Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/12/2021, trong tháng 12 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 66,5 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19%; nhập khẩu tăng 26,5%.
Cụ thể về xuất khẩu, trong tháng 12/2021 đạt 34,5 tỷ USD, tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong quý 4/2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 95,6 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 16,4% so với quý 3/2021 (tăng 19,5% so với quý 2/2021 và tăng 21,9% so với quý 1/2021).
Tính chung năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 88,71 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 247,54 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 73,6%.
Trong năm 2021 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%).
Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực năm 2021 thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài: Điện thoại các loại và linh kiện chiếm 99,3%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 93%; dệt may chiếm 61,7%; giầy dép các loại chiếm 79,3%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2021, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,2%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm trước; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 7,1%, giảm 0,2 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,6%, giảm 0,4 điểm phần trăm; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,1%, bằng năm trước.
Từ chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 12/2021 đạt 32 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong quý 4/2021, kim ngạch nhập khẩu đạt 89,07 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6,2% so với quý 3/2021 (tăng 6,5% so với quý 3/2021 và tăng 17,6% so với quý 1/2021).
Tính chung năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 114,07 tỷ USD, tăng 21,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 218,18 tỷ USD, tăng 29,1%.
Trong năm 2021 có 47 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 94,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,5%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 46,6%, giảm 2,1 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 46,9%, tăng 2,3 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,5%, giảm 0,2 điểm phần trăm.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 95,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,9 tỷ USD.
Năm 2021 xuất siêu sang EU ước đạt 23 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 54 tỷ USD, tăng 53%; nhập siêu từ Hàn Quốc 34,2 tỷ USD, tăng 22,9%; nhập siêu từ ASEAN 12 tỷ USD, tăng 63,1%; nhập siêu từ Nhật Bản 2,4 tỷ USD, tăng 127,9%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng12/2021 xuất siêu 2,54 tỷ USD. Tính chung năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4 tỷ USD (năm trước xuất siêu 19,94 tỷ USD). Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,36 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29,36 tỷ USD.
Kết quả xuất nhập khẩu năm 2021 trong bối cảnh khó khăn bủa vây bởi dịch bệnh Covid-19 là một sự “chuyển mình” ấn tượng của cả nền kinh tế. Đặc biệt, các ngành có thế mạnh như dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản… dù chịu tác động lớn của dịch bệnh nhưng vẫn đạt mục tiêu sớm hơn dự kiến.
Đóng góp tích cực cho thành tích xuất nhập khẩu năm 2021 có động lực từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được các doanh nghiệp tận dụng khá hiệu quả, khi kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này đều đạt mức tăng trưởng cao, ấn tượng nhất là Hoa Kỳ trở thành thị trường lớn nhất về xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các thị trường nhỏ hơn, các thị trường “nhánh” trong khối Châu Âu cũng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu rất đáng kể. Đặc biệt, tăng trưởng xuất khẩu sang hai thị trường mà Việt Nam mới có FTA, như Canada và Mexico liên tục duy trì hai con số.
Thị trường tiềm năng và còn nhỏ như Peru cũng tăng trưởng bất ngờ về kim ngạch xuất khẩu, có giai đoạn lên đến 300%. Còn với thị trường EU, thị trường Anh cũng tăng trưởng 2 con số.
Nhận định về triển vọng xuất, nhập khẩu năm 2022, các tổ chức trong nước và quốc tế cho rằng rất lạc quan do thương mại toàn cầu được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi.
Đồng thời, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2022 sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các nước đối tác. Xuất khẩu của Việt Nam sẽ duy trì tốc độ cao và tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế.