Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) liệt kê một số triệu chứng kéo dài hậu Covid-19 là khó thở, hụt hơi; mệt mỏi; kiệt sức khi tập luyện; khó suy nghĩ, thiếu tập trung (sương mù não); ho; đau ngực hoặc đau dạ dày; nhức đầu; tim đập nhanh; đau khớp hoặc cơ; cảm giác tê bì tay chân như kim châm; tiêu chảy; khó ngủ; sốt; chóng mặt khi đứng (lâng lâng); phát ban; thay đổi tâm trạng; thay đổi khứu giác hoặc vị giác; rối loạn kinh nguyệt...
Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý, hội chứng Covid kéo dài còn khiến 18% người không thể quay trở lại làm việc và buộc 19% người phải thay đổi việc làm, theo nghiên cứu của đại học Leicester, Anh. Hai nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Aging Neuroscience gần đây cũng chỉ ra hơn 50% người tham gia khảo sát cho biết họ không thể làm việc trong thời gian dài và 1/3 mất việc vì di chứng hậu Covid-19.
Thực tế đến nay, thế giới có không ít dịch bệnh do virus gây ra để lại các di chứng cho người bệnh, nhưng có lẽ hội chứng Covid kéo dài được đánh giá là nghiêm trọng và phức tạp chưa từng thấy. Vậy thì do đâu?
GIẢ THUYẾT VỀ VIRUS
Theo Reuters, các nguyên nhân cơ bản có thể xảy ra mà các nhà khoa học đang nghiên cứu bao gồm: Tổn thương do nhiễm Covid-19 ban đầu; Các ổ chứa virus còn tồn tại trong cơ thể; Phản ứng tự miễn dịch - với hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào của chính nó; Phản ứng miễn dịch bị rối loạn gây ra tình trạng viêm quá mức làm tổn thương các mạch máu nhỏ hoặc dây thần kinh; Cũng có thể là sự kết hợp của những yếu tố trên hoặc những yếu tố khác...
Trong đó, giả thuyết hiện đang được nhiều nhóm chuyên gia tập trung nghiên cứu chính là: virus ẩn náu trong cơ thể. Theo đó, virus SARS-CoV-2 có thể đã bị quét khỏi cơ thể người bệnh ở mức không còn phát hiện ra, nhưng nó có thể vẫn tồn tại một số lượng rất ít ở một số góc khuất trong cơ thể, chẳng hạn trong các tế bào, và vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến chức năng cơ quan đó.
Nhà khoa học Nam Phi Resia Pretorius đã tìm thấy các phân tử gây viêm bị mắc kẹt trong các mạch máu, ngăn cản tế bào nhận đủ oxy để thực hiện chức năng. Guardiandẫn lời bài báo giải thích đây "có thể là khởi nguồn của nhiều triệu chứng suy nhược". Bên cạnh đó, một số bằng chứng cho thấy virus có thể ẩn náu trong cơ thể và tế bào, khiến chúng ta vẫn còn gặp phải triệu chứng lâu như vậy.
Amy Proal, chuyên gia về các bệnh do virus gây ra, tại hiệp hội nghiên cứu PolyBio Research Foundation ở Mercer Island, Washington (Mỹ), tin rằng có một lượng nhỏ mầm bệnh còn sót lại mà hệ miễn dịch không thể chạm tới. Chúng nằm ở những khu vực hốc ngách xa trong cơ thể, còn gọi là nơi khu trú hoặc khu vực bảo tồn giải phẫu học, và ít nhất đó cũng là một phần nguyên nhân gây ra hàng loạt triệu chứng hậu nhiễm bệnh.
"Chìa khóa để nhận biết người mắc hội chứng Long Covid là các triệu chứng mới phát triển, bắt đầu khoảng 30 ngày sau khi F0 nhiễm virus. Mọi người khó mô tả rõ những triệu chứng đó nhưng họ rõ ràng nhận thấy sự thay đổi so với trước đây".
- TS Nasia Safdar, Đại học Wisconsin, Mỹ -
"Có rất nhiều nghiên cứu không được cộng đồng y khoa chú ý, cho thấy những cơ quan nội tạng bị nhiễm bệnh vẫn còn mầm bệnh trong nội tạng, và tiếp tục gây ra tiến triển bệnh. Một số virus cực kỳ hướng thần kinh, nghĩa là chúng có thể chui sâu vào các dây thần kinh, khu trú ở đó, và có bằng chứng cho thấy Sars-CoV-2 có khả năng này," bà Amy Proal giải thích.
Georgios Pollakis, nhà nghiên cứu vi sinh từ Đại học Liverpoopl, đã làm việc với nhiều bệnh viện khắp Tây Phi với mục đích theo dõi các ca bệnh Ebola kéo dài, cho biết ông đã phát hiện vật liệu gene của virus trong các vị trí ẩn trong cơ thể, từ mắt đến hạch bạch huyết, và thậm chí trong chất dịch cơ thể như sữa mẹ và tinh dịch. Pollakis tin rằng triệu chứng của cả hậu Ebola và hậu Covid xảy ra vì cơ thể không hoàn toàn tẩy sạch được virus. Thay vào đó, các chất liệu gene còn sót lại của virus vẫn ẩn ở nơi khu trú, có thể gây viêm nhiễm nội tại ở khu vực đó. Qua thời gian virus trở lại mạch máu, kích thích phản ứng miễn dịch cùng với nhiều triệu chứng khác.
Ông chỉ ra rằng Sars-CoV-2 cho thấy có khả năng lây nhiễm đến hàng loạt các cơ quan trong cơ thể, từ não đến tinh hoàn. "Với Covid-19, người ta có thể tìm thấy virus trong tinh dịch sau thời gian dài," ông giải thích. "Vì vậy chúng tôi nghi ngờ, nó có thể nằm trong những khu vực ưu tiên miễn dịch này".
CUỘC ĐUA TÌM GIẢI PHÁP
Sự phức tạp của hậu Covid, với nhiều triệu chứng và các khả năng gây ra tình trạng như trên, đã gây ra thách thức lớn với y bác sĩ khi họ cố gắng tìm cách điều trị cho bệnh nhân. Hiện các nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu đang thảo luận với các nhà nghiên cứu để giải quyết căn bệnh này. Có 3 công ty GlaxoSmithKline (Anh), Vir Biotechnology và Humanigen xác nhận rằng họ đã trao đổi với các nhà nghiên cứu về việc thử nghiệm các phương pháp chống lại Covid-19 kéo dài.
Một thử nghiệm lớn do Anh tài trợ được Đại học University College, London dẫn đầu, thử nghiệm 4 loại thuốc cho 4.500 bệnh nhân Covid-19 kéo dài. Kết quả cho thấy cả 4 loại thuốc này có thể hiệu quả đối với tình trạng viêm và cục máu đông trong chứng Covid-19 kéo dài.
Công ty Axcella Therapeutics có trụ sở tại Mỹ đang làm việc với Đại học Oxford (Anh) về một loại thuốc sẽ khôi phục lại chức năng bình thường của ty thể - nhà máy sản xuất năng lượng của tế bào. Ty thể hoạt động kém có thể là lý do gây ra tình trạng mệt mỏi kéo dài mà nhiều bệnh nhân gặp phải.
Tại Seattle (Mỹ), các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington và Trung tâm Nghiên cứu về Covid-19 Fred Hutchinson (Mỹ) đang thử nghiệm liệu pháp Resolve Therapeutics - nhắm vào tình trạng mệt mỏi ở những bệnh nhân Covid-19 kéo dài. Còn công ty công nghệ sinh học của Mỹ PureTech Health đang thử nghiệm phương pháp điều trị xơ phổi nhằm ngăn ngừa sẹo phổi lâu dài do Covid-19, theo Reuters.
Hơn chục nhà khoa học đã xác nhận với Reuters rằng có gần 20 thử nghiệm lâm sàng đang tiến hành thử nghiệm thuốc, một số đã xong giai đoạn đầu. Hy vọng rằng hàng triệu đô la đổ vào các quỹ nghiên cứu sẽ đem lại một số khả năng điều trị khả thi, nếu không hậu Covid sẽ để lại hệ quả kinh tế xã hội không thể nào bù đắp được.