bà Cherie Russell Thám tán phát triển Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và bà Hà Thu Thanh – Chủ tịch Deloitte Việt Nam, Phó chủ tịch VBCSD, Chủ tịch VBCWE sẽ đại diện Ban tổ chức trao giấy chứng nhận cho Top 5 doanh nghiệp đã có những cam kết và nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc trong năm 2022. Top 5 năm nay gồm: 

  1. Công ty TNHH Giấy Kraft Vina (2 năm liên tiếp đoạt giải)
  2. Công ty CP Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ)
  3. Công ty CP Dịch Vụ Hàng Không Sân Bay Tân Sơn Nhất (SASCO)
  4. Công ty CP Dược Hậu Giang (DHG Pharma)
  5. Công ty TNHH JIA HSIN

Những đơn vị được tôn vinh là những doanh nghiệp đang cam kết thực hành, đóng góp cho an sinh và sự ổn định của cộng đồng thông qua phát triển bền vững, trong đó “bình đẳng giới tại nơi làm việc” được coi là một nhân tố quan trọng và thiết yếu. 

Vượt lên trên ý nghĩa về mặt thương hiệu, những doanh nghiệp được tôn vinh đã đưa “bình đẳng giới” lên thành một tiêu thức trong kinh doanh thông qua những lợi ích kinh tế thiết thực mà nó mang lại, như: cải thiện năng suất, tăng sự hài lòng của người lao động, xây dựng thương hiệu tích cực, thu hút nhà đầu tư, người tiêu dùng, đối tác và nhân tài, củng cố văn hóa doanh nghiệp..., thể hiện tầm nhìn bền vững của nhà lãnh đạo.

Các doanh nghiệp được đánh giá và lựa chọn bởi hội đồng chuyên gia trong lĩnh vực “bình đẳng giới tại nơi làm việc” của Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) – đối tác tư vấn của Chương trình CSI 2021, dựa trên bộ tiêu chí về các chính sách nhân sự và bằng chứng thực hiện tại công ty.

Bộ tiêu chí được phê duyệt bởi VCCI-VBCSD và phát triển bởi VBCWE, với sự hỗ trợ của dự án Investing in Women thuộc Chính phủ Úc, bao gồm các chỉ số về: Tỷ lệ giới (nam-nữ) trong đội ngũ lãnh đạo; chính sách, chương trình quy hoạch, đào tạo, kèm cặp, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo nữ; chính sách đa dạng giới trong Hội đồng quản trị và Ban giám đốc; chính sách, điều khoản quy định về phòng chống quấy rối, xâm hại tình dục nơi làm việc; chế độ cho con của người lao động (xây dựng nhà trẻ, hỗ trợ kinh phí nuôi con, gửi trẻ, quà tặng thành tích học tập…).

Sau 5 năm hình thành và phát triển, Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ - VBCWE đã dần khẳng định vị thế là tổ chức tiên phong và chuyên nghiệp trong việc kết nối, hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng văn hóa đa dạng, hòa nhập gắn với giá trị giới được bình đẳng tại nơi làm việc cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Bà Đinh Thị Thu Hoài, Giám đốc điều hành VBCWE, là thành viên Hội đồng xét duyệt Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam 2022 cho rằng các chỉ số bình đẳng giới cần được đưa vào đánh giá, hướng dẫn cho các doanh nghiệp bởi bình đẳng giới là tiêu chí vô cùng quan trọng tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp muốn thúc đẩy bình đẳng giới cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, bao gồm cả ban hành chính sách, lồng ghép bình đẳng giới vào văn hóa doanh nghiệp cũng như đào tạo nâng cao nhận thức cho toàn bộ người lao động, với sự làm gương và đồng lòng từ lãnh đạo doanh nghiệp.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate