Vụ án Mặc Bình Hưng (SN 1991) và các đồng phạm bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền đã được TAND TP Hà Nội thụ lý.
ỦY THÁC ĐIỀU TRA TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG LIÊN QUAN
Theo cáo trạng, chị Nguyễn Thị L. (SN 1985, ở Hà Nội) làm cộng tác viên online và rơi vào bẫy của nhóm lừa đảo qua mạng. Trong 5 ngày từ 25-30/8/2022, chị L. đã chuyển gần 20 tỷ đồng đến 15 tài khoản ngân hàng khác nhau do các đối tượng cung cấp.
Từ lời khai và các manh mối chị L. cung cấp, công an đã lật tẩy nhóm tội phạm 777pay thuộc Công ty Jinbian (trụ sở ở Campuchia) – chuyên rửa tiền trên thị trường Việt Nam. Bộ phận 777pay đã cung cấp các tài khoản ngân hàng để các đối tượng lừa đảo hướng dẫn chị L. chuyển tiền nhằm chiếm đoạt.
Trong đó, Mạc Bình Hưng là tổ trưởng “tổ tài vụ”, có nhiệm vụ mua tiền điện tử để chuyển cho khách hàng. Cơ quan điều tra còn làm rõ hành vi rửa tiền của 2 nhóm là nhóm Đinh Văn Hùng và nhóm Phan Văn Minh.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định có 119 tài khoản ngân hàng liên quan. Trong đó gồm 34 tài khoản ngân hàng do Bộ phận 777pay quản lý và sử dụng; 53 tài khoản ngân hàng khác không do Bộ phận 777pay quản lý liên quan đến dòng tiền chiếm đoạt của chị L. và 32 tài khoản ngân hàng không liên quan trực tiếp đến dòng tiền chiếm đoạt của chị L. nhưng có phát sinh giao dịch với 87 tài khoản ngân hàng trên.
Cơ quan điều tra đã xác minh 34 tài khoản do Bộ phận 777pay quản lý và sử dụng thì có 10 tài khoản ngân hàng không có người đăng ký thông tin chủ tài khoản như trong hồ sơ.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã quyết định ủy thác điều tra gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các tỉnh Bạc Liêu, Bình Thuận, Tiền Giang, Hậu Giang, Trà Vinh và TP.HCM đề nghị phối hợp xác minh đối với 15 chủ tài khoản song đến nay chưa có kết quả. Công an TP Hà Nội đã ra lệnh phong tỏa tài khoản đối với 34 tài khoản ngân hàng trên với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã quyết định ủy thác điều tra gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp xác minh, ghi lời khai chủ tài khoản các tài khoản khác nhưng chưa có kết quả.
CÔNG KHAI MUA BÁN TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG TRÊN MẠNG
Tiếp tục xác minh các tài khoản khác, cơ quan điều tra làm rõ có trường hợp công khai mua bán tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội Facebook.
Cụ thể, vào đầu tháng 7/2022, một đối tượng sử dụng tài khoản Facebook “Vanh Nguyễn” đăng bài trên nhóm “Tìm việc làm Hà Nội”với nội dung “Tuyển 10 người đứng tên đăng ký mở tài khoản Ngân hàng để chạy quảng cáo cho các sàn thương mại điện tử”. Chị Cấn Hải Y. đã nhắn tin cho đối tượng trên và được đối tượng thuê mở tài khoản với giá 200.000 đồng/tài khoản.
Đối tượng đã thuê một người xe ôm liên hệ với Y. để giao 6 sim điện thoại cho Y. sử dụng đăng ký mở tài khoản ngân hàng. Chị Y. trực tiếp mở tài khoản ngân hàng và nhờ mẹ ruột, anh rể; thuê bạn học, hàng xóm, em họ mở tài khoản với giá 150.000 đồng/tài khoản.
Với 6 tài khoản trên, Y. chỉ lấy thông tin Internet Banking, không nhận thẻ ATM. Sau khi mở 06 tài khoản trên, Y. giao lại sim và thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng cho “Vanh Nguyễn”. Sau khi giao dịch, đối tượng yêu cầu Y. xóa toàn bộ nội dung trao đổi qua ứng dụng Messenger. Do chưa xác định được nhân thân đối tượng đã thuê Y. mở tài khoản ngân hàng nên chưa có căn cứ xử lý đối với chị Y.
CẢNH BÁO CÁC THỦ ĐOẠN THUÊ, MUA TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG
Ngày 17/4, Công an TP Hà Nội đã phát thông báo cảnh báo về các thủ đoạn thuê, mua tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo.
Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn mới rất tinh vi. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng các tài khoản ngân hàng do mua, bán để thực hiện các giao dịch chuyển và nhận tiền của bị hại rồi rửa tiền bằng nhiều phương thức khác nhau.
Thủ đoạn của các đối tượng thường đăng tải thông tin trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội về việc thuê, mua tài khoản ngân hàng hoặc tiếp cận với những người lao động có thu nhập thấp, người thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc sinh viên các trường Cao Đẳng, Đại Học nhờ thuê mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền công với giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Sau khi mở tài khoản, chủ tài khoản phải bàn giao thông tin đăng nhập Internet Banking, sim điện thoại đăng ký tài khoản, thẻ ngân hàng… cho đối tượng.
Đối tượng sẽ sử dụng các tài khoản ngân hàng này vào các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vì vậy, người dân cần hết sức lưu ý và cẩn trọng trong việc quản lý thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của mình, tránh việc tiếp tay cho tội phạm hoặc liên đới đến các hành vi vi phạm pháp luật.
Trong nhiều trường hợp, chủ tài khoản có thể bị coi là đồng phạm với đối tượng hoặc sẽ bị xử lý về “Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” quy định tại Điều 291 Bộ Luật Hình Sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân thực hiện các nội dung sau:
Thứ nhất, giữ bí mật thông tin cá nhân: Không chia sẻ thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng với người lạ trên không gian mạng.
Thứ hai, cảnh giác với lời đề nghị hấp dẫn: Nói không với mọi lời đề nghị “cho thuê” hoặc “bán” tài khoản ngân hàng để hưởng lợi ích tài chính.
Thứ ba, báo cáo cơ quan chức năng: Nếu phát hiện được bất kỳ hoạt động mua, bán tài khoản ngân hàng nào, công dân cần báo ngay lập tức với cơ quan công an để xử lý, giải quyết.
Thứ tư, người dân cần tăng cường việc cập nhật thông tin, cảnh báo từ cơ quan chức năng, đồng thời tìm hiểu về các rủi ro và hậu quả pháp lý liên quan đến việc “cho thuê” và “bán” tài khoản ngân hàng để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm.