Xây dựng các chương trình, chính sách, giải pháp khuyến khích hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử, hoàn thiện nền tảng tín nhiệm thương mại điện tử - là một trong những giải pháp của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để thúc đẩy phát triển thị trường thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025.
Bộ Công Thương cho biết, kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/5/2020, Chính phủ đã đặt các mục tiêu tổng quát đến năm 2025 gồm: hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử; xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
Đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch, thương mại điện tử xuyên biên giới; trở thành quốc gia có thị trường thương mại điện tử phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Vì vậy, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số với chức năng quản lý nhà nước về thương mại điện tử tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các nhóm giải pháp trong tâm để đạt được các mục tiêu trên, tăng cường bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng trong thương mại điện tử và thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia và phát triển thị trường thương mại điện tử cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững.
Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý; xây dựng các chương trình, chính sách, giải pháp khuyến khích hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử, hoàn thiện nền tảng tín nhiệm thương mại điện tử.
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh của Covid-19 và sự phát triển bùng nổ của thị trường mua sắm trực tuyến, để góp phần vào việc xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh tại Việt Nam, Cục Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đưa ra giải pháp về phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử.
Theo đó, trong 5 năm tới, bên cạnh việc xây dựng các chương trình, chính sách đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử, giải pháp "Nền tảng tín nhiệm thương mại điện tử" là công cụ đánh giá các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử. Xếp hạng tín nhiệm này sẽ công bố rộng rãi tới người tiêu dùng.
Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, việc xây dựng tín nhiệm tiêu chuẩn trong thương mại điện tử là điều cần thiết để gia tăng niềm tin của khách hàng vào các hoạt động mua bán, thanh toán trong môi trường thương mại điện tử.
Mô hình về hoàn thiện nền tảng tín nhiệm (Circle of Trust) trong giai đoạn 2015 - 2025 bao gồm: xây dựng hệ thống thanh toán đảm bảo ESCROW; giải quyết tranh chấp trực tuyến TrustON; ứng dụng Chứng từ điện tử trong thương mại; ứng dụng dịch vụ chuyển phát tiêu chuẩn trong thương mại điện tử và triển khai các chuỗi sự kiện phát triển thương mại điện tử và hỗ trợ nhà sản xuất, hàng Việt uy tín trong nước.
Năm 2021, Cục Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ triển khai Chương trình GoOnline – với nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng thương mại điện tử từ khi bắt đầu đến lúc kinh doanh, hoạt động được trên môi trường trực tuyến.
Trước đó, báo cáo Thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Brain&Company dự đoán, tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015-2025 của thương mại điện tử Việt Nam là 29%.
Dự báo đến năm 2025, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng thứ 3 trong khối ASEAN.