March 17, 2023 | 15:41 GMT+7

Vốn ngoại mua 36% thị trường, vốn nội... mất hút

Kim Phong -

Giao dịch đợt ATC tăng vọt khi các quỹ ETF tái cơ cấu, đẩy tổng thanh khoản sàn HoSE hôm nay lên mức hơn 10,2 ngàn tỷ đồng, tăng 9,4% so với hôm qua. Tuy nhiên khối ngoại chiếm xấp xỉ 36%, nghĩa là đằng sau con số thanh khoản tăng đó, vốn nội lại rất nguội lạnh...

VN-Index chiều nay rơi xuống mặt bằng thấp hơn hẳn phiên sáng.
VN-Index chiều nay rơi xuống mặt bằng thấp hơn hẳn phiên sáng.

Giao dịch đợt ATC tăng vọt khi các quỹ ETF tái cơ cấu, đẩy tổng thanh khoản sàn HoSE hôm nay lên mức hơn 10,2 ngàn tỷ đồng, tăng 9,4% so với hôm qua. Tuy nhiên khối ngoại chiếm xấp xỉ 36%, nghĩa là đằng sau con số thanh khoản tăng đó, vốn nội lại rất nguội lạnh.

Tổng giá trị mua vào của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn HoSE phiên này ghi nhận tới gần 3.700 tỷ đồng, bán ra gần 3.084 tỷ đồng. Giao dịch là khá cân bằng và không tạo được biến động nào bất thường. Riêng rổ VN30 bị bán ròng tới 491,1 tỷ đồng khiến VN30-Index tăng không đáng kể 0,07% còn VN-Index vẫn giảm 0,22%.

Độ rộng cuối ngày cũng cân bằng với 187 mã tăng/178 mã giảm trong VN-Index. Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, ít bị tác động bởi giao dịch tái cơ cấu, cũng không có gì đặc sắc: Midcap tăng 0,24%, Smallcap tăng 0,2%. Trong 178 mã giảm cũng chỉ có 52 mã giảm trên 1% và trong 187 mã tăng có 80 mã trên 1%. Về tổng thể, thị trường chỉ dao động hẹp. Hiếm khi nào các quỹ ETF tái cơ cấu thị trường lại bình lặng như vậy.

Điểm nhấn hôm nay là thanh khoản và có tín hiệu đáng ngại hơn. Ngay cả khi có lượng lớn cổ phiếu được sang tay đợt cuối thì giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết cũng chỉ tăng 11% so với hôm qua, đạt 9.718 tỷ đồng, còn thấp hơn cả 2 phiên giữa tuần này. Tỷ trọng vốn ngoại mua hôm nay quá lớn nhưng thanh khoản không đột biến là tín hiệu cần chú ý. Rõ ràng là nếu nhà đầu tư chờ đợi đợt tái cơ cấu cuối cùng để giao dịch thì phần vốn nội phải cao. Thực tế lại khác, chủ yếu là các nhà đầu tư nước ngoài mua bán với nhau, còn trong nước giao dịch nhỏ.

Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn chịu áp lực bán mạnh từ khối ngoại.
Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn chịu áp lực bán mạnh từ khối ngoại.

Diễn biến thị trường chiều nay nhìn chung là nguội lạnh, VN-Index tiếp tục hạ xuống mặt bằng giá thấp hơn buổi sáng. Tuy nhiên đó là do ảnh hưởng của các cổ phiếu vốn hóa lớn. Ví dụ VCB chiều nay tụt tới 2,2% so với giá thời điểm cuối phiên sáng, đóng cửa dưới tham chiếu 2,2%; VHM tụt 3,13%, chốt giảm 3,58%; VNM rớt thêm 1,06%, chốt giảm 2,49%... Các cổ phiếu này đều xuất hiện lực bán mạnh trong đợt ATC. Số liệu cuối ngày cho thấy HPG bị bán ròng 399,5 tỷ đồng, VNM bán ròng 140,8 tỷ, VHM bán ròng 65,4 tỷ, VCB -62,1 tỷ...

Do lực mua đối ứng của nhà đầu tư trong nước quá kém nên những cổ phiếu bị bán lớn hầu hết đều tụt giá sâu hơn ở đợt cuối. Về khía cạnh tích cực, các nhà đầu tư muốn mua có thể mua được giá tốt nhất trong phiên. Ngược lại, tín hiệu tiêu cực là đã không có dòng tiền đối ứng đủ tốt để cân bằng giá.

Sau đợt tái cơ cấu này, thị trường chỉ còn trông đợi vào giao dịch mua của quỹ Fubon. Tuy nhiên quỹ này cũng không giải ngân ồ ạt một lúc. Do đó khả năng cao thanh khoản những ngày tới sẽ trở lại mức thấp như cũ. Vốn nội suy yếu là tín hiệu bất lợi, vì không có gì đảm bảo khối ngoại sẽ tiếp tục mua ròng liên tục kéo dài. Trước thời điểm quỹ ETF tái cơ cấu hai tuần nay, khối ngoại đã duy trì bán ròng liên tục gần một tháng trời. Dòng vốn trong nước cũng suy yếu và không cân bằng được, kết quả là thị trường từ từ điều chỉnh giảm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate