Tại Hội nghị toàn thể Hội viên VASEP năm 2024 vừa qua, ông Đỗ Ngọc Tài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch Ủy ban Tôm VASEP cho biết trong 5 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 103 thị trường, mang về 1,3 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
KHÓ TĂNG TRƯỞNG MẠNH TRONG QUÝ 3/2024
Phân tích về từng loại sản phẩm tôm xuất khẩu, ông Đỗ Ngọc Tài cho hay trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tôm chân trắng trị giá gần 935 triệu USD, tăng 21%; tôm sú đạt 155 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm hùm đạt hơn 106 triệu USD, tăng đột phá gấp gần 70 lần so với cùng kỳ. Các mặt hàng khác như tôm sắt, tôm càng, tôm tít, tôm vằn cũng có xu hướng tăng tích cực trong thời gian qua.
Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu các sản phẩm tôm chế biến đều có xu hướng giảm. Cụ thể, tôm chân trắng chế biến mã HS16 giảm 31%, tôm sú chế biến giảm 72%, tôm khô giảm 41% và tôm khác chế biến giảm 99%. Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm tôm sống/tươi/ướp lạnh/đông lạnh ghi nhận tăng như tôm chân trắng tăng 12%, tôm sú tăng đột phá gấp 158 lần…
"Một tín hiệu cực kỳ lạc quan đối với ngành hàng tôm xuất khẩu vào Trung Quốc là sản phẩm tôm Việt Nam hiện nay đang có giá cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Điều này phản ánh, thị trường Trung Quốc đã nhận thức và đánh giá chất lượng của tôm Việt Nam cao hơn so với hàng từ các nước khác".
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP.
Về thị trường xuất khẩu tôm, ông Đỗ Ngọc Tài thông tin: Điều bất ngờ nhất trong 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ, để trở thành thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam.
Năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch 682 triệu USD; Trung Quốc chỉ chiếm vị trí thứ hai, với hơn 550 triệu USD. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt 260 triệu USD, tăng 21%; trong khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ chỉ đạt 229 triệu USD, tăng 1%.
"Xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tăng trưởng giảm dần từ tháng 1 đến tháng 4. Và sang tháng 5 có dấu hiệu giảm nhiều. Nguyên nhân chính là giá tôm của Việt Nam cao hơn so với giá của các nguồn cung đối thủ”, ông Đỗ Ngọc Tài thông tin.
Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP, tại thị trường Trung Quốc, Ecuador là nhà cung cấp tôm chiếm thị phần rất lớn nhưng chủ yếu là tôm dưới dạng nguyên liệu. Trong khi đó, sản phẩm tôm Việt Nam lại rất đa dạng, có thế mạnh là sản phẩm chế biến và người tiêu dùng Trung Quốc sẽ có nhiều lựa chọn.
Mặt khác, căng thẳng từ Biển Đỏ đẩy giá cước vận tải biển tăng cao khiến các doanh nghiệp Ecuador đang gặp khó trong việc đưa hàng đến Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng nhìn thấy khó khăn khi xuất khẩu tôm đến các thị trường xa như EU, Hoa Kỳ… và đang có nhiều giải pháp tập trung khai thác lợi thế, đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào Trung Quốc.
Tuy vậy, VASEP dự báo xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong quý 3/2024 khó có thể tăng trưởng mạnh. Nguyên nhân là do nhu cầu tôm đông lạnh của Trung Quốc chậm lại. Tại Trung Quốc, Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh với Ecuador. Bắt đầu từ 1/5/2024, Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu xuống 0% cho tôm Ecuador theo Hiệp định thương mại tự do song phương.
TIẾP TỤC ĐỐI MẶT VỚI NHIỀU THÁCH THỨC
Ông Đỗ Ngọc Tài cho biết Hoa Kỳ từ vị trí số 1 đã bị đẩy xuống thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của tôm Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024. Xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ chỉ tăng mạnh trong tháng 1, còn từ tháng 2 đến tháng 5 giảm mạnh.
Theo ông Tài, trong 5 tháng đầu năm nay, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của tôm Việt Nam, đạt 183 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy tồn kho của các nhà nhập khẩu không nhiều, nhưng do đồng Yên mất giá từ đầu năm đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi và lạm phát cao nên người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm.
Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản giảm liên tục từ tháng 2 đến tháng 5, tuy nhiên tốc độ giảm không mạnh như những thị trường khác. Nhật Bản vẫn được coi là thị trường có nhu cầu nhập khẩu tương đối ổn định hơn so với những thị trường khác. Hàng tôm giá trị gia tăng của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các nguồn cung khác như Ấn Độ, Ecuador.
"Tại thị trường Hoa Kỳ, lạm phát vẫn cao, các chi phí nhà ở, xăng gas... vẫn cao, khiên tiêu dùng mặt hàng tôm chưa tăng. Bên cạnh đó, cước tàu tăng đột biến 40% từ tháng 5 do chiến tranh ở Trung Đông và Trung Quốc gom container rỗng để dự phòng xuất hàng cho Hoa Kỳ trước kỳ hạn bị áp thuế mới. Tại Hoa Kỳ, tôm Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh về giá với tôm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia. Dự báo nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam vào Hoa Kỳ có thể tăng nhẹ vào quý 3 năm nay".
Vị trí thứ 4 thuộc về thị trường EU. Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 165 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tôm sang EU sau khi giảm trong tháng 2 và 3, đã phục hồi tăng trở lại trong tháng 4 và 5.
Tiêu thụ tôm của thị trường EU trong nửa đầu năm rất chậm do thị trường này ảnh hưởng nhiều bởi chiến tranh Nga-Ukraine kéo dài, đồng EURO mất giá so với USD, cước tàu tăng đột biến 60% do phải đi vòng, Trung Quốc gom container rỗng để xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, tôm Việt Nam vẫn phải cạnh tranh mạnh hơn với các nguồn cung đối thủ trên thị trường này như Ấn Độ, Ecuador do 2 nguồn cung này gặp khó với mức thuế cao trên thị trường Hoa Kỳ, nên sẽ giảm giá để tăng lượng xuất khẩu vào châu Âu.
Dự báo những tháng tới, nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường EU dự kiến tăng nhẹ cho đến cuối năm, trong đó nhu cầu nhập khẩu hàng giá trị gia tăng của thị trường này sẽ tăng trưởng tốt hơn các mặt hàng truyền thống vì tồn kho đã giảm nhiều.
Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 124 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu tiêu thụ chậm, lạm phát cao, tiền mất giá, lãi suất tăng khiến cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc chưa thể phục hồi. Tuy tồn kho có giảm nhưng các nhà nhập khẩu không dám mua nhiều vì lạm phát còn cao, đồng tiền vẫn còn mất giá và chuẩn bị vào mùa vụ chính họ sợ tôm sẽ xuống giá.
Nhận định về ngành tôm trong quý 3/2024, ông Đỗ Ngọc Tài cho rằng xuất khẩu tôm Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức như giá xuất khẩu giảm, áp lực cạnh tranh mạnh từ các nguồn cung đối thủ, chi phí vận chuyển và giá đầu vào tăng mạnh, xung đột địa chính trị, suy thoái kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đã và đang nỗ lực vạch ra các chiến lược để phát triển như gia tăng chất lượng, tạo sự khác biệt cho sản phẩm của mình trên thị trường.