January 06, 2025 | 23:25 GMT+7

VN-Index có thể tiếp tục đà giảm về vùng hỗ trợ 1.238 điểm

Hà Anh -

VN-Index một lần nữa mất lực đỡ và xuất hiện hoạt động phân phối mạnh về cuối phiên khi kiểm định đường MA200 ngày không thành công.

Theo VCSC, áp lực bán không có dấu hiệu suy giảm dù VN-Index đã vi phạm hỗ trợ 1.250 điểm cho thấy khả năng tiếp tục điều chỉnh về vùng giá thấp (1.235-1.240 điểm) trong phiên ngày mai.
Theo VCSC, áp lực bán không có dấu hiệu suy giảm dù VN-Index đã vi phạm hỗ trợ 1.250 điểm cho thấy khả năng tiếp tục điều chỉnh về vùng giá thấp (1.235-1.240 điểm) trong phiên ngày mai.

VnEconomy giới thiệu nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường ngày 07/01/2025.

Kết phiên ngày 6/1, áp lực bán lớn đột ngột xuất hiện từ cuối phiên chiều khiến kết phiên thị trường giảm 8,24 điểm, tương đương 0,66% xuống mốc 1.246,35 điểm. Cùng chiều, Hnx-Index giảm 2,71 điểm, tương đương 1,2% xuống 222,95 điểm.

Trong tuần này, VN-Index sẽ cần bảo toàn được vùng hỗ trợ quanh đường MA50

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC)

“Rủi ro cần lưu ý trong giai đoạn này là việc chỉ số DXY neo cao có thể khiến tỷ giá trong nước tiếp tục chịu áp và khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trở lại trong giai đoạn đầu năm mới.

Trong tuần này, VN-Index sẽ cần bảo toàn được vùng hỗ trợ quanh đường MA50, đồng thời sớm thiết lập lại dao động giá bên trên đường MA200 để giúp chỉ số tiếp tục duy trì xu hướng chuyển động tăng giá trong kênh sideway trung hạn.

Nhà đầu tư tiếp tục duy trì trạng thái nắm giữ cổ phiếu những lưu ý quản trị rủi ro cho các vị thế ngắn hạn trong danh mục nếu VN-Index giảm xuống dưới các vùng hỗ trợ 1.235-1.240 điểm và quanh 1.250 điểm.

Đối với các hoạt động trading tuần này, nhà đầu tư có thể xem xét mở vị thế nếu VN-Index vượt lên trở lại đường MA200 hoặc giảm về vùng hỗ trợ 1.235-1.240 điểm”.

Trong ngắn hạn thị trường sẽ tiếp tục đi trong biên hẹp

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC)

"Áp lực bán từ giữa phiên chiều khiến VN-Index giảm một mạch xuống mức 1,244.87 điểm. Kết phiên, chỉ số đóng cửa tại 1,246.35 điểm, giảm hơn 8 điểm so với phiên giao dịch trước. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực khi chỉ 2/18 ngành tăng điểm. Trong đó, CNTT và Ngân hàng là 2 ngành ghi nhận mức tăng nhẹ trong phiên hôm nay.

Ở chiều ngược lại, Truyền thông và Bảo hiểm là 2 ngành có mức giảm mạnh nhất. Về giao dịch khối ngoại, hôm nay khối này mua ròng trên cả 2 sàn HSX và HNX. Trong ngắn hạn thị trường sẽ tiếp tục đi trong biên hẹp và vùng 1.240 điểm sẽ trở thành vùng hỗ trợ cho đà quay trở lại của VN-Index”.

VN-Index có thể tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh kiểm tra lại vùng giá 1.200 điểm - 1.220 điểm

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội - SHS)

"Xu hướng ngắn hạn VN-Index sau khi không giữ được đường giá trung bình 200 phiên, đã trở nên tiêu cực hơn, chuyển sang xu hướng điều chỉnh, có thể tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh kiểm tra lại vùng giá 1.200 điểm - 1.220 điểm, hỗ trợ gần nhất quanh 1.240 điểm, kháng cự 1.255-1260 điểm. Xu hướng trung hạn tích lũy kém tích cực ở nữa dưới kênh rộng trong vùng 1200 điểm đến 1300 điểm, với vùng giá cân bằng quanh 1.250 điểm.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 4/2024 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, duy trì xu hướng quý sau cao hơn quý trước (quý 1 tăng 5,98%, quý 2 tăng 7,25%, quý 3 tăng 7,43%). Trong cả năm 2024, GDP của Việt Nam ước tính tăng 7,09% so với năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024. Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 11,511.9 nghìn tỷ đồng, tương đương 460 tỷ USD. Vốn hóa toàn thị trường khoảng 283 tỷ USD, khoảng 62% GDP 2024, tương đối hấp dẫn so với qui mô nền kinh tế, với tăng trưởng GDP năm 2025 kế hoạch tăng 8%.

Nhà đầu tư duy trì tỉ trọng hợp lý. Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá thị trường trên các yếu tố vĩ mô, thị trường, ngành, doanh nghiệp trong năm 2024 và triển vọng năm 2025 trong những báo cáo tiếp theo. Quý nhà đầu tư có thể tham khảo các mã cổ phiếu trong danh mục khuyến nghị đính kèm để có lựa chọn phù hợp".

VN-Index tạm thời quay lại trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

(Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam - KBSV)

“VN-Index một lần nữa mất lực đỡ và xuất hiện hoạt động phân phối mạnh về cuối phiên khi kiểm định đường MA200 ngày không thành công. Nhìn chung, chỉ số đang có xu hướng test lại vùng xác lập lại xu hướng tăng vào phiên giao dịch cuối tháng 11 nên chưa quá đáng lo ngại. Nhưng nếu trong trường hợp VN-Index tiếp tục xuyên thủng vùng hỗ trợ này thì sẽ cho tín hiệu phủ nhận xu hướng tăng và tạm thời quay lại trạng thái đi ngang trong ngắn hạn”.

VN-Index có thể tiếp tục đà giảm về vùng hỗ trợ 1.238 điểm

(Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – YSVN)

“Chúng tôi cho rằng chỉ số VN-Index có thể tiếp tục đà giảm về vùng hỗ trợ 1.238 điểm và có thể thu hẹp đà giảm về cuối phiên. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn tiếp tục gia tăng cho thấy đà giảm có thể sẽ tiếp tục trong những phiên tới và các nhà đầu tư cần hạn chế mua vào thời điểm này, nhưng thị trường đang giảm vào vùng quá bán cho nên thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm mạnh cho thấy các nhà đầu tư đang tỏ ra bi quan với diễn biến thị trường hiện tại.

Chiến lược ngắn hạn (dưới 1 tháng): Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung bị hạ từ mức trung tính xuống giảm. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tiếp tục hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức 40-50% danh mục”.

Áp lực bán vẫn còn có thể tiếp diễn trong những phiên tới

(Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - VCBS)

“VN-Index tiếp tục đà điều chỉnh khi giảm thêm 8.24 điểm với số mã đỏ áp đảo lên tới 318 cổ phiếu.

Ở khung đồ thị giờ, chỉ báo RSI quay trở lại ngưỡng thấp dưới vùng quá bán tại 26.2, cùng chỉ báo MACD xuống sâu dưới ngưỡng 0, cho thấy chỉ số chung vẫn chưa hình thành đáy ngắn hạn và áp lực bán vẫn còn có thể tiếp diễn trong những phiên tới trước khi tìm được điểm cân bằng cung cầu rõ ràng hơn.

Ở khung đồ thị ngày, VN-Index tạo cây nến đỏ giảm điểm với thanh khoản dâng cao hơn về cuối phiên, cho thấy lực cung bán tháo bắt đầu mạnh hơn trên thị trường càng về cuối phiên, đưa chỉ số về xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ MA200. Chỉ số RSI hướng xuống và MACD tạo phân kỳ âm, cùng chỉ số CMF = -0.14 cho thấy dấu hiệu dòng tiền tiếp tục rời khỏi thị trường.

Chỉ số VN-Index đã đánh mất ngưỡng hỗ trợ MA200 quan trọng với thanh khoản lớn cho thấy lực cung chưa có dấu hiệu dừng lại, nhà đầu tư cần thận trọng trong việc giải ngân vào thị trường và chú ý các mốc chặn lãi/ cắt lỗ để quản trị rủi ro cho tài khoản, trước khi thị trường tìm được điểm cân bằng cung cầu rõ ràng hơn”.

Khả năng VN-Index tiếp tục điều chỉnh về 1.235-1.240 điểm trong phiên ngày mai

(Công ty Cổ phần Chứng khoán VietCap - VCSC)

“Áp lực bán không có dấu hiệu suy giảm dù VN-Index đã vi phạm hỗ trợ 1.250 điểm cho thấy khả năng tiếp tục điều chỉnh về vùng giá thấp (1.235-1.240 điểm) trong phiên ngày mai. Tuy nhiên, áp lực bán giảm trên phân khúc vốn hóa lớn (chỉ số VN30) so với phiên 03/01 sẽ tạo điều kiện cho hoạt động mua giá thấp trở lại quanh hỗ trợ và hình thành các nhịp hồi kỹ thuật. Mặc dù vậy, các vị thế mở mới nên chờ tín hiệu đột biến từ lực cầu kèm giá đóng cửa trở lại trên kháng cự 1.250 điểm”

Kỳ vọng vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.238 - 1.240 sẽ giúp VN-Index tạm cân bằng

(Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI – SSI)

“VN-Index đóng cửa tại 1.246,35 điểm, giảm -8,24 điểm (-0,66%). KLGD tăng nhẹ lên 519 triệu đơn vị.

VN-Index nối dài nhịp điều chỉnh từ vùng 1.277. Các chỉ báo kỹ thuật RSI và ADX duy trì trung tính. Kỳ vọng vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.238 - 1.240 sẽ giúp chỉ số tạm cân bằng”.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được VnEconomy trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate