Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành cáo trạng truy tố với 12 bị can trong vụ án “ông trùm” Trương Xuân Đước (SN 1971, ở Hải Phòng) và Nguyễn Thị Ngọc Anh (SN 1979, vợ Đước) mua bán hóa đơn trái phép.
Theo cáo buộc, từ năm 2005 đến khi bị bắt, Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh đã thành lập 26 pháp nhân, mua bán trái phép 15.674 hóa đơn với tổng số tiền hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn bán ra cho khách (chưa tính thuế VAT) là hơn 6.000 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng xác định số tiền các bị can thu lời bất chính là hơn 41,2 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án này, một số doanh nghiệp mua hóa đơn của vợ chồng Đước bị truy tố về hành vi Trốn thuế.
Cáo trạng thể hiện, Đỗ Thị Đua quản lý, điều hành Công ty TNHH vận tải và thương mại Kim Cương và Công ty TNHH thương mại và vận tải Hương Giang. Khoảng giữa năm 2017, Đước gọi điện cho Đua chào bán hóa đơn trái phép. Khi đó, Đua có mua vật liệu xây dựng của các tàu hàng di chuyển trên sông Cầu nhưng không có hóa đơn, chứng từ để xuất cho khách hàng.
Để cân bằng giữa hàng hóa mua vào, bán kê, hợp thức hóa số hàng hóa trôi nổi, Đua đồng ý mua hóa đơn của Đước với giá 8% giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn (chưa tính thuế VAT).
Hàng tháng, căn cứ vào lượng xuất nhập hàng tồn của Công ty Kim Cương và Công ty Hương Giang, Đưa trực tiếp liên lạc với vợ chồng Đước để trao đổi về việc mua bán hóa đơn trái phép.
Tương tự, Công ty TNHH vật liệu xây dựng Lâm Anh và Công ty TNHH vật liệu xây dựng Đại Lâm do Hà Thị Trang quản lý cũng mua hóa đơn của Đước với giá từ 7-8% giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn để hợp thức hàng hóa trôi nổi và kê khai, báo cáo thuế.
Mỗi khi có nhu cầu, Trang chủ động gửi thông tin số tiền, mặt hàng, số lượng hàng hóa qua zalo hoặc email cho vợ chồng Đước. Trang cũng soạn thảo các hợp đồng nguyên tắc với các công ty bán hóa đơn mà Đước cung cấp. Đước đưa cho Trang tập giấy A4 trắng đã có sẵn chữ ký, con dấu của các công ty bán hóa đơn để Trang soạn thảo các biên bản giao nhận, biên bản nghiệm thu… nhằm hợp thức hóa hồ sơ.
Bản thân Trang và kế toán công ty cùng Đước đến ngân hàng để đảo tiền nhằm hợp thức các hóa đơn trái phép.
Kết quả điều tra thể hiện, từ tháng 7/2019 đến tháng 12/2021, Trang mua 43 hóa đơn trái phép, Đua mua 41 hóa đơn trái phép.
Kết luận giám định thuế cho thấy, Trang trốn thuế hơn 3,5 tỷ đồng; Đua là 5,6 tỷ đồng.
Cũng nhằm hợp thuế hóa đơn đầu vào, Vũ Ngọc Tú (giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng Hà Hiếu) mua 27 hóa đơn trái phép của vợ chồng Đước, trốn thuế hơn 2,1 tỷ đồng.
Còn Chu Thị Thu Hiền (giám đốc Công ty TNHH MTV TM và DV truyền hình HD) thông qua Đặng Khắc Thành (cháu họ của Đước) mua 35 hóa đơn trái phép của vợ chồng Đước, trốn thuế hơn 828 triệu đồng.
Ngoài ra, còn trường hợp của Nguyễn Hiền Tài (giám đốc quản lý, điều hành Công ty TNHH TRT Việt Nam). Năm 2018, Công ty TRT nhận thi công một số công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Phú Thọ…
Do lượng nhân công công ty không đáp ứng nên Tài thuê các tổ đội lao động tự do, mua vật tư trôi nổi trên thị trường. Tài đã mua hóa đơn trái phép của Hà Thị Bích Nhàn (kế toán cho Đước) để hợp thức hóa hồ sơ với giá 10% giá trị hàng hóa, dịch vụ, trốn thuế hơn 292 triệu đồng.
Quá trình điều tra còn xác định, năm 2021, Ngô Văn Tuyên (giám đốc Công ty TNHH TM xây dựng và vận tải Khánh Phong) mua 3 hóa đơn trái phép của Đước để hợp thức hóa đơn đầu vào, trốn thuế hơn 246 triệu đồng.
Bên cạnh đó có các đơn vị, doanh nghiệp khác sử dụng hóa đơn của các công ty do vợ chồng Đước, Ngọc Anh quản lý. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã xác minh, gửi giấy triệu tập nhưng một số công ty vắng mặt, hoặc không đến làm việc, đồng thời ủy thác điều tra cho 22 cơ quan điều tra các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Hiện chưa có kết quả trả lời hoặc trả lời chưa đầy đủ nên công an sẽ tiếp tục xác minh, làm rõ.
Trong vụ án này, Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh, Đặng Khắc Thành, Hà Thị Bích Nhàn bị truy tố về tội Mua bán trái phép hóa đơn. Ngoài ra, vợ chồng Đước còn bị truy tố về hành vi đưa hối lộ cho cán bộ thuế huyện Cát Hải, TP Hải Phòng số tiền 362 triệu đồng.