Số liệu thống kê từ Công ty Chứng khoán SSI cho biêt, trong tháng 9 vừa qua, dòng vốn ETF rút ròng gần 2.300 tỷ đồng. Đây là mức giảm mạnh nhất theo tháng trong vòng 2 năm qua.
Đáng chú ý là tất cả 5 quỹ ETF lớn nhất thị trường đều rơi vào trạng thái bị rút ròng, trong đó, lực rút mạnh diễn ra ở cả nhóm quỹ ngoại (FTSE ETF -1.275 tỷ, Fubon ETF -153 tỷ và VanEck ETF -22 tỷ), và nhóm quỹ nội (VNDiamond ETF -990 tỷ, VFMVN30 ETF -19 tỷ).
Một số quỹ nhỏ hơn như VNFIN Lead, MiraeAsset VN30 và Asian CUBS ghi nhận dòng vốn tích cực nhưng giá trị không đáng kể, tổng cộng mua ròng khoảng 200 tỷ đồng.
Tính chung cho Quý 3/2021, dòng vốn ETF vẫn duy trì mua ròng khoảng 300 tỷ đồng, tuy nhiên thấp hơn nhiều so với 2 quý trước đó (quý 1 và quý 2 lần lượt là 2,7 và 8,2 nghìn tỷ đồng).
Tương tự diễn biễn từ các quỹ ETF, các quỹ chủ động tiếp tục rút ròng trong tháng 9 (-700 tỷ đồng). Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, các quỹ chủ động đã rút ra khoảng 6,3 nghìn tỷ đồng – lớn thứ 3 trong khu vực chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan.
Cũng trong tháng 9, khối ngoại tiếp tục bán ròng với tổng giá trị là 8.368 tỷ đồng, là tháng bán ròng cao thứ 3 trong năm 2021. Tổng lượng bán ròng trong 9 tháng đầu năm lên tới hơn 40 nghìn tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức bán ròng gần 6 nghìn tỷ cùng kỳ năm ngoái.
Dòng tiền đầu tư có xu hướng tiêu cực trong thời gian qua khi sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sút đến từ nhiều lý do khách quan và chủ quan. Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hoạt động sản xuất, đặc biệt là chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong suốt 2 tháng qua (xuất khẩu tháng 8 giảm 1,7%, trong khi xuất khẩu tháng 8 của các quốc gia trong khu vực đều tăng trưởng 2 chữ số).
"Thêm vào đó, dòng tiền hiện tại đang chuyển hướng sang các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu thô như dầu thô, than đá,… do vậy Việt Nam không còn là điểm đến hấp dẫn của khối ngoại trong giai đoạn này", nhóm nghiên cứu tại SSI đánh giá.
Trong tháng 10, thị trường sẽ chào đón thêm một quỹ ETF nội là IPAAM VN100 ETF (mã chứng khoán: FUEIP100) chính thức niêm yết từ ngày 12/10. Quy mô của quỹ còn khá nhỏ với giá trị IPO 52 tỷ đồng nên mức tác động lên thị trường là không nhiều.
Nhìn chung, mặc dù hoạt động sản xuất được kỳ vọng sẽ hồi phục trong tháng 10 khi Chính phủ đã và đang từng bước mở cửa lại nền kinh tế, chúng tôi đánh giá dòng tiền đầu tư vẫn chưa thể quay trở lại trong ngắn hạn.
Do đó, SSI tin rằng: "Nền tảng vĩ mô của Việt Nam vẫn được duy trì trong dài hạn và kỳ vọng thị trường Việt Nam được nâng hạng trong năm 2023 – 2025 sẽ là động lực giúp dòng vốn ngoại quay trở lại trong năm 2022".
Về diễn biến dòng vốn trên thế giới, trong tháng 9, nhiều sự kiện diễn ra khiến tâm lý thị trường chung bị ảnh hưởng tương đối mạnh, trong đó đáng kể đến là FED báo hiệu sẽ thu hẹp quy mô chương trình mua tài sản hàng tháng trong thời gian tới (sớm nhất là từ tháng 1, trong điều kiện nền kinh tế tiếp tục tiến triển như dự kiến), nguy cơ Mỹ đóng cửa Chính phủ, sự kiện Evergrande, cũng như lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng đột ngột khiến cổ phiếu thị trường Mỹ đi xuống.
Đáng chú ý, tuần thứ 3 của tháng 9 ghi nhận mức rút ròng kỷ lục lên tới 23,5 tỷ USD từ dòng vốn cổ phiếu vào thị trường phát triển, mức rút ròng đầu tiên sau 40 tuần mua ròng liên tục. Dòng vốn vào thị trường trái phiếu cũng giảm nhiệt với mức giảm 23,2% so với tháng trước.
Ngoài ra, khác với giai đoạn trước, dòng vốn tập trung vào các nước có thế mạnh xuất khẩu hàng điện tử như Hàn Quốc, Đài Loan, trong tháng 9 dòng tiền tập trung vào các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu hàng nguyên vật liệu thô như Ấn Độ, Indonesia.
Cụ thể, cả Ấn Độ và Indonesia đều ghi nhận bơm ròng từ các quỹ ETF và quỹ chủ động trong tháng 9 (lần lượt là 228 và 22,2 tỷ USD) trong khi đó thị trường Hàn Quốc và Đài Loan bị bán ròng tương đối mạnh (-521 và -438 tỷ USD).