Những đợt bán ngắn hạn hôm nay thậm chí còn ép VN-Index rơi qua tham chiếu tới 3 lần. Dù vậy dòng tiền bắt đáy hấp thụ tốt, duy trì độ rông cân bằng ở cổ phiếu và các trụ ngân hàng tiếp tục đẩy chỉ số cuối ngày lên mức cao nhất phiên.
Áp lực bán đến từ cả nhà đầu tư trong nước lẫn khối ngoại và xuất hiện trên diện rộng. Thay đổi độ rộng thị trường cho thấy phần lớn thời gian số lượng cổ phiếu giảm giá áp đảo số tăng. Mức giảm sâu nhất của VN-Index là -0,14% và kết phiên tăng 0,34%. Độ rộng cân bằng hơn với 221 mã tăng/267 mã giảm.
Việc thị trường xuất hiện áp lực chốt lời là điều không có gì bất ngờ. Biên lợi nhuận ngắn hạn vẫn đang rất tốt và nhà đầu tư muốn hiện thực hóa. Thêm nữa, thị trường chứng khoán Mỹ đang giằng co tại đỉnh cao lịch sử và có 3 phiên sụt giảm. Nhà đầu tư hoàn toàn có lý do để thận trọng nếu chứng khoán Mỹ rơi vào nhịp điều chỉnh, tâm lý trong nước sẽ bị ảnh hưởng. Thêm nữa, khối ngoại vẫn đang bán ròng tương đối mạnh.
Dù vậy ảnh hưởng chính vẫn là các quan điểm ngắn hạn đang chi phối thị trường. Phiên hôm qua thanh khoản gia tăng cực mạnh tạo cảm giác xả ở nhiều mã. Hôm nay các đợt chốt lời cũng xuất hiện liên tục và thị trường chỉ phục hồi cho tới 30 phút cuối của đợt khớp lệnh liên tục. Khả năng giữ nhịp của nhóm blue-chips đóng vai trò quan trọng.
VN30-Index kết phiên tăng 0,41%, tốt hơn mức tăng 0,34% của VN-Index. Midcap tăng 0,13%, Smallcap tăng 0,1%. Độ rộng nhóm VN30 cũng khá với 19 mã tăng/11 mã giảm, trong đó POW là cổ phiếu duy nhất giảm hơn 1%, mất 1,31%. Nhóm top 10 mã vốn hóa lớn nhất có 4 mã giảm là VHM giảm 0,81%, VIC giảm 0,11%, VPB giảm 0,78% và VNM giảm 0,29%. Các trụ tăng là VCB tăng 0,35%, BID tăng 1,95%, GAS tăng 0,65%, HPG tăng 0,18%, CTG tăng 1,4% và FPT tăng 0,21%.
Như vậy trong nhóm trụ hàng đầu, lực kéo từ phía tăng nhỉnh hơn nhờ BID, CTG, VCB. Mặt khác nhóm tầm trung cũng có nhiều mã mạnh như MBB tăng 1,99%, STB tăng 2,45%, GVR tăng 1,87%, SSI tăng 1,64%, MWG tăng 1,5%, VIB tăng 1,47%.
Về cơ bản áp lực chốt lời hôm nay chỉ tạo dao động ở cổ phiếu và không ảnh hưởng nhiều. Trong 267 mã đỏ của VN-Index, chỉ có 66 mã giảm hơn 1% và thanh khoản nhóm này chỉ chiếm 8,7% tổng khớp của sàn. Một số mã bị xả nổi bật là HAG với 443,9 tỷ đồng thanh khoản, giá giảm 1,5%; CII với 147 tỷ đồng, giá giảm 1,16%; PNJ với 93,6 tỷ, giá giảm 1,42%; PVD với 78,1 tỷ giá giảm 1,07%; PC1 với 66,7 tỷ giá giảm 1,42%... Đây là trạng thái giá tích cực đáng kể về cuối phiên, khi trong phiên có tới 180 cổ phiếu giảm tối đa hơn 1%.
Phía tăng thị trường cũng không mạnh, chỉ có 65/221 mã tăng trên 1% nhưng thanh khoản nhóm này chiếm 34,4% sàn. Loạt cổ phiếu thu hút dòng tiền mạnh, giao dịch đều trên trăm tỷ đồng và giá tăng tốt là STB, SSI, DIG, MBB, MWG, DXG, CTG, DGW, VSC. Dòng tiền tập trung mua mạnh vẫn tạo hiệu ứng giá nổi bật ở nhiều mã, dù phần lớn cổ phiếu hôm nay chi biến động hẹp.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục phát đi tín hiệu bất lợi khi bán ròng sang phiên thứ 4 liên tiếp, nghĩa là bán trọn cả tuần đầu tiên của năm 2024. Hôm nay HoSE bị rút đi 419 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ đầu tuần. Điểm tốt là hoạt động xả chính tập trung vào chứng chỉ quỹ FUEVFVND với -226,3 tỷ đồng. Chỉ số ít cổ phiếu bị bán đáng kể khác là VHM -101 tỷ, MSN -49,8 tỷ, VRE -39,6 tỷ, SHB -30,7 tỷ, HPG -26,4 tỷ. Phía mua ròng có VCB +62,8 tỷ, OCB +42,1 tỷ, ASM +42 tỷ, VPB +39,7 tỷ, VHC +21,7 tỷ.