Nghiên cứu bao gồm nhiều bệnh nhân Covid-19 chưa rõ về nguy cơ cao mắc các vấn đề hô hấp kéo dài. Theo đó, trong 100 bệnh nhân mắc Covid-19, có 67% không nhập viện. Chỉ một số người có tiền sử bệnh phổi, bao gồm cả hen suyễn và khí phế thũng. 3/4 người chưa bao giờ hút thuốc lá và 2% là những người hiện đang hút thuốc. Tất cả đều phải chịu các triệu chứng như khó thở, ho và mệt mỏi trong hơn 30 ngày sau khi được chẩn đoán mắc Covid-19.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành chụp cắt lớp CT cho từng bệnh nhân. Tại thời điểm đó, một nửa số bệnh nhân đã trải qua 75 ngày sau chẩn đoán nhiễm virus và một số người đã trải qua hơn 6 tháng. Kết quả, 58% người có dấu hiệu bị tắc nghẽn khí trong phổi, trong đó 57% bệnh nhân đã điều trị Covid-19 tại nhà.
Tiến sĩ Alejandro Comellas, nhà nghiên cứu cấp cao, thuộc Đại học Y khoa Iowa Carver (Mỹ) cho biết: “Không phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng khi nhiễm virus SARS-CoV-2, đường hô hấp của người bệnh tiếp tục bị ảnh hưởng nhiều tháng sau đó. Họ có dấu hiệu bị “tắc nghẽn khí” trong phổi – tình trạng một người có thể hít vào hoàn toàn mà không gặp vấn đề gì, nhưng không khí bị giữ lại một cách bất thường khi thở ra”.
Cả bệnh nhân nhập viện và không nhập viện đều có lượng mô phổi bị ảnh hưởng bởi tình trạng tắc nghẽn khí tương tự nhau. Trái lại, khi đánh giá chức năng phổi bằng đo phế dung, kết quả cho thấy không có sự khác biệt với nhóm 106 người trưởng thành khỏe mạnh (được sử dụng để so sánh trong nghiên cứu). TS. Comellas cho biết: "Nếu chỉ làm các test đánh giá chức năng phổi thông thường, chúng ta sẽ nghĩ rằng phổi dường như hoàn toàn bình thường".
Theo các chuyên gia, thông thường, tình trạng tắc nghẽn khí xảy ra trong các bệnh lý hô hấp như bệnh hen, khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính. Tiến sĩ Cedric Jamie Rutland, chuyên gia về về phổi thuộc Hiệp hội Phổi Mỹ, người không thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết, tắc nghẽn khí thường là dấu hiệu của tình trạng viêm tiểu phế quản.
Đặc biệt, tiến sĩ Comellas cũng cho biết, vẫn chưa rõ liệu những bất thường về đường hô hấp được thấy trong nghiên cứu này sẽ kết thúc hay đó là sự khởi phát của tình trạng bệnh lý mạn tính. Comellas cho rằng có thể cả hai suy đoán trên đều đúng, cụ thể: một số bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn, trong khi ở một số bệnh nhân khác sẽ tiến triển thành bệnh mạn tính.
Theo nhiều báo cáo từ châu Á sang châu Âu thì tỉ lệ bệnh nhân có hình ảnh tổn thương (giai đoạn sớm) trên CT scan khoảng 70 - 80% bệnh nhân viêm phổi trung bình và 100% bệnh nhân ARDS ở tại thời điểm xuất viện (khoảng 4 tuần sau khởi phát). Nhưng tình trạng trên sẽ giảm dần theo thời gian. Sau 3 tháng, hình ảnh tổn thương phổi trên CT scan còn khoảng 50% bệnh nhân viêm phổi trung bình và 70% bệnh nhân nặng. Sau 6 tháng, tỉ lệ này là khoảng 30%.
Chưa có những báo cáo theo dõi bệnh nhân lâu hơn 6 tháng được ghi nhận. Dựa trên kinh nghiệm của tổn thương phổi và tiểu phế quản sau SARS và MERS thì hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục sau 24 - 36 tháng. Tuy nhiên vẫn còn khoảng 20% bệnh nhân xơ phổi tiến triển nặng hơn sau 5 - 10 năm, tỉ lệ này là 2-6% ở bệnh nhân viêm phổi mức độ trung bình (giai đoạn cấp). Khi đó, các bệnh lý liên quan đến phổi hậu Covid-19 thực sự là một gánh nặng cho bệnh nhân cũng như cho hệ thống y tế: giảm chất lượng cuộc sống, tăng nguy cơ nhập viện, giảm tuổi thọ và tăng chi phí điều trị đáng kể.
Do đó, các nhà khoa học cho rằng những bệnh nhân Covid-19 có các triệu chứng về đường hô hấp kéo dài nên được chụp cắt lớp CT để tìm ra các bất thường ở tiểu phế quản và khuyến nghị những bệnh nhân gặp vấn đề về hô hấp sau mắc Covid-19 nên sớm đi khám kiểm tra sức khỏe.
Những bệnh nhân này sẽ được khám và hỏi bệnh sử cẩn thận, làm các bài test vận động. Sau đó, bệnh nhân sẽ được thực hiện các cận lâm sàng cần thiết tùy từng trường hợp cụ thể. Những cận lâm sàng có thể được đề nghị gồm: chụp CT scan ngực với độ phân giải cao, đo chức năng hô hấp: thăm dò thể tích phổi và độ khuếch tán khí của phổi, xét nghiệm máu, một số trường hợp có thể phải sinh thiết phổi để chẩn đoán.