October 04, 2024 | 19:19 GMT+7

Vượt qua bão lũ, ngành nông lâm ngư nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng 3,1%

Chu Khôi -

Trong tháng 9/2024, tuy bị thiệt hại nghiêm trọng do bão số 3 và mưa lũ sau bão, nhưng tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông lâm ngư nghiệp vẫn đạt mức trên 3%, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô. Ngành nông nghiệp vẫn bảo đảm tốt cung ứng lương thực thực phẩm cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...

Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 9 tháng năm 2024 tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 9 tháng năm 2024 tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ thông tin với báo chí vào sáng 4/10/2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông lâm ngư nghiệp 9 tháng năm 2024 khoảng 3,1 - 3,2%. Thặng dư thương mại của ngành là điểm nhấn ấn tượng, với xuất siêu 13,86 tỷ USD, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm trước.

SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TĂNG KHÁ

Trong 3 quý đầu năm, cả nước gieo cấy 6,93 triệu ha lúa, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; thu hoạch 5,4 triệu ha, tăng 0,7%; năng suất bình quân 63 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha; sản lượng trên diện tích thu hoạch 34 triệu tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vụ lúa Hè Thu cả nước gieo cấy 1,91 triệu ha, giảm 0,2%, thu hoạch 1,8 triệu ha, tăng 0,4%, năng suất bình quân 58,3 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng trên diện tích thu hoạch 10,5 triệu tấn, tăng 1,7%. Vụ lúa Mùa, cả nước gieo cấy 1,45 triệu ha, tăng 0,2%; vụ lúa Thu Đông các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy 626 nghìn ha, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước

 

"Đối với ngành thuỷ sản, sản lượng tháng 9 đạt 890,5 nghìn tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, tổng sản lượng thuỷ sản đạt 7.019,1 nghìn tấn, tăng 2,4%. Trong đó: Khai thác 2.974,3 nghìn tấn, tăng 0,7%; Nuôi trồng 4.044 nghìn tấn, tăng 3,7% (cá tra 1.259,5 nghìn tấn, tăng 4,6%; tôm 976 nghìn tấn, tăng 4,5%)"

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối với cây rau màu, cả nước gieo trồng 815,8 nghìn ha ngô, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái; 74,2 nghìn ha khoai lang, tăng 1,8%; 28,2 nghìn ha đậu tương, giảm 3,1%; 144,2 nghìn ha lạc, giảm 2,1%; 1.022,8 nghìn ha rau đậu, tăng 0,4%.

Mặc dù, sản xuất cây lâu năm trong tháng 9 bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ, nhưng tính chung 9 tháng vẫn đạt khá. Nhiều diện tích cây ăn quả được trồng mới từ những năm trước nay đã vào kỳ thu hoạch.

Tổng diện tích cây ăn quả đạt 1.281,1 nghìn ha, tăng 27,7 nghìn ha, tăng 2,2% so với năm 2023. Hầu hết cây ăn quả chủ lực đạt sản lượng cao hơn so với cùng kỳ, trong đó: sản lượng sầu riêng 984,8 nghìn tấn, tăng 16,6%; xoài 858,4 nghìn tấn tăng 3,6%; cam 1.084,4 nghìn tấn, tăng 2,3%; chôm chôm 288 nghìn tấn, tăng  0,1%; thanh long 692,8 nghìn tấn, tăng 1,3%. Một số cây ăn quả có sản lượng giảm như: nhãn 482,7 nghìn tấn, giảm 13,6%; nho 19,2 nghìn tấn, giảm 7,2%; vải 246,2 nghìn tấn, giảm 36,1%; quýt 104,8 nghìn tấn, giảm 1%.

Diện tích của nhóm cây công nghiệp hiện đạt 2.185,4 nghìn ha, giảm 3,6 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước, nhưng thời tiết thuận lợi nên sản lượng cây công nghiệp chủ lực cao hơn cùng kỳ. Trong đó, cao su 877,64 nghìn tấn mủ khô, tăng 2,7%; cà phê 7,9 nghìn tấn, tăng 1,3%; chè búp  927,3 nghìn tấn, tăng 0,1%; hồ tiêu 244,6 nghìn tấn, tăng 3,2%; dừa 1.574,7 nghìn tấn, tăng 5,1%. Riêng điều 315 nghìn tấn, giảm 9,6%.

Đối với ngành chăn nuôi, tổng sản lượng thịt hơi trong 9 tháng đạt 6,13 triệu tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Đàn trâu giảm khoảng 3,6%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 90,5 nghìn tấn, giảm 0,1%; Đàn bò giảm khoảng 0,4%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 378,1 nghìn tấn, tăng 1,3%; sữa bò tươi 942,3 triệu lít, tăng 5,6%; Đàn lợn ước tăng 2,5%, sản lượng thịt lợn hơi 3.835 nghìn tấn, tăng 5,2%; Đàn gia cầm tăng 2,2%; sản lượng thịt 1.821,6 nghìn tấn, tăng 4,9%; trứng 14,95 tỷ quả, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với ngành lâm nghiệp, trong tháng 9/2024, cả nước trồng 30,8 nghìn ha rừng, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác 2.043,5 nghìn m3, tăng 5,7%. Lũy kế 9 tháng, đã trồng 187,2 nghìn ha rừng, tăng 2,5%; sản lượng gỗ khai thác 16.068,9 nghìn m3, tăng 7,0%; thu 2.279,91 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 71,25% kế hoạch của năm 2024.

XUẤT KHẨU NÔNG LÂM THUỶ SẢN ĐẠT HƠN 46 TỶ USD

Tháng 9/2024, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 5,85 tỷ USD, tăng 31% so với tháng 9/2023. Trong đó, nông sản chính đạt 3,41 tỷ USD, tăng 50,9%; lâm sản đạt 1,33 tỷ USD, tăng 11%; thủy sản 920 triệu USD, tăng 13,4%; chăn nuôi đạt 46,1 triệu USD, tăng 19,1%. Riêng đầu vào sản xuất đạt 135 triệu USD (giảm 10,8%).

Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nông sản đạt 24,85 tỷ USD, tăng 27,7%; lâm sản đạt 12,46 tỷ USD, tăng 20,3%; thủy sản đạt 7,23 tỷ USD, tăng 9,5%; sản phẩm chăn nuôi 376 triệu USD, tăng 3,8%. Riêng đầu vào sản xuất, giá trị xuất khẩu chỉ đạt 1,36 tỷ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm trước. Cụ thể: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11,66 tỷ USD, tăng 21,3%; cà phê đạt 4,37 tỷ USD, tăng 39,6%; gạo 4,37 tỷ USD, tăng 23,5%; hạt điều đạt 3,17 tỷ USD, tăng 22,5%; rau quả đạt 5,87 tỷ USD, tăng 39,4%; tôm  đạt 2,79 tỷ USD, tăng 10,5%; cá tra đạt 1,36 tỷ USD, tăng 7,8%; hạt tiêu đạt 1 tỷ USD, tăng 46,9%.

Về giá xuất khẩu bình quân, gạo 624 USD/tấn, tăng 13,1%; cà phê 3.897 USD/tấn, tăng 56%, cao su 1.592 USD/tấn, tăng 19%; hạt tiêu 4.941 USD/tấn, tăng 49,2%; chè 1.752 USD/tấn, tăng 1,7%; hạt điều 5.802 USD/tấn, tăng 1,4%.

Giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản vào các thị trường đều tăng. Trong đó Châu Á 22,1 tỷ USD, tăng 17,4%; Châu Mỹ 10,9 tỷ USD, tăng 26,1%; Châu Âu 5,5 tỷ USD, tăng 34,6%; Châu Phi 806,3 triệu USD, giảm 0,3% và Châu Đại Dương 661 triệu USD, tăng 16,1%.

Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 21,6%, tăng 27,5%; Trung Quốc chiếm 20,8%, tăng 10,7% và Nhật Bản chiếm 6,6%, tăng 7,1%.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết trong tháng 10/2024, nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp và các địa phương phía Bắc là khẩn trương khôi phục sản xuất nông lâm thủy sản sau cơn bão số 3. Toàn ngành phấn đấu hoàn thành các mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,2 - 4,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản cả năm 57 - 58 tỷ USD;

“Trong bối cảnh ngành nông nghiệp vừa bị thiệt hại nghiêm trọng sau bão số 3 và mưa lũ tại các tỉnh phía Bắc, để hoàn thành cao nhất các mục tiêu trên, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực phấn đấu, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Theo đó, Bộ sẽ chỉ đạo xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể, đặc biệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng, cây có múi; chỉ đạo rải vụ cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ, có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao.

Đồng thời, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ; phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.

Về kế hoạch trong tháng 10/2024, Bộ sẽ trình Thủ tướng ban hành Đề án “Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”; hoàn thiện và trình Đề án "Phòng, chống sụt lún đất, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050". 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate