August 24, 2021 | 18:52 GMT+7

Vừa bắt đầu hồi phục, ngành hàng không thế giới lại điêu đứng vì biến chủng Delta

Bình Minh -

Biến chủng Delta của Covid-19 đang đe doạ ngành hàng không, ngay lúc các thị trường chủ chốt gượng dậy từ đại dịch.

Một máy bay của Qantas Airways ở sân bay Sydney hồi tháng 6 - Ảnh: Bloomberg.
Một máy bay của Qantas Airways ở sân bay Sydney hồi tháng 6 - Ảnh: Bloomberg.

Tại Mỹ, hãng Southwest Airlines nói rằng biến chủng Delta chính là nguyên nhân khiến hành khách huỷ chuyến hàng loạt. Sự giảm tốc của nhu cầu có thể khiến hãng này và nhiều hãng bay khác rơi vào tình trạng thua lỗ trong quý 3/2021.

Sau khi dẫn đầu sự phục hồi của ngành hàng không toàn cầu trong phần lớn thời gian của năm qua, thị trường Trung Quốc đang lùi lại khi các hãng bay ở nước này có số ghế chào bán ít nhất  6 tháng, trong bối cảnh Chính phủ siết chặt các biện pháp chống dịch.

Các hãng bay ở Australia cũng lao đao khi hơn một nửa đất nước bị đặt trong tình trạng phong toả.

“Rất có khả năng biến chủng Delta sẽ phá hỏng bất kỳ sự phục hồi nào” của ngành hàng không - nhà phân tích John Grant của OAG nói với hãng tin Bloomberg. Nếu sự phục hồi vẫn diễn ra, thì sẽ diễn ra theo kiểu đứt đoạn do những đợt dịch bùng phát sẽ khiến các chính phủ ngần ngại với việc mở cửa trở lại biên giới.

Châu Âu đang là một điểm sáng hiếm hoi trên thị trường hàng không toàn cầu. Khu vực này là nơi duy nhất nơi “hộ chiếu vaccine” được sử dụng rộng rãi. Trong phần lớn thời gian của năm ngoái, hoạt động đi lại bằng máy bay ở châu Âu tê liệt do những làn sóng Covid liên tiếp. Hiện nay, những hãng bay như Ryanair đang ra sức phục vụ hành khách nhờ tỷ lệ tiêm chủng đã đạt mức cao.

Bloomberg điểm lại ảnh hưởng của biến chủng Delta đến các thị trường hàng không chính của thế giới ở thời điểm hiện nay:

MỸ

Ngành hàng không Mỹ đã có một mùa hè hồi phục khả quan, khi lượng khách đi máy bay đạt 80% so với trước đại dịch. Các hãng bay đã hy vọng sự phục hồi này tiếp tục trong mùa thu, nhưng hy vọng đó giờ đây đang tắt dần do số ca nhiễm Covid mới tăng mạnh khiến hành khách và nhà đầu tư hoảng sợ. Giá cổ phiếu của các hãng hàng không Mỹ giảm mạnh trong tuần trước, khiến chỉ số Bloomberg Americas Airlines Index đo các cổ phiếu này tụt 5,6% trong tuần, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2.

Hôm 11/8, Southwest Airlines cảnh báo về tình trạng khách đặt vé giảm trong khi khách huỷ chuyến tăng mạnh. Hãng nói sẽ rất khó để lặp lại kết quả kinh doanh có lãi như tháng 7 trong 2 tháng còn lại của quý 3. Hãng bay giá rẻ Frontier Group và Spirit Airlines cũng cho biết có thể báo lỗ trong quý 3 này.

Biến chủng Delta cũng kìm hãm nhu cầu đi máy bay của khách hàng doanh nghiệp. Nhiều công ty trì hoãn kế hoạch đưa nhân viên trở lại văn phòng làm việc thêm tới 3 tháng, khiến đà phục hồi của lượng khách doanh nghiệp khựng lại - CEO Ed Bastian của Delta Air Lines cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn Fox TV hôm 9/8. Lượng khách doanh nghiệp của Delta hiện bằng chưa đầy 50% so với hồi năm 2019.

TRUNG QUỐC

Dữ liệu từ Cirium, một dịch vụ theo dõi giao thông hàng không, cho thấy các hãng bay Trung Quốc dự kiến vận hành 360.509 chuyến bay trong tháng 8, con số ít nhất kể từ tháng 2. Số chuyến bay sụt giảm khi Trung Quốc triển khai các biện pháp mạnh tay để dập đợt bùng phát dịch Covid bắt đầu hôm 20/7, bao gồm cắt giảm hoạt động sân bay tại các địa phương như Nam Kinh, Bắc Kinh và Dương Châu. Ngày 23/8, Trung Quốc cho biết không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong cộng đồng, một dấu hiệu khả quan cho thấy sự sụt giảm của thị trường hàng không nước này có thể không kéo dài.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg TV hôm 23/8, người đứng đầu cơ quan thương mại của chính quyền Hồng Kông, ông Edwar Yau, nói rằng cần phải khống chế được Covid trước khi mở cửa hoàn toàn biên giới. Các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đang gây áp lực lên hãng bay Cathay Pacific Airways của Hồng Kông, nhất là khi hãng này không có thị trường nội địa để khai thác.

“Cực kỳ khó để lên kế hoạch và vận hành trong một môi trường liên tục thay đổi”, Chủ tịch Patrick Healy của Cathay nói hôm 11/8, khi hãng này công bố khoản lỗ 7,6 tỷ Đôla Hồng Kông, tương đương 976 triệu USD, trong nửa đầu 2021.

CHÂU ÂU

Biên giới mở hơn và yêu cầu kiểm dịch nới lỏng hơn đang giúp lấp đầy các chuyến bay ở châu Âu trong những tháng mùa hè. Đây là dịp để các hãng bay ở châu Âu tích trữ tiền để vượt qua những tháng mùa đông, khi lượng khách có thể giảm xuống. Lượng khách đi máy bay ở châu Âu hiện bằng khoảng 2/3 so với mức của năm 2019, nhưng đã là một sự phục hồi đáng kể so với mức chỉ 1/3 vào thời điểm tháng 4.

Hãng bay giá rẻ Ryanair kỳ vọng báo lãi trong quý 3 này và mở thêm 250 tuyến mới trong mùa đông để giữ đà hồi phục. Hãng đối thủ Wizz Air dự kiến công suất sẽ trở lại mức trước đại dịch trong tháng 8, một thành tích mà hầu như chưa có hãng hàng không nào trên thế giới đạt được.

Hãng Deutsche Lufthansa của Đức hồi đầu tháng 8 nói rằng các tuyến bay của hãng giữa châu Âu với Bắc Mỹ có thể mở lại vào cuối mùa hè, và các tuyến nối châu Á có thể mở lại từ cuối năm. Hãng Air France-KLM của Pháp dự kiến có lãi trở lại trong quý 3, khi công suất của hãng phục hồi về mức 70% bình thường.

AUSTRALIA VÀ NEW ZEALAND

Biến chủng Delta bùng phát đã đảo ngược sự hồi phục của hãng Qantas Airways. New South Wales và Victoria, hai bang đông dân nhất của Australia, đang bị phong toả trong lúc nhà chức trách ra sức đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng còn ì ạch. Phong toả kéo dài - ở Sydney suốt từ cuối tháng 6 cho tới ít nhất cuối tháng 9 - khiến Qantas phải cắt giảm công việc của thêm 2.500 nhân viên, nâng tổng số lên 9.500 nhân viên bị ảnh hưởng. Hoạt động bay nội địa của hãng trong tháng 7 giảm từ mức 90% so với trước đại dịch xuống còn chưa đầy 40%.

Hoạt động của hãng Air New Zealand cũng trở nên hết sức thưa thớt sau khi New Zealand kéo dài tình trạng phong toả toàn quốc cho tới ngày 27/8. Đợt phong toả này bắt đầu sau khi New Zealand phát hiện ca nhiễm Covid đầu tiên kể từ tháng 2. Hôm 23/8, nước này ghi nhận 35 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trong đợt dịch hiện nay lên 107 ca.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate