Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố với 38 bị can trong vụ án Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước xảy ra tại Công ty TNHH Thành An Hà Nội, Công ty TNHH thiết bị y tế Danh, Công ty TNHH thiết bị y tế Tràng Thi và các đơn vị liên quan.
Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2017-2022, Nguyễn Đăng Thuyết (đang bỏ trốn) thành lập Công ty Thành An, Công ty Danh, Công ty Tràng Thi.
Ông Thuyết chỉ đạo kế toán các công ty là Nguyễn Thị Hòa (đang bỏ trốn), Bùi Thị Mai Hương mua 19.167 hóa đơn khống (mặt hàng là danh mục vật tư y tế) của 110 công ty/hộ kinh doanh.
Tổng giá trị tiền hàng trước thuế là hơn 3.689 tỷ đồng, thuế VAT là hơn 75 tỷ đồng. Tổng số tiền hàng sau thuế là hơn 3.765 tỷ đồng, tổng chi phí mua hóa đơn là hơn 257 tỷ đồng. Các bị can có hành vi sử dụng hóa đơn khống để kê khai thuế khiến nhà nước thất thoát hơn 743 tỷ đồng tiền thuế.
Cơ quan điều tra xác định, hành vi của bị can Nguyễn Thị Hòa liên đới gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 743 tỷ đồng tiền thuế 3 công ty phải nộp cho Nhà nước từ năm 2017- 2022.
Do bà Hòa bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm cá nhân và cản trở hoạt động điều tra, nên cơ quan điều tra đề nghị xử lý nghiêm bị can.
Theo kết luận điều tra, để mua hóa đơn khống, Hòa liên hệ, thỏa thuận với các công ty/hộ kinh doanh về “mức phí mua bán”, rồi lập bảng kê trình Thuyết (giai đoạn 2017-2019) và Nguyễn Nhật Linh (Phó Tổng giám đốc Công ty Thành An, năm 2019-2022) duyệt.
Thuyết và Linh duyệt mức “phí mua hóa đơn” tùy từng thời điểm từ 3,5% - 4%/số tiền ghi trên hóa đơn trước thuế (với hộ kinh doanh cá thể) và từ 7%-14,5%/số tiền hóa đơn trước thuế (với các công ty, theo loại hóa đơn không chịu thuế, VAT 5%-10%).
Căn cứ vào tỉ lệ chi phí đã được duyệt, Hòa và Hương trực tiếp liên hệ, thỏa thuận về mức chi phí và phương thức mua bán hóa đơn khống với 7 bị can như Phạm Thị Quỳnh Như (giám đốc Công ty Thành Phát)…
Hàng tháng, căn cứ vào doanh thu của tháng trước, Hương lập bảng kê các đơn hàng để gửi cho 7 bị can trên để xuất hóa đơn khống, đồng thời thành lập thêm các công ty, hộ kinh doanh và nhờ người thân, người nhà đứng tên để bán được nhiều hóa đơn.
4/7 bị can trên tiếp tục liên hệ với 25 bị can khác để xuất hóa đơn khống cùng hưởng lợi như Phùng Xuân Thục, giám đốc Công ty Trung Nguyên; Nguyễn Văn Lương, giám đốc Công ty Phú Đa…
Hàng tháng, Hương sẽ liên hệ với các “đầu mối” bán hóa đơn để trao đổi về tổng số tiền xuất hóa đơn trong tháng, lập danh mục hàng hóa, tổng số tiền từng loại mặt hàng…
Hàng tuần, Hương căn cứ vào số lượng hóa đơn, công nợ với các công ty/hộ kinh doanh để lập kế hoạch chi, phiếu tạm ứng tiền và ủy nhiệm chi trình Thuyết, Linh và nhóm kế toán duyệt.
Sau khi chuyển tiền theo giá trị trên hóa đơn, Hương thông báo cho từng “đầu mối” chuyển lại toàn bộ số tiền được nhận hoặc giữ lại một phần để nộp thuế…
Hương và các đối mối đối chiếu chi phí mua hóa đơn thông qua “bảng kê danh mục hàng hóa khống”, rồi tổng hợp, thanh toán bằng tiền mặt hoặc tạm ứng cho các đầu mối…
Đặc biệt, 4 bị can đầu mối gồm Phạm Thị Quỳnh Như, Phạm Thị Thu Hà, Ngô Thị Thu Giang và Nguyễn Thị Hằng còn liên hệ với các bị can khác có nhu cầu bán hóa đơn để “hưởng lợi trung gian”. Tại mỗi khâu trung gian, các bị can giữ lại chi phí 0,5-3% để hưởng lợi.
Tại cơ quan điều tra, Bùi Thị Mai Hương xác nhận cùng Nguyễn Thị Hòa liên hệ với các đầu mối bán hóa đơn, lập các kế hoạch chi, thanh quyết toán cho các đầu mối và tự “cắt lại” chi phí hơn 30,7 tỷ đồng. Trong đó, Hương và Hòa mỗi người hưởng lợi hơn 15,3 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, bị can Phạm Thị Quỳnh Như (giám đốc Công ty Thành Phát) khai nhận đã lập và trực tiếp điều hành 7 công ty/hộ kinh doanh xuất bán 1.617 hóa đơn khống cho nhóm Công ty Thành An, hưởng lợi hơn 5,8 tỷ đồng. Ngoài ra, Như còn thỏa thuận với Hương để liên hệ, trao đổi với 9 đầu mối, hưởng lợi trung gian hơn 25,6 tỷ đồng.
Tương tự, Phùng Xuân Thục hưởng lợi hơn 28,8 tỷ đồng; Nguyễn Văn Lương hưởng lợi hơn 19,4 tỷ đồng…
Tổng cộng số tiền 32 bị can đã hưởng lợi từ hành vi mua bán hóa đơn là hơn 200 tỷ đồng.
Qua xác minh, cơ quan điều tra đã ghi lời khai các cá nhân có liên quan đến 109 công ty/hộ kinh doanh. Có công ty đến nay không xác định được chủ sở hữu, đại diện pháp luật. Có 3 công ty/hộ kinh doanh đã dừng kinh doanh, không có tài liệu để xác định người thành lập, điều hành…