Việc đếm số cổ phiếu giảm sàn bắt đầu trở nên vô nghĩa. Điều khiến nhà đầu tư đau lòng là cổ phiếu giảm tất cả, không kể doanh nghiệp lời lãi, triển vọng kinh doanh ngất trời, đại hội cổ đông chia cổ tức khủng...
VN-Index hôm nay được cho là sẽ có phiên giao dịch then chốt, khi thử thách ngưỡng hỗ trợ “siêu cứng” 1.200 điểm. Đến khoảng 1h45 chiều thì mốc này bị xuyên thủng. Đóng cửa chỉ số bốc hơi 56,07 điểm tương đương -4,53%, xuống mức 1.182,77 điểm.
Quan hệ nhân - quả của sự kiện VN-Index thủng ngưỡng hỗ trợ mạnh hôm nay là không rõ ràng. Lực bán đã mạnh từ sáng và sang chiều càng mạnh. Cũng có thể nhà đầu tư quá hoảng sợ khi mốc 1.200 điểm bị xuyên thủng và tiếp tục bán tháo hơn nữa, khiến 198 mã giảm hết biên độ đến cuối phiên.
Tốc độ giảm giá là quá nhanh và nhà đầu tư lỗ rất nặng trong thời gian cực ngắn. Nhịp rơi hiện tại tính đến hôm nay là 27 phiên, mức giảm 22,43% ở chỉ số, tương đương giảm 0,83% mỗi ngày. Nhịp giảm này tương đương với nhịp giảm ngay sau Tết 2020 khi Covid bắt đầu ảnh hưởng tới Việt Nam, chỉ số giảm 33,51% trong 40 phiên (-0,84%/phiên). Chỉ có điều hiện tại thị trường rõ ràng không nguy hiểm bằng giai đoạn 2 quý đầu năm 2020, nhưng mức độ hoảng loạn thậm chí còn lớn hơn.
HoSE kết thúc phiên hôm nay sót lại 37 cổ phiếu tăng giá, nhưng có tới 436 cổ phiếu giảm giá. Tuy vậy chỉ có 6 mã trong số này đạt thanh khoản trên 1 tỷ đồng, xếp theo thứ tự là VJC tăng 0,88% thanh khoản 86,6 tỷ, AAT tăng 1,35% thanh khoản 12 tỷ, KOS tăng 0,57% thanh khoản 9,2 tỷ, TRA tăng 0,94% thanh khoản 4,6 tỷ, VPH tăng 2,62% thanh khoản 3,3 tỷ, CSM tăng 5,48% thanh khoản 2,7 tỷ.
Ngược lại, trong Top 10 thanh khoản thị trường thì tới 7 mã đã bốc hơi trên 6%. Điều này hàm ý rằng lực bán đang đẩy biến động giá cổ phiếu lên cao theo hướng tiêu cực.
Thực vậy, chiều nay hai sàn niêm yết giao dịch tới 10.515 tỷ đồng, tăng gần 8% so với buổi sáng. Rất hiếm khi phiên chiều thanh khoản lớn hơn phiên sáng và nếu lớn hơn thì thường là giảm rất sâu. Điều này một phần vì thói quen bán giải chấp buổi chiều, dẫn đến nhà đầu tư cũng dễ bán tháo vì giá giảm rất nhanh.
Mặc dù điểm tốt là giá giảm đồng loạt kiểu này sẽ dẫn tới nhiều cổ phiếu tốt bị định giá ở ngưỡng “đồng nát”. Tuy nhiên chỉ những tổ chức đầu tư hoặc các cá nhân có nhiều tiền, bảo toàn được vốn, mới có lợi thế đó. Phần lớn nhà đầu tư nhỏ lẻ đã bị nhấn chìm trong đợt giảm này. Vì vậy bao trùm thị trường là không khí nặng nề, u ám bi quan, bất chấp nhiều phân tích cơ bản vẫn đánh giá triển vọng thị trường rất tốt.
Chiều nay nhà đầu tư nước ngoài đã đảo chiều mua vào ròng nhiều hơn. Khoảng 401 tỷ đồng được rót ròng vào riêng rổ VN30 trong phiên chiều, giúp vị thế giao dịch cả ngày ở nhóm này chỉ còn bán ròng 182,7 tỷ, giảm mạnh từ mức 583,8 tỷ đồng trong phiên sáng. Nhiều mã lớn được mua ròng tốt, chẳng hạn VIC từ mức bán ròng 52,4 tỷ đồng buổi sáng chỉ còn -14,5 tỷ đồng cả ngày. MSN từ -25,5 tỷ đảo ngược thành +21,45 tỷ. HPG, VCB... cũng không bị bán thêm. Tính chung vị thế ròng của khối ngoại hôm nay là +567,7 tỷ đồng trong khi cuối phiên sáng mới là +23,1 tỷ đồng.
Việc khối này quay lại mua ròng blue-chips buổi chiều có thể xem là chút an ủi. Buổi sáng khối này xả rất mạnh, là một trong những lực đẩy quan trọng khiến blue-chips càng lúc càng lao dốc mạnh hơn. Sang chiều thì nhà đầu tư trong nước bán là chính và khối ngoại quay lại mua ròng vượt trội.
Thanh khoản hôm nay tăng vọt 31% trên HoSE và 24% trên HNX và tính chung giá trị khớp hai sàn cả ngày đạt 20.3001 tỷ đồng, tăng 31% so với hôm qua, đạt mức cao nhất 11 phiên. Trong bối cảnh giá lao dốc quá nhanh thì khối lượng giao dịch có lẽ quan trọng hơn (vì giá giảm nhanh làm giảm giá trị), khoảng 837,6 triệu cổ phiếu hai sàn khớp lệnh, tăng 43% so với hôm qua.