Trong khi thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở nhiều quốc gia bị giảm sút mạnh, thậm chí là "đóng băng", nhưng vẫn có những dự án quy mô lớn đến với Việt Nam, ngay cả trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp...
ĐÓN LOẠT DỰ ÁN "KHỦNG"
Mới đây, dự án Nhiệt điện Ô Môn II, công suất thiết kế 1.050 MW, với tổng vốn đăng ký khoảng 1,3 tỷ USD, của liên danh Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) và Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng (Vietracimex) đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đây là một trong 4 nhà máy thuộc Trung tâm điện lực Ô Môn (Cần Thơ), dự kiến vận hành năm 2026 nhằm đảm bảo nguồn cung điện ổn định cho khu vực thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long.
Không chỉ vậy, một dự án có quy mô "khủng" khác cũng được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngay trong những ngày đầu tháng 2/2021. Đó là dự án tăng vốn thêm 750 triệu USD của LG Display. Như vậy, sau 4 lần điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn mà LG Display đổ vào Hải Phòng đã lên tới 3,25 tỷ USD và trở thành dự án FDI lớn nhất tại địa phương này. Theo kế hoạch, ngay sau khi được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, LG Display sẽ nhanh chóng triển khai xây dựng, lắp đặt phần mở rộng và dự kiến đến tháng 5/2021 có thể bắt đầu đi vào sản xuất.
Trong khi đó, sau dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất các loại máy tính bảng, máy tính xách tay tại tỉnh Bắc Giang, Tập đoàn Foxconn cũng vừa có chuyến công tác tại Thanh Hóa nhằm khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất thiết bị điện tử. Theo đó, Foxconn Việt Nam mong muốn được tỉnh Thanh Hóa giới thiệu địa điểm và ủng hộ tập đoàn đầu tư vào một khu công nghiệp quy mô khoảng 150 ha để xây dựng các nhà máy sản xuất với tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD, doanh thu xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD/năm, sử dụng khoảng 100.000 - 150.000 lao động.
Đáng chú ý, trước đó hồi tháng 6/2020, Tập đoàn Milennium Energy (Hoa Kỳ) cũng đã đặt bút ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư với đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá về việc đầu tư xây dựng Nhà máy phát điện bằng khí hóa lỏng có công suất lên đến 4.800 MW với quy mô vốn lên tới 5 tỷ USD. Điều đáng nói, đây là dự án không khai thác tài nguyên của Việt Nam mà phía tập đoàn cam kết sẽ tự cung ứng, nhập khẩu 100% nguyên liệu đầu vào từ các nước khác, do duy nhất tập đoàn đầu tư và 1 tổ chức tài chính lớn của Hoa Kỳ tài trợ vốn. Từ đó đến nay, phía Tập đoàn Milennium Energy đã thuê tư vấn thiết kế, triển khai một số công việc liên quan. Đây là động thái cho thấy, khả năng nhà đầu tư sẽ đầu tư vào Thanh Hoá là rất lớn.
Hay mới đây nhất, vào cuối tháng 1/2021, Tập đoàn AVG Capital Partners (Liên bang Nga) đã ký kết biên bản ghi nhớ theo hình thức trực tuyến với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai dự án Tổ hợp chế biến thịt lợn với quy mô đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD.
VIỆT NAM VẪN LÀ ĐIỂM ĐẾN FDI
Rõ ràng, những thông tin mới nhất về các dự án đầu tư trong tương lai đã cho thấy những tín hiệu tích cực trong thu hút FDI những tháng đầu năm, nhất là sau khi vốn đăng ký FDI sụt giảm mạnh trong tháng 1/2021.
Điều đáng nói, không chỉ là con số "tỷ đô", các dự án vừa được cấp giấy chứng nhận đầu tư đều được đánh giá cao về chất lượng đầu tư. Chẳng hạn như dự án LG Display, theo nhiều dự đoán, việc nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc này liên tục mở rộng đầu tư có liên quan đến việc tăng nhu cầu đặt hàng các sản phẩm màn hình thế hệ mới của Apple.
Hay như Foxconn, sau dự án tại Bắc Giang, tập đoàn này tiếp tục lựa chọn Việt Nam để mở rộng nhà xưởng, gia tăng sự hiện diện của mình tại đây. Qua đó cho thấy, lần lượt các "ông lớn" của ngành thiết bị di động toàn cầu đều đã chọn Việt Nam làm địa điểm sản xuất chiến lược. Điều này làm dấy lên hy vọng về sự cải thiện chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Một khảo sát được Tổ chức Thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO) công bố hồi đầu tháng 2/2021 cho thấy, Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư được các doanh nghiệp Nhật Bản cân nhắc. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời sẽ mở rộng kinh doanh trong năm 2021 là 46,8%.
Trong đó, tăng doanh thu tại thị trường địa phương, tăng doanh thu nhờ mở rộng xuất khẩu và tiềm năng tăng trưởng cao... là những lý do hàng đầu khiến doanh nghiệp Nhật Bản chọn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Đáng chú ý, có hơn 86% doanh nghiệp Nhật trả lời tới năm 2021, hoạt động kinh doanh sẽ được bình thường hóa trong bối cảnh dịch Covid-19.
CHỦ ĐỘNG ĐÓN THỜI CƠ
Trong khoảng vài năm trở lại đây, dòng vốn FDI chất lượng liên tục đổ vào Việt Nam. Những "ông lớn" như Samsung, LG đã liên tục mở rộng sản xuất, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đang từng bước biến Việt Nam trở thành trung tâm R&D của các tập đoàn.
Đáng chú ý, không chỉ Foxconn, rất nhiều tên tuổi khác trong chuỗi sản xuất cho Apple như Luxshare, Pegatron, Wistron... cũng đã có mặt tại Việt Nam để từng bước hoàn thiện hệ sinh thái cho "táo khuyết" tại thị trường.
Không chỉ trong lĩnh vực công nghệ, rất nhiều dự án trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp với hàm lượng công nghệ cao cũng đang nhắm tới Việt Nam. Vấn đề đặt ra lúc này là làm sao để hấp thụ được nguồn vốn này khi sự dịch chuyển vốn đầu tư quốc tế ngày càng trở nên mạnh mẽ.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã ban hành chính sách ưu đãi và hỗ trợ các công ty dịch chuyển dây chuyền sản xuất về nước hoặc đầu tư sang nước thứ ba nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Việt Nam cần tận dụng cơ hội này bằng việc "hoá giải" những thách thức, điểm nghẽn trong thu hút FDI chất lượng những năm qua.
Thứ nhất, về điều kiện mặt bằng sản xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đang rà soát các dự án chậm triển khai, hoạt động không hiệu quả... để thu hồi, tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư mới. Rà soát, xây dựng danh sách các địa phương, khu công nghiệp, khu kinh tế đã chuẩn bị về hạ tầng, nhân lực, năng lượng... có thể sẵn sàng tiếp nhận ngay các dự án trong dòng chuyển dịch, tái định vị sản xuất. Rà soát, xem xét bổ sung quy hoạch khu công nghiệp để đón dòng vốn FDI mới.
Thứ hai, về nguồn nhân lực, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đào tạo lao động trong các ngành nghề chất lượng cao, như kỹ thuật số, công nghệ thông tin, ứng dụng tin học, điện tử - viễn thông, cơ khí - chế tạo. Rà soát chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp FDI. Xây dựng cơ sở dữ liệu về danh sách lao động kỹ thuật Việt Nam đã làm việc, tu nghiệp ở nước ngoài để cung cấp cho doanh nghiệp tuyển chọn.
Thứ ba, để phát triển công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách phát triển ngành này. Bộ Công Thương đã xây dựng Cổng thông tin điện tử công nghiệp hỗ trợ để các nhà đầu tư nước ngoài có thể kết nối, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam (vsi.gov.vn)...
"Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, để giữ sức hút, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, cũng như thúc đẩy khôi phục kinh tế hiệu quả", ông Hoàng khẳng định.