Thị trường chứng khoán từng chứng kiến những phiên giao dịch thanh khoản đạt mức kỷ lục lịch sử lên đến hơn hai tỷ USD, tương đương với 53.000 tỷ đồng ở giai đoạn cuối năm 2021. Tiền vào mua bán khớp lệnh liên tục đã có lúc khiến sàn Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM nghẽn lệnh buộc phải giải cứu trong vòng 100 ngày. Đó là thời điểm huy hoàng VN-Index cán mốc 1.500 điểm trong bối cảnh tiền rẻ ngập tràn thị trường vì tắc ở sản xuất kinh doanh do Covid-19.
VỐN NỘI ĐÃ BỪNG TỈNH
Giai đoạn hoàng kim mau chóng qua đi, việc thắt chặt chính sách tiền tệ đảm bảo lạm phát kiềm chế, hướng dòng tiền về sản xuất kinh doanh đã đưa chỉ số VN-Index bước vào một năm 2022 bục đáy thảm hại, vốn ồ ạt rút ra khỏi thị trường, lúc bi đát nhất vào thời điểm những tháng đầu năm 2023, giá trị giao dịch trên HoSE giảm mạnh xuống chỉ còn khoảng 6.000 - 7.000 tỷ đồng, tức đã giảm 7 lần so với năm 2021.
Tuy nhiên, dòng vốn nội có dấu hiệu quay trở lại trong vòng hai tháng trở lại đây khi Ngân hàng Nhà nước đã có bốn lần giảm lãi suất điều hành, đưa mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay về mức thấp cùng với hàng loạt chính sách gỡ khó bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ ban hành khiến chứng khoán trở thành kênh hấp dẫn đầu tư.
Thống kê trên thị trường cho thấy, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu giảm lãi suất điều hành lần đầu tiên cuối tháng 3, thanh khoản cải thiện rõ rệt. Trong tháng 4, giá trị khớp lệnh bình quân trên ba sàn tăng 30% so với tháng 3 (tháng 3 thanh khoản giảm 48%) lên 13.662 tỷ đồng/ngày giao dịch. Riêng HoSE giá trị khớp lệnh 11.507 tỷ đồng/ngày giao dịch, tăng 24,2% so với tháng trước; HNX khớp lệnh 1.420 tỷ đồng/ngày giao dịch, tăng 53,8% so với tháng trước; UPCoM khớp lệnh 734 tỷ đồng/ngày giao dịch, tăng 121,7% so với tháng trước. Đây là tháng đầu tiên trong năm 2023 ghi nhận thanh khoản tăng đánh dấu dòng tiền nhà đầu tư cá nhân chính thức quay lại thị trường.
Bước sang tháng 5, giá trị giao dịch bình quân ba sàn tăng 4,7% so với tháng trước lên 13.905 tỷ đồng/ngày giao dịch trong đó HoSE 11.805 tỷ đồng/ngày giao dịch tăng 5,4% so với tháng trước; HNX tăng 1.514 tỷ đồng/ngày giao dịch, tăng 12,5% so với tháng trước; UPCoM giá trị giao dịch 584 tỷ đồng/ngày giao dịch, giảm 20,2% so với tháng trước.
Nếu như trong tháng 3, dòng vốn nhà đầu tư cá nhân bán ròng 984 tỷ đồng thì bước sang tháng 4 nhà đầu tư cá nhân trở thành bên mua ròng mạnh nhất thị trường với giá trị ròng 3.474 tỷ đồng trên HoSE. Top các cổ phiếu được mua ròng gồm ACB, VCG, VNM, STB, VND và ngược lại, họ bán ròng nhiều nhất HPG, TCB, HDB, VHM, VRE. Sang tháng 5, nhóm này tiếp tục mua ròng 7.600 tỷ đồng trên HoSE. Như vậy, chỉ trong hai tháng vừa qua, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng hơn 11.000 tỷ đồng.
Đối ứng với đó là giá trị bán ròng của khối ngoại và tổ chức trong nước. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 5.000 tỷ đồng trong tháng 4 và tháng 5, chủ yếu là do dòng vốn ngắn hạn có xu hướng chảy khỏi thị trường Việt Nam trong bối cảnh lãi suất tại việt Nam quay đầu giảm và trở nên kém hấp dẫn hơn so với mặt bằng lãi suất của một số thị trường trong khu vực và thị trường phát triển khác. Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại do đó giảm xuống chỉ còn 7,3% từ mức 8,6% của tháng 4/2023, và dần về mức thấp 5-6% trong giai đoạn vốn nội bùng nổ 2021. Ở thời kỳ đó, hơn 93% giá trị giao dịch của thị trường là của dòng vốn trong nước.
Về tỷ lệ margin, cuối năm 2022 - đầu năm 2023, thống kê cho thấy dư nợ margin tại các công ty chứng khoán quay đầu sụt giảm mạnh chỉ còn 115.000 tỷ đồng so với 155.000 tỷ đồng của quý 3/2022. Trong ba tháng đầu năm, con số này tăng nhẹ không đáng kể, dư nợ margin các công ty chứng khoán tính đến cuối quý 1/2023 ở mức 118.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 2,6%. Tuy nhiên, thông tin từ các công ty chứng khoán cho biết, ở thời điểm hiện tại, lượng cho vay margin đã tăng 30-40% so với con số đầu năm. Như vậy, chỉ trong riêng tháng 4 và tháng 5 margin toàn thị trường đã tăng hơn 30%, đây cũng là những tháng nhà đầu tư cá nhân đổ tiền vào ồ ạt.
Dòng vốn nội bừng tỉnh đã đưa VN-Index một lần nữa chạm tay vào đỉnh cũ đóng cửa phiên 23/6 đạt 1.129 điểm. Tính từ thời điểm cuối tháng 3, VN-Index tăng 6% trong đó riêng tháng 5 mức tăng đạt 6,9%. Nhóm cổ phiếu vốn hóa hóa nhỏ Vn-Smallcap tăng 23%; VNMidCap tăng 15% và Vn30 tăng thấp nhất 5,4% chủ yếu do dòng tiền tập trung ở nhóm vốn hóa nhỏ đầu cơ lớn chủ yếu là bất động sản và chứng khoán nhờ triển vọng bất động sản hồi phục từ đáy sau hàng loạt chính sách gỡ khó của Chính phủ và thanh khoản thị trường tăng.
DẪN DẮT SÓNG LỚN CUỐI NĂM 2023
Vốn nội được dự báo tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới và làm chủ cuộc chơi dẫn dắt VN-Index tạo sóng lớn trong giai đoạn cuối năm 2023 chủ yếu nhờ mặt bằng lãi suất hạ nhiệt đáng kể sau bốn lần Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành. Tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-Index trung bình trong tháng 3 ở khoảng 8,7% chưa bao gồm tỷ suất cổ tức là 1,7%. Khoảng cách giữa E/P và lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng tiếp tục mở rộng trong tháng 4 khi lãi suất huy động giảm và thị trường chứng khoán cũng giảm.
“Mặc dù khoảng cách hiện tại giữa E/P và lãi suất huy động vẫn chưa thật sự hấp dẫn như giai đoạn tháng 10-11 năm ngoái để nhà đầu tư có thể giải ngân quyết liệt vào kênh chứng khoán, nhưng với kỳ vọng lãi suất huy động có thể sẽ tiếp tục giảm trong 1-2 tháng tới thì khoảng cách có thể tiếp tục nới rộng thêm và nhà đầu tư có thể cân nhắc nâng dần tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư”, Công ty chứng khoán VNDirect nêu quan điểm.
Chung một quan điểm, theo đánh giá của SSI Research, lãi suất có thể giảm thêm 50 - 100 điểm cơ bản từ nay đến cuối năm và sẽ tiếp tục giảm vào năm 2024...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2023 phát hành ngày 19-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam