Bộ Y tế Việt Nam cho biết, hiện nay, bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu được dự báo vẫn diễn biến khó lường. Covid-19 hiện vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát với các biến thể mới, nhất là khi các quốc gia thực hiện chính sách mở cửa để phát triển kinh tế - xã hội, giao thương, du lịch.
Trong khi đó, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tiếp tục xuất hiện và lây lan như: bệnh Marburg tại khu vực châu Phi; cúm A (H5N1)... Các tác nhân gây bệnh, chủng virus cúm liên tục biến đổi làm giảm khả năng bảo vệ của vaccine, tiềm ẩn nguy cơ đại dịch. Trong nước, dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao. Một số bệnh truyền nhiễm lưu hành như: tay chân miệng, sốt xuất huyết..., bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vaccine cũng có nguy cơ gia tăng số mắc.
Nói về virus Marburg tại Guinea Xích Đạo (Tây Phi) mà WHO hiện đang khuyến cáo, TS.BS Phùng Mạnh Thắng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết virus Marburg là một loại RNA virus thuộc họ Filovirus, gây bệnh sốt xuất huyết tương tự như Ebola. Đây là loại virus không mới, được ghi nhận lần đầu vào năm 1967, khi dịch sốt xuất huyết bùng phát đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt (Đức) cũng như ở Belgrade, Nam Tư (nay là Serbia).
"Loại virus này không mới nhưng tỷ lệ tử vong cao, rất nguy hiểm. Khi mới nhiễm có thể bị sốt, mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu, từ ngày thứ 5 có thể nôn ói, xuất huyết, suy đa tạng. Tỷ lệ tử vong có thể lên đến 80%. Tuy nhiên điều may mắn khả năng lây truyền thấp, lây qua giọt bắn và tiếp xúc, không lây qua không khí nên mức độ lây lan chậm hơn SARS-CoV-2", bác sĩ Thắng chia sẻ.
Ngày 24/3 vừa qua, giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Phi, ông Matshidiso Moeti, cho biết hiện virus Marburg đã lan truyền ở ba khu vực khác nhau trong phạm vi hơn 160 km, cho thấy khả năng lây truyền của virus rộng lớn hơn. Quốc gia mới nhất ghi nhận ca nhiễm virus Marburg là Tanzania. Trước đó, 9 người ở Guinea Xích đạo tử vong vì virus này. Cameroon phát hiện 2 trường hợp nghi mắc.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Marburg thường được truyền sang người từ dơi ăn quả thông qua nhiều cơ chế. Nhiễm virus Marburg có thể xảy ra ở người sau khi tiếp xúc lâu với môi trường có dơi ăn quả châu Phi sinh sống, chẳng hạn như mỏ hoặc hang động; tiếp xúc gần gũi với động vật bị nhiễm bệnh; tiếp xúc với chất dịch cơ thể của động vật bị nhiễm bệnh; thông qua các sản phẩm thực phẩm bị ô nhiễm. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, đã được WHO ghi nhận là lên đến 88% trong các đợt bùng phát trước.
Sự lây lan từ người sang người của virus Marburg là vấn đề đáng lo ngại nhất. Người bị nhiễm bệnh có thể lây lan virus sang người khác thông qua trao đổi máu hoặc chất dịch cơ thể (ví dụ: giọt bắn từ đường hô hấp, nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, tinh dịch, phân, chất nôn và sữa mẹ) qua da hoặc màng nhầy. Marburg cũng có thể lây lan giữa người với người thông qua các đồ vật bị nhiễm chất dịch cơ thể, chẳng hạn như quần áo, giường ngủ và đồ dùng.
Triệu chứng đặc trưng của bệnh là sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau họng, suy nhược và đau cơ, tiêu chảy có máu hoặc không có máu, đau bụng, buồn nôn và nôn, phát ban. Nhiều người có thể phát triển các dấu hiệu và triệu chứng xuất huyết nghiêm trọng từ 5 đến 7 ngày sau khi phát bệnh, chẳng hạn như bầm tím và chảy máu từ mắt, tai, mũi, miệng hoặc trực tràng.
Theo thời gian, các dấu hiệu và triệu chứng có thể ngày càng nghiêm trọng và người bệnh có thể tử vong 8 đến 9 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng, điển hình là do mất máu nghiêm trọng. Những người sống sót sau nhiễm Marburg thường phục hồi chậm vì virus thường tồn tại trong cơ thể trong vài tuần. Các cá nhân có thể gặp các dấu hiệu và triệu chứng lâu dài, chẳng hạn như rụng tóc, viêm gan, suy nhược, mệt mỏi, đau đầu, viêm mắt và tinh hoàn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu, Marburg không lây nhiễm trong thời gian ủ bệnh. Đáng lo ngại là bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao nhưng trong giai đoạn đầu lại rất khó phân biệt với nhiều bệnh sốt nhiệt đới khác do các triệu chứng lâm sàng giống nhau. Các bệnh sốt xuất huyết do virus khác cần được loại trừ sẽ bao gồm: bệnh do virus Ebola, bệnh sốt rét, sốt thương hàn, bệnh leptospirosis, nhiễm trùng do rickettsia và bệnh dịch hạch. Giống Ebola, Marburg có thể gây ra chứng sốt xuất huyết do virus rất nghiêm trọng, cản trở khả năng đông máu.
WHO cho biết, hiện tại vẫn chưa có vaccine để dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu virus Marburg. Khi điều trị, đa phần người bệnh chỉ được hỗ trợ nâng đỡ, bù chất lỏng qua đường uống hoặc truyền tĩnh mạch. Đồng thời, truyền máu khi có biểu hiện xuất huyết và thực hiện các phương pháp can thiệp y tế cho từng triệu chứng cụ thể để cải thiện khả năng sống sót.
Về phòng tránh virus Marburg, tốt nhất là tránh tiếp xúc với các loài động vật hoang dã có khả năng nguy cơ mang mầm bệnh, đặc biệt là dơi ăn quả. Không ăn thịt động vật hoang dã, nhất là uống máu hoặc ăn thịt sống. Nên hạn chế (nếu có thể) hoặc sử dụng các biện pháp phòng tránh (đeo khẩu trang, giữ khoảng cách…) với những người bị nghi ngờ mắc bệnh, người đi từ các nước Tây Phi về.
Ngoài ra, hãy nâng cao vệ sinh cá nhân và môi trường sống, chủ động ăn uống và tập luyện để tăng cường miễn dịch. Nếu có các triệu chứng bất thường thì đừng nên tự xử lý mà cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ngày 20/3, Bộ Y tế Việt Nam cũng đã yêu cầu giám sát 21 ngày với người nhập cảnh từ các nước châu Phi đang có dịch Marburg, do bệnh có khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao. "Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong 50 - 88%", Bộ Y tế cảnh báo thêm rằng bệnh có nguy cơ xâm nhập Việt Nam. Các chuyên gia khuyến cáo các bệnh viện cần có biện pháp phát hiện sớm các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam thông qua khai thác tiền sử dịch tễ và triệu chứng lâm sàng. Trường hợp phát hiện ca nhiễm, ngay lập tức tiến hành cách ly người bệnh.