October 24, 2022 | 12:26 GMT+7

VN-Index “bục” 1.000 điểm, hơn 90 mã giảm sàn

Kim Phong -

Thị trường trong nước tiếp tục “vô cảm” với diễn biến tích cực từ thế giới, ngay sáng đầu tuần VN-Index đã bốc hơi tiếp 23,37 điểm tương đương 2,29%, rơi qua ngưỡng tâm lý 1.000 điểm, còn 996,45 điểm. Sức ép bán tháo xuất hiện trên khắp các sàn, khiến 91 cổ phiếu giảm hết biên độ trên 3 sàn và hàng trăm mã khác giảm sâu...

Trong nhóm vốn hóa lớn tới trung bình, chỉ lác đác vài mã tăng và cũng không có tác dụng nhiều với chỉ số.
Trong nhóm vốn hóa lớn tới trung bình, chỉ lác đác vài mã tăng và cũng không có tác dụng nhiều với chỉ số.

Thị trường trong nước tiếp tục “vô cảm” với diễn biến tích cực từ thế giới, ngay sáng đầu tuần VN-Index đã bốc hơi tiếp 23,37 điểm tương đương 2,29%, rơi qua ngưỡng tâm lý 1.000 điểm, còn 996,45 điểm. Sức ép bán tháo xuất hiện trên khắp các sàn, khiến 91 cổ phiếu giảm hết biên độ trên 3 sàn và hàng trăm mã khác giảm sâu.

Đà giảm chưa mạnh ngay, nhưng thị trường lịm dần dần và càng về cuối càng tệ. Thêm nữa là độ rộng, không có dấu vết nào của sự kháng cự từ phía mua. Ngay 30 phút đầu phiên số mã giảm đã tăng vọt, đến khoảng 10h số mã giảm đã gấp 5 lần số tăng. Kết phiên VN-Index còn 52 mã tăng/382 mã giảm, tức là giảm gấp hơn 7 lần tăng. HoSE chứng kiến 51 mã giảm hết biên độ, ngoài ra là 162 mã giảm từ 2% trở lên.

Thanh khoản hai sàn niêm yết sụt giảm 27% so với sáng phiên cuối tuần trước, đạt 4.473 tỷ đồng. Điều này cho thấy lực cầu đã hoàn toàn vắng bóng. Trong Top 20 cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường, chỉ có 4 mã tăng, còn lại toàn giảm, với 12 mã giảm từ 4%-6% giá trị.

Sức ép lớn nhất đến từ các blue-chips vốn hóa hàng đầu, bao gồm nhóm bất động sản, ngân hàng và bán lẻ. VHM giảm 3,65%, VCB giảm 1,62%, BID giảm 3,07%, MWG giảm 5,88%, TCB giảm 5,68%, MSN giảm 3,74%, NVL giảm 2,67%.

VN30-Index kết phiên sáng giảm 2,7% với 2 mã tăng/28 mã giảm. VIC bật lên vài phút cuối là yếu tố hỗ trợ mong manh cho chỉ số, nhưng tốt còn hơn không. VIC từ đáy 53.200 đồng hồi lên 56.000 đồng, tức là từ mức giảm 6,34% còn giảm 1,41%. Đáng tiếc VN-Index trong 10 phút cuối VIC hồi lên lại giảm thêm khoảng 2 điểm, VN30-Index giảm thêm gần 3 điểm. Điều đó đồng nghĩa với rất nhiều cổ phiếu khác đã giảm mạnh hơn, triệt tiêu hết mức hồi của VIC.

VN-Index lao dốc càng lúc càng mạnh.
VN-Index lao dốc càng lúc càng mạnh.

Nhà đầu tư nước ngoài không tạo nhiều áp lực bán ra sáng nay, tổng giá trị xả trên HoSE chỉ có 294,7 tỷ tỷ đồng, tương đương khoảng 6% tổng giao dịch. Mức mua vào đạt 394,4 tỷ đồng, tương ứng mua ròng 99,6 tỷ. Thực tế cũng không có cổ phiếu nào được giao dịch nổi bật. Phía mua có FRT +24,34 tỷ ròng, DGC +14,4 tỷ, VNM +13 tỷ là nhiều nhất. Phía bán có VND -20,6 tỷ, VIC -15 tỷ cũng là số ít nổi bật.

Thị trường hiện hoàn toàn bị rối loạn bởi áp lực tháo chạy từ nhà đầu tư trong nước. Thực tế các mã giao dịch nhiều nhất sáng nay như HPG, STB, VND, SSI... toàn là các nhà đầu tư trong nước bán ra. HPG giảm 2,07%, STB giảm 6,27%, VND giảm 6,82%, SSI giảm 4,01%...

Xét theo nhóm ngành, các mã tài chính và bất động sản giảm rất mạnh: Chỉ số VNFIN ở HoSE giảm 3,08%, VNREAL giảm 3,43%. Theo vốn hóa, nhóm Smallcap bốc hơi 3,2% giá trị, Midcap giảm 3,22% cũng mạnh hơn VN30-Index và VN-Index. Đặc biệt nhóm bất động sản VNREAL có tới 12 mã giảm sàn.

VN-Index kết phiên sáng đã xuống thấp hơn mức thấp nhất của phiên ngày 11/10 vừa qua, nói cách khác là đã thủng đáy kỹ thuật. Tuy vậy thị trường vẫn còn phiên chiều đã “lật ngược tình thế”. Vấn đề nằm ở chỗ phải cần lực cầu mạnh hơn mới có thể đảo chiều được số lớn cổ phiếu đang giảm rất sâu.

Một cơ hội khác là kéo giá các cổ phiếu vốn hóa lớn để VN-Index có thể trụ lại được mốc 1.000 điểm. VIC nảy lên tới gần 5,3% chỉ trong vài phút cuối phiên chủ yếu là nhờ thanh khoản rất thấp. Hiện VHM, VCB, TCB, BID cũng có dư bán khá mỏng. Dù vậy, yếu tố kéo giá kỹ thuật đối với các mã trụ có thể hỗ trợ chỉ số, nhưng việc thị trường nhìn nhận diễn biến đó như thế nào lại là câu chuyện khác. Chỉ khi đà phục hồi có sức lan tỏa rộng và thay đổi số mã giảm giá thì mới có tính thuyết phục.

Hiện nhóm ngược dòng có vài mã vốn hóa khá cao như GAS tăng 0,56%, SAB tăng 3,37% nhưng khả năng nâng đỡ vẫn hạn chế. Số ít mã tăng như DCM, DPM, FRT, DGC, NT2, HAG chỉ là những đốm sáng riêng lẻ và thanh khoản cũng không mấy ấn tượng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate