August 04, 2022 | 11:30 GMT+7

Vụ Trái tim Việt Nam lừa 1.000 người: Vỡ mộng vì đa cấp

Đỗ Mến -

Trong các ngày 1-4/8, TAND TP Hà Nội xét xử 5 bị cáo trong vụ án lừa đảo hàng trăm tỷ đồng của những người dân nghèo tại 16 tỉnh, thành phố liên quan đến chương trình Trái tim Việt Nam...

Bị cáo Trần Đức Trung tại tòa.
Bị cáo Trần Đức Trung tại tòa.

Các bị cáo hầu tòa gồm Trần Đức Trung (SN 1956, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới), Bùi Thị Oanh (SN 1956, ở quận Hoàng Mai), Phạm Văn Lực (SN 1978, ở Hải Dương), Nhâm Sỹ Phúc (SN 1967, ở Thái Bình), Phan Thị Thoa (SN 1989, ở Thái Bình).

Theo ghi nhận có khoảng 100 bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại tòa án, phần lớn là những người lớn tuổi.

VỠ MỘNG VÌ ĐA CẤP

Tại tòa, bà Phạm Thị N. (ở Hải Dương) bức xúc: “Tại một hội nghị quảng bá ở Hải Dương, tôi hỏi ông Trung là tại sao hỗ trợ người nghèo lại bắt đóng tiền. Ông Trung nói tiền này để nuôi nhân viên, còn xin vốn các nhà hảo tâm. Ông này còn giơ bức tranh chụp tờ séc trị giá 100 triệu USD… Tôi nói không tin và kêu gọi mọi người không tham gia vì có dấu hiệu lừa đảo. Ông Trung nói bà không tham gia thì thôi, đừng kêu gọi người khác để họ mất cơ hội làm giàu. Tôi rất uất ức”. Bà N. cho biết nộp 900 triệu đồng vào trung tâm nhưng đến nay mới lấy được hơn 400 triệu đồng.

Một nạn nhân khác là bà Phùng Thị G. (ở Nam Định), chia sẻ rằng bản thân bà vay mượn số tiền 200 triệu đồng đóng góp cho trung tâm do ông Trung đứng tên.

"Ban đầu, trung tâm trả tôi tiền lãi rất sòng phằng nhưng một thời gian sau họ ngừng trả. Đến nay, tôi còn hơn trăm triệu đồng chưa thể lấy, tôi đã lớn tuổi, hoàn cảnh gia đình khó khăn vậy mà họ nhẫn tâm lừa dối khiến tôi lâm cảnh nợ nần", bà G. bức xúc.

Còn một người phụ nữ trung niên ở Bắc Giang cho hay, vài năm trước, người của ông Trần Đức Trung đến địa phương lấy danh nghĩa nhiều vị tướng quân đội ra "làm màu", sau đó lôi kéo bà đóng góp tiền với lãi suất cao. Vì vậy, bà tin tưởng, đóng hơn 100 triệu đồng nhưng vừa đóng được vài ngày thì nhận tin lãnh đạo trung tâm bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam.Từ đó đến nay, bà vẫn chưa được hoàn lại, tòa mở phiên xét xử nhưng nhiều lần hoãn khiến bà đi lại rất vất vả.

Cáo trạng thể hiện, từ tháng 4/2015, Trần Đức Trung và các đồng phạm lấy danh nghĩa Trung tâm để tổ chức chương trình “Trái tim Việt Nam”, hứa hẹn hỗ trợ lãi suất cao để lôi kéo người dân nộp tiền.

Để tạo niềm tin, các đối tượng tổ chức tuyên truyền, hội thảo thu hút người tham gia. Lê Thị Hằng (đã chết) cùng Trần Đức Trung soạn thảo các bức tâm thư, thư kêu gọi ủng hộ Trung tâm và chương trình “Trái tim Việt Nam”, giao cho Hằng đi xin chữ ký ủng hộ của một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sử dụng làm tài liệu tuyên truyền.

Cáo buộc cho rằng, các bị cáo thường xuyên đưa thông tin sai sự thật về nguồn vốn của Trung tâm; tuyên truyền, hứa hẹn với người tham gia trong khoảng thời gian nhất định sẽ được nhận tiền theo chính sách. Tuy nhiên, nguồn tiền để chi trả hầu hết là “lấy của người tham gia sau trả cho người tham gia trước”, một số rất ít là tiền ủng hộ của nhà hảo tâm.

Cụ thể, Trần Đức Trung cùng đồng phạm đã thống nhất đưa ra chính sách nhằm thu hút người tham gia “Câu lạc bộ tích lũy làm giàu” và giao cho bị can Phạm Văn Lực với vai trò là Chủ tịch câu lạc bộ đã ký Bản quy định cho hội viên tham gia, có nội dung: mỗi hội viên mua một hộp thực phẩm chức năng với giá 1,2 triệu đồng để ủng hộ trung tâm, mua đủ 12 tháng sẽ nhận được tiền hỗ trợ, nhưng không quy định số tiền rõ ràng.Sau khi Bản quy định được ký, từ tháng 6/2016, mỗi người dân nộp 1,2 triệu đồng theo hai gói chính sách hỗ trợ, sau 6 tháng sẽ được Trung tâm hỗ trợ lại từ 5,2 triệu đồng – 5,7 triệu đồng; từ mã thứ hai, người dân chỉ phải đóng 700.000 đồng (lợi nhuận từ 437,5% - 814%) và số tiền lãi sẽ tiếp tục tăng lên cấp số nhân nếu nộp nhiều tiền.

Ngoài ra, sau khi đóng tiền, người tham gia được nhận một sản phẩm thực phẩm chức năng hoặc phân vi sinh, sách báo, trị giá khoảng 150.000 đồng. Nếu giới thiệu người khác tham gia sẽ được thưởng 500.000 đồng/người.

Bằng thủ đoạn trên, các bị cáo đã lập 26 điểm tư vấn, 6 nhóm thu tiền. Thông qua các điểm tư vấn, nhóm thu tiền của người dân tham gia tại 16 tỉnh, thành phố, sau đó chuyển tiền về Trung tâm tổng cộng khoảng 148 tỷ đồng.

Số tiền này, nhóm của Trung chiếm đoạt hơn 49 tỷ đồng, trong đó, cá nhân Trung chiếm, hưởng hơn 26,3 tỷ đồng.

Đến khi Trung tâm Hỗ trợ người nghèo bị giải thể, các bị cáo còn tổ chức chương trình “Liên kết ba bên” hoạt động theo mô hình đa cấp để bán thực phẩm chức năng, thu về gần 17,5 tỷ đồng của 104 người. Sau đó, bị cáo Trung chi trả một phần tiền cho những người tham gia chương trình “Trái tim Việt Nam”, còn lại chiếm đoạt 2,7 tỷ đồng.

Bị hại xuất trình nhiều tài liệu thể hiện vai trò của bị cáo Trần Đức Trung trong chương trình "Trái tim Việt Nam".
Bị hại xuất trình nhiều tài liệu thể hiện vai trò của bị cáo Trần Đức Trung trong chương trình "Trái tim Việt Nam".

CỰU CHỦ TỊCH LIÊN TỤC KÊU OAN

Quá trình xét xử, các bị cáo Bùi Thị Oanh, Phạm Văn Lực, Nhâm Sỹ Phúc và Phan Thị Thoa đều thành khẩn khai báo và làm theo chỉ đạo của Trần Đức Trung. Họ mong được các bị hại tha thứ và xin giảm nhẹ hình phạt.

Trong khi đó, bị cáo Trần Đức Trung phản bác toàn bộ nội dung cáo trạng và kêu oan. Trước những lời khai của đồng phạm, bị cáo Trung cho rằng họ khai gian dối. Bị cáo Trung khai nhận, Trung tâm Hỗ trợ người nghèo được thành lập vào năm 2013, nhưng có 2 năm liền hoạt động không hiệu quả. Đến năm 2015, dựa trên những là thư của “lãnh đạo nhà nước”, bị cáo ký quyết định triển khai chương trình “Trái tim Việt Nam”.

Bị cáo Trung nói: “Khi triển khai chương trình, tôi có nói với Phạm Văn Lực dựa trên tinh thần thư chỉ đạo là tất cả những người tham gia Trái tim Việt Nam phải đóng góp tiền tự nguyện”.

Chủ tọa hỏi: “Trung tâm Hỗ trợ người nghèo của bị cáo có vai trò gì? Nguồn vốn đóng góp từ đâu? Đã hỗ trợ gì cho người nghèo?” Bị cáo Trung đáp, trung tâm có vai trò hỗ trợ người nghèo nông thôn Việt Nam phát triển kinh tế; nguồn vốn đóng góp chủ yếu từ các nhà tài trợ và đơn vị tài trợ riêng; trung tâm đã hỗ trợ cho Hội chữ thập đỏ, ủng hộ người nghèo trên 200.000 hộp sữa và phân vi sinh, thực phẩm chức năng. Khi bị cáo Trung vừa dứt lời, một số bị hại phía dưới nói vọng lên "việc ủng hộ đấy là dùng tiền của chúng tôi".

Tại tòa, các bị hại cho biết họ chỉ đóng tiền và mất tiền chứ chưa được hỗ trợ gì. “Bị cáo phụ trách trung tâm, chịu mọi trách nhiệm hoạt động, bây giờ gây thiệt hại hàng trăm tỷ của người ta như thế ai chịu trách nhiệm?”, chủ tọa hỏi tiếp.

Bị cáo Trung nói, ai làm sai thì chịu trách nhiệm, các bị cáo ở đây đã khai nhận thì họ phải chịu. “Thế bị cáo có sai không?”. Ông Trung quả quyết “tôi không sai, tôi làm đúng”.

Trong buổi sáng 4/8, chủ tọa công bố tài liệu là lời khai của Lê Thị Hằng, nội dung toát lên việc bị cáo Trung là thủ trưởng, điều hành trung tâm và chương trình Trái tim Việt Nam.

Trước lời khai quanh co của bị cáo Trung, chủ tọa để bị cáo và các bị hại đối chất. Các bị hại đã xuất trình các văn bản như trả hoa hồng, bản cam kết hỗ trợ hoàn vốn, biên bản họp có chữ ký của bị cáo Trung… Phần lớn bị hại chuyển tiền vào tài khoản các trưởng điểm và được nhận phiếu thu. Họ cũng cho biết bị cáo Trung có đến điểm tư vấn, tuyên truyền chương trình Trái tim Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate