Trong báo cáo cập nhật triển vọng thị trường chứng khoán tháng 8, Chứng khoán ABS nhấn mạnh bất chấp những tình hình bất ổn trên thế giới, các số liệu vĩ mô Việt Nam vẫn cho thấy những dấu hiệu tích cực.
PMI duy trì được mức mở rộng kỷ lục 54,7 trong 2 tháng liên tiếp cho thấy một tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc của ngành sản xuất. Xuất nhập khẩu và đầu tư FDI tiếp tục tăng trưởng tốt trong khi Đồng đô la Mỹ giảm mạnh đã giúp Việt Nam cởi bỏ được áp lực tỷ giá trong ngắn hạn.
Ngân hàng Nhà nước cũng nhân cơ hội này giảm lãi suất thị trường mở để hỗ trợ hệ thống tài chính, tại thời điểm đầu tháng 8 và cũng đã không còn bán ra USD ồ ạt như trong hai tháng trước.
Số liệu kết quả kinh doanh Qúy 2 của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy đà hồi phục tích cực tiếp diễn từ quý trước. Nhiều nhóm ngành tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ như Bán lẻ, Thép, Chứng khoán, Hóa chất, Cao su... Đáng chú ý, sự tăng trưởng lan tỏa ở nhiều nhóm ngành, đặc biệt là các ngành phi tài chính.
Về mặt định giá, sau khi số liệu kết quả kinh doanh Q2/2024 được công bố, P/E của VN- Index đã giảm từ mức 14,1x cuối tháng 6 xuống 13,8x cuối tháng 7, thấp hơn mức bình quân 14,14x của chỉ số này trong 1 năm qua. P/E kỳ vọng cho cả năm 2024 ở mức thấp hơn do kết quả kinh doanh cả thị trường được dự báo tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 đang có định giá P/E là 12.58x, thấp hơn nhiều so với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong VNMID (16.73x) và VNSML (17.38x).
Từ cuối tháng 7, mặc dù kinh tế vĩ mô của Việt Nam tích cực, các thông tin bất lợi trên thế giới ảnh hưởng khá mạnh đến thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam và dự kiến sẽ còn tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
ABS đưa ra hai kịch bản cho VN-Index. Kịch bản 1: Trong tháng 8, trường hợp các cuộc bạo loạn, xung đột vũ trang được hóa giải, không leo thang xấu hơn, nếu VN-Index giữ được mốc 1166 sẽ hình thành cấu trúc đi ngang tích lũy.
Kịch bản 2: Trường hợp ngược lại, kịch bản giá điều chỉnh xuống trong tháng 8 được ưu tiên. Nếu giá đóng cửa tuần không giữ được mốc 1166 điểm, thị trường chung sẽ tiếp tục điều chỉnh xuống các mốc hỗ trợ 3 của báo cáo phân tích các tháng trước đây tại vùng giá 1140-1080+/-. Các nhịp điều chỉnh có thể diễn ra với cường độ khá nhanh và mạnh. Khi đó P/E TTM của thị trường dự kiến giảm về mức khá hấp dẫn 12,6x - 11,9x.
Về mặt kỹ thuật, tổng quan thị trường đã trải qua 21 tháng hồi phục từ đáy tháng 11/2022 với biên độ tăng giá hơn 400 điểm và với kết cấu của 3 nhịp tăng lớn trên biểu đồ tuần.
Chỉ số thị trường sau 3 tháng liên tiếp không phá qua được vùng đỉnh 1300, đến kết tháng 7 thị trường phát đi tín hiệu tiếp tục suy yếu dần, vị thế giá đóng cửa tuần nằm dưới các đường trung bình trượt MA10/MA20 của biểu đồ tuần. Xem xét yếu tố thời gian 21 tháng mà thị trường đi lên trong các pha gần nhất thì biên độ tăng điểm cạn dần tại vùng kháng cự mạnh 1300 điểm.
Thị trường đã phá qua mốc hỗ trợ 1 tại vùng 1220-1240 điểm của xu hướng tăng ngắn hạn. Lực bán xuống mạnh khi VN-Index đi vào vùng hỗ trợ 1213-1166 xác nhận điều chỉnh trụng hạn, với các sự đồng thuận giá đi xuống kèm theo lượng giao dịch. Tâm lý tiêu cực và sợ hãi đang lan tỏa.
Xu hướng trung hạn: tăng hồi phục đến vùng kháng cự mạnh 1300, phát tín hiệu suy yếu. Đường trung bình trượt MA10 cắt xuống MA20, MACD cắt xuống ở biểu đồ tuần. Xu hướng điều chỉnh trung hạn trên biểu đồ tuần.
Xu hướng ngắn hạn: đang trong quá trình điều chỉnh giảm.
Trên cơ sở đó, ABS cho rằng quản trị rủi ro trung hạn được đặt lên hàng đầu. Việc giao dịch cổ phiếu trong các pha hồi phục kỹ thuật cần được cân nhắc kỹ lưỡng tại vùng hỗ trợ của VN-Index và cổ phiếu cụ thể, khi có tín hiệu cụ thể xác nhận hoàn thành mô hình giá.
Các nhịp giao dịch hồi phục trong pha điều chỉnh trung hạn, nhà đầu tư nên hạ thấp kỳ vọng lợi nhuận và tuân thủ cắt lỗ. Vùng Hỗ trợ 1 và Hỗ trợ 2 là vùng có thể giải ngân đầu tư trung hạn.
Các nhóm ngành quan sát đối với điểm mua trung hạn khi VNI-Index điều chỉnh xong: Ưu tiên doanh nghiệp đầu ngành có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh đều đặn, trong các ngành có tính phòng thủ như: Năng lượng, Y tế, Hàng tiêu dùng thiết yếu, Bán lẻ, Hóa chất...