October 21, 2024 | 09:25 GMT+7

Vốn đầu tư cho các công ty khởi nghiệp fintech tại Đông Nam Á giảm 28% trong quý 3

Ngô Huyền -

Tổng tài trợ cho các công ty khởi nghiệp fintech Đông Nam Á đã giảm 28% xuống còn 322 triệu USD trong quý 3 năm 2024 từ mức 447,5 triệu USD trong quý 2, theo dữ liệu từ Tracxn… 

Quý 3/2024 không chứng kiến ​​sự xuất hiện của kỳ lân mới hoặc đợt chào bán công khai lần đầu (IPO) nào trong lĩnh vực finTech Đông Nam Á.
Quý 3/2024 không chứng kiến ​​sự xuất hiện của kỳ lân mới hoặc đợt chào bán công khai lần đầu (IPO) nào trong lĩnh vực finTech Đông Nam Á.

Tuy nhiên, khu vực Đông Nam Á vẫn là trung tâm của các khoản đầu tư vào lĩnh vực fintech, chiếm 14,5% tổng tài trợ của ngành trên khắp châu Á. Đáng chú ý, Singapore đứng thứ ba trong khu vực về đầu tư fintech, tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu khu vực trong lĩnh vực này.

Trước đó, hệ sinh thái fintech Đông Nam Á từng đạt đỉnh về vốn tài trợ vào quý 3/2021, sau đó suy giảm liên tục kể từ đó, mặc dù có sự phục hồi ngắn vào quý 4/2023. Quý 3 năm nay, tổng tài trợ tiếp tục giảm xuống còn 322 triệu USD, giảm 28% so với mức 447,5 triệu USD huy động được trong quý trước. Tuy nhiên, khi so sánh theo năm, con số này đánh dấu mức tăng 8% so với 299 triệu USD trong quý 3/2023.

“Bối cảnh fintech ở Đông Nam Á vẫn tiếp tục năng động bất chấp những thách thức kinh tế vĩ mô đang diễn ra. Mặc dù nguồn vốn giai đoạn cuối đã bị ảnh hưởng, nhưng các khoản đầu tư giai đoạn đầu cho thấy khả năng phục hồi”, ông Neha Singh, Tổng giám đốc điều hành kiêm Đồng sáng lập Tracxn cho biết.

Ông Neha Singh cũng nhận định: "Cơ sở người tiêu dùng lớn của khu vực và nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng mang lại cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn”.

Theo Tracxn, tài trợ giai đoạn đầu và hạt giống trong khu vực vẫn là điểm sáng trong quý 3/2024. Tài trợ giai đoạn đầu tăng 32% lên 196 triệu USD từ 148 triệu USD của quý trước, trong khi tài trợ giai đoạn hạt giống tăng 40%, đạt 52 triệu USD từ 37,5 triệu USD trong quý 2/2024.

Tuy nhiên, tài trợ giai đoạn sau đã chứng kiến ​​mức giảm mạnh 72%, giảm xuống còn 73 triệu USD trong quý 3/2024, giảm từ 263 triệu USD trong quý 2/2024. Theo báo cáo, không có công ty khởi nghiệp fintech nào huy động được 100 triệu USD trong quý 3, báo hiệu những thách thức đối với các công ty trưởng thành hơn đang tìm kiếm nguồn vốn lớn.

Các vòng gọi vốn đáng chú ý trong quý 3/2024 bao gồm 73,2 triệu USD trong vòng Series C của Superbank và 60 triệu USD trong vòng Series B của Partior.

Mặc dù tổng thể suy giảm, thanh toán, công nghệ ngân hàng và công nghệ ngoại hối vẫn là những phân khúc có hiệu suất hoạt động cao nhất trong lĩnh vực fintech. Theo đó, phân khúc thanh toán đã huy động được 123 triệu USD trong quý 3/2024, mặc dù con số này thấp hơn 44% so với 223 triệu USD huy động được trong quý 2/2024.

Công nghệ ngân hàng đã chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể nguồn vốn tài trợ, huy động được 80 triệu USD so với chỉ 6 triệu USD trong quý trước.

Quý 3 không chứng kiến ​​sự xuất hiện của kỳ lân mới hoặc đợt chào bán công khai lần đầu (IPO) nào trong lĩnh vực fintech Đông Nam Á. Tuy nhiên, số lượng các vụ mua lại đã tăng lên bảy vụ trong quý 3/2024, tăng từ 5 vụ trong quý 2/2024. 

Trong số các thành phố, Singapore dẫn đầu với 157,7 triệu USD tiền tài trợ được huy động trong quý 3/2024, tiếp theo là Jakarta với 103,2 triệu USD và Taguig với 8,6 triệu USD. 

Các nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực này bao gồm 500 Global, East Ventures và Y Combinator. Cụ thể, 500 Global, K300 Ventures và Antler thống trị các khoản đầu tư giai đoạn hạt giống, trong khi Peak XV Partners, Temasek và Valor Capital Group dẫn đầu các vòng tài trợ giai đoạn đầu.

"Mặc dù nói về triển vọng trước mắt vẫn cần thận trọng, nhưng sự lạc quan chung trong lĩnh vực fintech của Đông Nam Á tiếp tục được củng cố bởi các yếu tố thuận lợi trong dài hạn. Các sáng kiến ​​của chính phủ, sự thâm nhập rộng rãi của internet và nền kinh tế kỹ thuật số phát triển mạnh sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng trong tương lai", Neha Singh, Tổng giám đốc điều hành kiêm Đồng sáng lập Tracxn nói thêm. 

Bất chấp sự suy thoái tài trợ hiện tại, Tracxn đánh giá trong báo cáo rằng lạc quan về tiềm năng tăng trưởng dài hạn của khu vực. Tracxn lưu ý cơ sở người tiêu dùng lớn của Đông Nam Á, nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh chóng và các chính sách ngày càng thuận lợi của các chính phủ khiến Đông Nam Á sẽ trở thành khu vực quan trọng trong thời gian tới. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate