Thông tin này được ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, đưa ra tại buổi họp báo chiều 21/02 vừa qua, về tình trạng “khan hiếm” và “bán nhỏ giọt” xăng dầu tại TP.HCM đang được dư luận quan tâm.
Trong nửa đầu tháng 02/2022, tổng lượng nhập khẩu xăng dầu về TP.HCM rất lớn, với 800.000 m3, trong khi bình thường hàng tháng chỉ khoảng 500.000 m3.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, vừa qua, trên địa bàn TP.HCM có thêm hai cửa hàng xăng dầu (sau đây gọi là cây xăng) tạm ngưng hoạt động. Một tạm ngưng để sửa chữa, đổi chủ và một còn lại xin ngưng hoạt động một tháng và Sở đang kiểm tra lý do tạm ngưng này. Như vậy, tính đến nay trên địa bàn Thành phố đã có năm cây xăng ngưng hoạt động.
Ngoài năm cây xăng tạm ngừng hoạt động kinh doanh, qua công tác kiểm tra Sở cũng ghi nhận có mười cây xăng có tình trạng giảm mức bán, chiếm tỷ lệ 2% (trong tổng số 458 cây xăng).
Giải thích lý do hạn chế bán của các cây xăng, ông Phương cho biết đối với các cửa hàng hạn chế bán, việc đầu tiên là Sở Công Thương tiến hành lập biên bản, ghi nhận, nhắc nhở. Các cửa hàng hạn chế bán là do lượng hàng hiện tại giới hạn nên họ sợ rằng nếu bán với số lượng lớn có thể phải tạm ngưng do hết hàng. Sở nhắc nhở và cảnh báo việc hạn chế bán hàng là vi phạm, sẽ kiên quyết xử lý nếu tái phạm. Các cửa hàng sau khi được kiểm tra, nhắc nhở đều đã khắc phục, hoạt động bình thường.
“Sở Công Thương nhận thấy đa số là cửa hàng tư nhân và lấy hàng từ thương nhân phân phối nhỏ lẻ. Họ gặp khó khăn vì một số lấy nguồn hàng từ nhà máy lọc dầu trong nước như Nghi Sơn - nhà máy đang giảm công suất còn 43%. Do đó, lượng hàng thiếu hụt so với bình thường, các đơn vị này phải nhập khẩu. Họ thường xuyên lấy hàng trong nước và là doanh nghiệp nhỏ nên việc nhập khẩu khó khăn do tình hình cung ứng xăng dầu thế giới cũng đang gặp khó. Với doanh nghiệp không có thương hiệu, đối tác, khách hàng quen thì việc tiếp cận nguồn cung, đàm phán giá cũng khó khăn hơn”, vị đại diện Sở Công Thương TP.HCM nói.
Ngoài ra, theo phản ánh của người dân và báo chí, Thanh tra Sở Công Thương cũng đã vào cuộc kiểm tra. Ông Phương cho hay, từ kỳ điều chỉnh giá trước đến nay, Thanh tra Sở Công Thương đã trực tiếp kiểm tra 11 cửa hàng, theo phản ánh việc thiếu xăng dầu hoặc bán hàng hạn chế cho người dân. Qua kiểm tra, đa số cửa hàng hết xăng. Sau khi kiểm tra, Sở Công Thương đã làm việc với thương nhân phân phối và đề nghị họ cung ứng đầy đủ, các cửa hàng sau đó quay lại hoạt động bình thường.
Từ 15h ngày 21/02/2022, giá xăng trong nước tăng lần thứ 5 liên tiếp và là đợt tăng thứ tư trong năm 2022. Cụ thể, xăng E5 RON 92 trong nước tăng 961 đồng/lít lên 25.530 đồng/lít, còn xăng RON 95 tăng 965 đồng/lít lên 26.280 đồng/lít. Đáng chú ý, giá xăng RON 95 trong nước hiện đã vượt đỉnh lịch sử và xác lập kỷ lục mới.
Theo liên bộ Công Thương – Tài chính, để có mức giá trên, cơ quan điều hành không thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, giữ nguyên mức trích lập đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg. Đồng thời, liên bộ chi sử dụng Quỹ đối với xăng E5RON92 ở mức 250 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 100 đồng/lít, dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa và dầu mazut không chi.