April 19, 2024 | 07:33 GMT+7

Vn-Index bốc hơi 6,5% trong ba phiên đầu tuần, "cá mập" Pyn Elite khen thị trường quá hấp dẫn

Kiều Trang -

Triển vọng tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm nay là tuyệt vời. Thị trường chứng khoán đang được định giá rất hấp dẫn so với tăng trưởng lợi nhuận...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vn-Index đã có hai nhịp rơi mạnh từ đầu tuần, chỉ số giảm 6,5% chính thức bục mốc 1.200 về vùng giá 1.193 điểm. Nhận định về xu hướng của thị trường, "cá mập" Pyn Elite Fund cho rằng kỳ vọng về việc giảm lãi suất tại Hoa Kỳ đã gặp trở ngại gần đây, và dự báo về lãi suất đã được điều chỉnh.

Đồng USD đã bất ngờ tăng mạnh so với các đồng tiền chính khác. Đồng Euro không thể tăng mạnh mặc dù chênh lệch lãi suất giữa đô la và Euro đã thu hẹp đáng kể trong 12 tháng qua. Ngoài ra, tại Hoa Kỳ, thâm hụt ngân sách lớn khoảng 7% so với GDP, và thâm hụt tài khoản vãng lai cũng âm khoảng 3% so với tổng sản phẩm quốc gia.

Sự tăng giá của đồng USD đã có tác động tiêu cực đến các đồng tiền khác của các nước đang phát triển ở châu Á, và đồng Euro đã suy yếu. Đồng Việt Nam cũng mất giá và những suy đoán về chính trị ở Việt Nam đã kích hoạt một đợt bán tháo mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán trong những phiên giao dịch đầu tuần.

"Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm nay là tuyệt vời. Thị trường chứng khoán đang được định giá rất hấp dẫn so với tăng trưởng lợi nhuận. Lãi suất của Việt Nam đã giảm và tình hình thanh khoản của ngân hàng thuận lợi. Những biến động lớn trên thị trường chứng khoán diễn ra không mong muốn, nhưng không làm thay đổi kỳ vọng của chúng tôi về sự phát triển tích cực của chỉ số Việt Nam. Từ đầu năm, chỉ số VN đã tăng 7,7%", Pyn Elite Fund nhận định.

Báo cáo hiệu suất đầu tư tháng 3, quỹ Pyn Elite Fund cho biết, VN-Index đã tăng 2,5% trong tháng 3, do các cổ phiếu blue-chip dẫn đầu. PYN Elite vượt trội hơn với mức tăng 2,6%, mặc dù đồng Việt Nam đã giảm 2,1% so với đô la Mỹ. Lũy kế từ đầu năm đến nay, quỹ này đã tăng 15,34% đây là mức tăng vượt trội sau hai năm khó khăn.

Top 10 danh mục của quỹ gồm trong đó có đến 6 cổ phiếu ngân hàng gồm STB, HDB, MBB, CTG, TPB và OCD. Trong đó STB chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong danh mục 14,6%; tiếp theo là HDB 10,2%; MBB 9,6%; CTG 9,4%; TPB 6,2%; OCB 3,1%. Ngoài ra các cổ phiếu còn lại gồm ACV, SHS, VHC, và DNSE.

Trong đó, top cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất trong danh mục lại là VCI với mức tăng 18%; SHS 13.6%; Sao Mai với 12,5%; ngược lại những cổ phiếu giảm mạnh nhất lại là OCB 1,3%; SAB giảm 3,1% và TPB giảm 3,8%.

Pyn Elite Fund cũng điểm lại một số sự kiện đáng chú ý như, tỷ lệ tiền gửi trung bình của Việt Nam tiếp tục thấp, ở mức thấp nhất trong 20 năm qua, tạo ra nhiều áp lực lên tỷ giá hối đoái.

Một trong những công ty môi giới lớn nhất tại Việt Nam (VnDirect) đã trở thành nạn nhân của một cuộc tấn công mạng. Quá trình khôi phục hệ thống đang được tiến hành và hiện nay chưa có báo cáo về thiệt hại đối với tài sản của khách hàng.

Ông Petri Deryng, người đứng đầu của quỹ đã đánh giá năm nay, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trở lại sau khi thị trường tiền tệ của đất nước đã trở lại bình thường từ mùa thu năm ngoái. Dự đoán của quỹ về tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam là 25% so với năm trước.

Trong năm 2023, cổ phiếu của các công ty nhỏ và vừa tại Việt Nam đã có thành tích tốt hơn so với cổ phiếu của các công ty lớn, nhưng từ đầu năm đã xảy ra sự thay đổi. Ngành ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong chỉ số VN-Index khi chiếm tới 39% trọng số (trong PYN Elite, ngành ngân hàng chiếm 52%). Quỹ đã nhận thấy sự biến động mạnh mẽ của cổ phiếu ngân hàng vào tháng 1. Trong năm nay, ngành ngân hàng có thể đóng vai trò lớn trong việc đưa chỉ số chứng khoán lên các mức cao mới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate