Về việc xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán xăng dầu, theo ghi nhận của Tổng cục Thuế, trên cả nước hiện có trên 4.100 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, tăng 151,8% so với thời điểm 01/12/2023.
CHỈ CÓ 25% CỬA HÀNG THỰC HIỆN CÔNG ĐIỆN CỦA THỦ TƯỚNG
Đáng chú ý, có nhiều địa phương mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tỷ lệ cửa hàng xăng dầu thực hiện phát hành hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng đạt cao. Nhiều địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp đã triển khai xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán xăng dầu đạt cao như: Bắc Ninh, Thanh Hóa, Yên Bái, Quảng Nam, Cao Bằng, Kon Tum, Thừa Thiên Huế...
Hiện trên toàn quốc có hơn 17.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước, trong đó, khối các doanh nghiệp nhà nước có gần 6.000 cửa hàng, doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối có hơn 10.000 cửa hàng.
Thống kê nhanh kết quả báo cáo của các cục thuế cho thấy, đến nay, có trên 4.100 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên cả nước đã thực hiện phát hành hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng, tăng 1.400 cửa hàng so với thời điểm 01/12/2023.
Công điện 1284/CĐ-TTg ngày 1/12/2023 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, Thủ tướng yêu cầu trong tháng 12/2023, các đơn vị kinh doanh xăng dầu lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.
Các doanh nghiệp khác cũng đang khẩn trương, tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai các giải pháp để thực hiện việc phát hành hoá đơn điện tử đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Tại Công điện 1284/CĐ-TTg ngày 1/12/2023 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với lãnh đạo các bộ, ngành và chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai ngay các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định. Thời gian hoàn thành trong tháng 12/2023.
Cùng với đó, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin đối với hóa đơn điện tử, đảm bảo việc tiếp nhận, kết nối thông tin hóa đơn điện tử của cơ quan thuế được thông suốt, thuận lợi, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế; hoàn thành chậm nhất trong quý 1/2024.
Triển khai công điện nêu trên, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 13348/BTC-TCT ngày 04/12/2023 đề nghị chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Tài chính trong công tác triển khai hoá đơn điện tử đối với lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, xăng dầu và Thông báo số 1144/TB-BTC ngày 07/12/2023 phân công nhiệm vụ chi tiết cho các đơn vị thuộc và trực thuộc để triển khai thực hiện.
Để đảm bảo 100% các cửa hàng xăng dầu trong cả nước thực hiện nghiêm về theo tinh thần của Chính phủ về phát hành hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế tại địa phương quyết liệt triển khai.
Trong đó, các cục thuế sẽ tham mưu uỷ ban nhân dân thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện kiểm tra các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn về tình hình chấp hành quy định pháp luật về hóa đơn, chứng từ; xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện quy định về phát hành hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1284/CĐ-TTg ngày 01/12/2023.
Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền chủ trương, chính sách quy định pháp luật về hoá đơn điện tử tới từng doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu để các đơn vị hiểu rõ, nhận thức đầy đủ trách nhiệm và cam kết thực hiện được phát hành hoá đơn điện tử sau từng lần bán hàng theo quy định.
DOANH NGHIỆP VẪN THAN KHÓ
Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong tháng 12/2023, các đơn vị kinh doanh xăng dầu trong cả nước phải lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Tuy nhiên, đến nay mới có khoảng 4.100 cửa hàng, tương ứng 25% số cửa hàng trong cả nước thực hiện quy định này.
Một số doanh nghiệp chia sẻ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện do nhu cầu lấy hóa đơn của người dân thấp, việc đầu tư cơ sở hạ tầng tốn nhiều chi phí, đơn vị kinh doanh bán lẻ xăng dầu chưa lựa chọn được nhà cung cấp...
Thống kê cho thấy bình quân mỗi năm cả nước tiêu thụ xấp xỉ 20,5 - 21 triệu m3/tấn xăng dầu. Như vậy, số hóa đơn sẽ phải xuất ra mỗi lần bán lẻ sẽ lên tới hàng chục triệu hóa đơn, thậm chí cả trăm triệu hóa đơn mới phát hành mỗi tháng.
Theo đại diện Trung tâm tư vấn và hỗ trợ Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, chủ trương của quy định này là tiến tới chuyển đổi số trong mọi hoạt động, điều này đem lại nhiều lợi ích nhưng hiện doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn, do đó cần xem xét lùi thời điểm thực hiện hoặc có biện pháp hỗ trợ.
Theo vị này, chi phí in một hoá đơn trung bình 662 đồng/hoá đơn, một năm cả nước chi hàng ngàn tỷ đồng in hoá đơn, chi phí này doanh nghiệp chịu hay ai chịu?
Trong khi đó, các doanh nghiệp có cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc rất khó khăn, việc đầu tư một trạm xăng dầu rất tốn kém, doanh nghiệp vừa trải qua giai đoạn bị chiết khấu âm dẫn đến tình hình kinh doanh không khả quan, nhiều doanh nghiệp nợ thuế hàng nghìn tỷ đồng. Nay lại gánh thêm việc lắp đặt thiết bị in hóa đơn điện tử nên khó chồng khó.
Hơn nữa, đại đa số khách hàng cũng không có nhu cầu lấy hoá đơn nên việc đầu tư, lắp đặt những thiết bị này rất tốn kém. Với khách hàng lấy hoá đơn, nếu lấy đầy đủ thông tin thì việc in hoá đơn điện tử mất khoảng gần 5 phút, do đó, hàng trăm người cùng mua tại một cửa hàng đều lấy hoá đơn sẽ gây ách tắc rất lớn.
Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dầu khí Đồng Nai, cũng cho biết sau 2 năm đại dịch, các doanh nghiệp phân phối xăng dầu đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc kinh doanh. Do đó, việc triển khai hóa đơn điện tử bán lẻ trong xăng dầu, các cơ quan chức năng cần có lộ trình thời gian cụ thể để các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa từng bước hoàn thiện.
"Xuất phát điểm của đơn vị xăng dầu Petrolimex khác với các doanh nghiệp tư nhân nên việc triển khai hóa đơn điện tử được thuận lợi, còn phía doanh nghiệp tư nhân tự bỏ tiền ra đầu tư, hạ tầng chưa tương tích, cơ sở kinh doanh chưa đồng bộ và chưa tương tích trong chuyển đổi số", ông Phụng bày tỏ khó khăn.
Để triển khai hóa đơn điện tử, các doanh nghiệp tư nhân phải có tài chính, hạ tầng công nghệ số quốc gia cho tương thích. Một trạm xăng phải bỏ ra 70 triệu đồng để đầu tư việc triển khai hóa đơn điện tử. Bên cạnh đó, trong trường hợp bị trục trặc kết nối thì ai sẽ chịu trách nhiệm cũng là băn khoăn của lãnh đạo doanh nghiệp này.
Cùng chung quan điểm, ông Đặng Hoài Phương, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Phương Nam Lâm Đồng, cho biết trước đây, chi phí bình quân về việc xuất hóa đơn của một cửa hàng khoảng 1 triệu đồng/năm. Hiện tại, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhận báo giá của các công ty phần mềm, cung cấp hóa đơn điện tử với chi phí từ 100 - 165 triệu đồng/năm.
Mức đầu tư này cao gấp hơn 100 lần so với hóa đơn mà doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang sử dụng dẫn đến làm đội chi phí, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Về vấn đề này, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết các doanh nghiệp còn lại đang rất tích cực triển khai các giải pháp để thực hiện hoá đơn điện tử theo quy định để đảm bảo hoàn thành như chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ.
Đối với chi phí trung bình để tạo và truyền nhận dữ liệu và điện tử với cơ quan thuế, theo Tổng cục Thuế, chỉ mất khoảng 20 - 60 đồng/hóa đơn. Hơn nữa, số lượng công ty cung cấp giải pháp về hoá đơn điện tử lên tới con số 100 và hơn 20 đơn vị cung cấp thiết bị truyền nhận, như vậy, đây là một thị trường rất cạnh tranh.